1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chính phủ đòi hỏi tính chính xác của ngành khí tượng

(Dân trí) - Theo chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công tác dự báo khí tượng thủy văn cần phải bảo đảm dự báo chính xác ngang tầm với khu vực.

Ngoài mục tiêu cụ thể nói trên, theo nguồn tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, chiến lược cũng đặt ra các mục tiêu tăng thời hạn dự báo bão, không khí lạnh lên đến 3 ngày với độ chính xác ngang mức tiên tiến của khu vực châu Á; tăng thời hạn dự báo, cảnh báo lũ cho các hệ thống sông lớn ở Bắc Bộ lên đến 2 - 3 ngày, ở Trung Bộ lên đến 2 ngày, ở Nam Bộ lên đến 10 ngày với độ chính xác 80 - 85%.

Chính phủ đòi hỏi tính chính xác của ngành khí tượng - 1
Dự báo sớm và chính xác thiên tai sẽ giúp người dân giảm thiểu thiệt hại (Ảnh: T. Giang)
 
Đa dạng hóa các sản phẩm dự báo như dự báo khí tượng thủy văn biển hàng ngày và 5 - 7 ngày; dự báo khí tượng thủy văn cực ngắn (6 - 12 giờ), đặc biệt là dự báo định lượng mưa; cảnh báo lũ quét, nguy cơ lốc, tố, vòi rồng; dự báo khí tượng thủy văn phục vụ các ngành kinh tế, xã hội.
 
Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu cho ngành khí tượng, đến năm 2015 Việt Nam cần phát triển được mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn đồng bộ, có mật độ trạm tăng ít nhất 50% so với hiện nay và tự động hóa 75% số trạm trong mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
 
Tiếp theo, đến năm 2020, phấn đấu mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn có mật độ trạm tương đương với các nước phát triển và tự động hóa trên 90% số trạm quan trắc...
 
Lãnh đạo ngành khí tượng cho biết, trên thực tế khó khăn nhất của ngành này hiện nay là vấn đề nhân lực, chứ không hoàn toàn ở khâu đầu tư máy móc, thiết bị  hiện đại nhằm phục vụ cho công tác chuyên dự báo.
 
Bắc Bộ có thể không được ngắm nguyệt thực
 
Nguyệt thực một phần (đến 53%) sẽ diễn ra vào tối thứ bảy 26/6. Tuy nhiên theo thông báo từ cơ quan khí tượng, từ đêm 25/6 miền Bắc diễn ra đợt mưa khá lớn trong vài ngày, trời nhiều mây, có thể gây ảnh hưởng đến việc quan sát hiện tượng thú vị này.
 
Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, cuối tuần này miền Bắc bắt đầu diễn ra đợt mưa với cường độ khá lớn và có thể kéo dài đến đầu tuần sau. Đây là tin vui đối với tình trạng khô hạn đang diễn ra trên toàn vùng.
 
Tuy nhiên, mưa kèm theo nhiều mây có thể gây ảnh hưởng đến việc quan sát đến hiện tượng thiên nhiên thú vị: Nguyệt thực một phần sẽ diễn ra vào tối thứ 7 (26/6) ở khu vực Bắc Bộ (miền Trung và Nam Bộ không bị tác động bởi đợt mưa này).
 
Theo thông tin từ trang web của NASA, nguyệt thực một phần lần này bắt đầu quan sát rõ khi trăng đi vào vùng tối của bóng Trái Đất vào lúc 17h16 (giờ Việt Nam). Theo đó, tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á, Châu Úc, Châu Mỹ sẽ được chứng kiến hơn 50% diện tích của mặt trăng đi vào vùng tối của bóng Trái Đất, trở nên tối và đỏ sẫm.
 
Nguyệt thực sẽ đạt cực đại vào lúc 18h 39 phút với 53% diện tích mặt trăng bị Trái Đất che phủ. Hiện tượng thiên nhiên thú vị này sẽ kéo dài đến khoảng 21h19.
 
Phạm Thanh