1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chỉ 2 cán bộ tỉnh bị đánh giá tín nhiệm thấp

(Dân trí) - Băn khoăn về lần đầu lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND các cấp trên cả nước với chỉ 2 cán bộ tỉnh Gia Lai có trên 50% phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”, nhiều ủy viên Thường vụ QH lo kết quả thiếu thực chất và kiến nghị thay đổi cách lấy phiếu.

Sáng 12/9, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận về kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn theo Nghị quyết 35 năm 2012 của Quốc hội.
 
Kết quả tại Quốc hội, không người nào có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50% tổng số đại biểu Quốc hội. Cụ thể, trong số 47 người được lấy phiếu, có 18 người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm cao” đạt từ 50% trở lên (chiếm 38,3%). Số người có tỷ lệ phiếu cộng cả 2 mức “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm” đạt trên 50% có 29 người (chiếm 61,7%). Số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” từ 10% trở lên có 16 người (chỉ bằng 34%). Trong đó, từ 10% đến dưới 20% có 8 người, từ 20% đến 41% có 8 người.

Ở cấp tỉnh, HĐND 63 tỉnh thành đã hoàn thành lấy phiếu đối với 907 người. Trong đó, có 689 người có tỷ lệ số phiếu “tín nhiệm cao” đạt từ 50% trở lên (chiếm 76%); 39 người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm” đạt trên 50% tổng số đại biểu (chiếm 4,3%); 2 người có tỷ lệ “phiếu tín nhiệm thấp” trên 50% (chiếm 0,3%). Cả 2 trường hợp tín nhiệm thấp này đều ở tỉnh Gia Lai.

Có 8 tỉnh 100% người được lấy phiếu tính nhiệm có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm cao” đạt trên 50% (Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Nam Định…).

Ở cấp huyện, đã có 6.141 người được lấy phiếu (còn một số huyện ở 5 tỉnh thành chưa có báo cáo). Trong đó, 4.514 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tính nhiệm cao (chiếm 73,5%); 496 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm (chiếm 8,1%); 12 người có trên 50% đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp (chiếm 0,2%).

Ở cấp xã, đến nay có tổng số 52.946 người được lấy phiếu tín nhiệm (còn một số xã ở 8 tỉnh chưa báo cáo). Trong đó, 33.174 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm cao (chiếm 62,7%); 6.964 người có trên 50% số đại biểu đánh giá tín nhiệm (chiếm 13,2%); 396 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp (chiếm 0,8%). Đặc biệt, trong số tín nhiệm thấp này, có 5 người có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp (ở tỉnh Bình Phước, Cao Bằng, Phú Thọ, Kon Tum, Thanh Hóa).

Theo các địa phương, những người có mức đánh giá tín nhiệp thấp trên 50% ở cấp tỉnh, huyện, xã được đánh giá nguyên nhân chủ yếu do năng lực hạn chế; do đặc thù của một số ngành, lĩnh vực công tác, nhất là những công việc liên quan đến người dân giải quyết hiệu quả chưa cao; trong đó có người vi phạm khuyết điểm đã và đang được xem xét kỷ luật.
Chỉ 2 cán bộ tỉnh bị đánh giá tín nhiệm thấp
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách (trái) và UB Tư pháp tán thành đề xuất chỉ lấy phiếu với các thành viên Chính phủ, UBND các cấp.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước khái quát, bảng thống kê kết quả cho thấy nhóm người thuộc cơ quan dân cử (lãnh đạo Quốc hội, HĐND các cấp) tín nhiệm đều cao hơn 50%, nhóm Chính phủ, lãnh đạo UBND các cấp số phiếu đều thấp hơn.

Ông Phước thẳng thắn cho rằng, vấn đề rút ra là không nên lấy phiếu tín nhiệm đối với các đại biểu dân cử vì giá trị để phát hiện vấn đề, thay đổi chính sách không cao. Lý do ông Phước đưa ra là tính chất công việc của những người này không phải tiếp xúc, va chạm nhiều, hành động theo quy trình cụ thể nên tỷ lệ sai phạm nhỏ, trừ khi có hành vi tham ô, nhận hối lộ hay lối sống, đạo đức có vấn đề… còn không đều hoàn thành nhiệm vụ.

Cũng với lập luận tương tự, ông Phước thừa nhận những người được lấy phiếu thuộc Chính phủ, UBND các cấp có số lượng tín nhiệm cao không nhiều vì những yêu cầu bức xúc của xã hội đối với công việc mỗi chức danh này đảm nhận.

Ngoài ra cũng có một thực tế là tại các phiên bỏ phiếu, người đại biểu bỏ lá phiếu đánh giá cũng thường phải chú trọng đến các chức danh hoạt động trên mặt trận kinh tế, liên quan trực tiếp đến “miếng ăn manh áo” hơn so với một số lĩnh vực dù tình hình phức tạp, bị kêu ca nhiều nhưng không ở mức cấp thiết. Suy nghĩ này cũng chi phối đến quyết định đánh giá đối với mỗi chức danh cụ thể.

Ông Phước kiến nghị thay đổi phương thức lấy phiếu lần sau, chỉ tiến hành đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh thuộc cơ quan tư pháp, hành pháp, hành chính các cấp – những cơ quan va chạm nhất, sát sườn nhất liên quan đến đời sống người dân. Nhóm các GĐ Sở ở tỉnh, trưởng Phòng, ban ở huyện, xã cần đưa vào danh sách lấy phiếu.

“Lấy phiếu tín nhiệm không phải để có kết quả cao, để ca ngợi nhau mà là hàn thử biểu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của những người thực thi công vụ” – ông Phước nhấn mạnh.

Nếu tiếp tục duy trì hoạt động lấy phiếu, ông Phước nói thêm, hướng thiết kế phiếu cũng phải cải tiến lại, “không cần làm 3 mức tín nhiệm cao – tín nhiệm – tín nhiệm thấp” cho tốn công sức, thời gian. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc lý giải: “Chúng ta nên đơn giản hóa vấn đề, đơn giản như người dân vậy. Cử tri không ai chú ý người có phiếu cao là gì, cao nhất là ai mà chỉ nhớ người có số phiếu thấp nhất thôi. Cử tri đều kiến nghị chỉ làm phiếu đánh giá tín nhiệm hay không”.

Tán thành những phân tích này, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển lập luận thêm, tính chất hoạt động của những người đứng đầu bên khối cơ quan lập pháp làm việc tập thể nên không thể đưa ra những quyết định cá nhân được. Tại Quốc hội, mỗi chủ nhiệm UB, Chủ tịch Quốc hội hay đại biểu cũng chỉ có một phiếu có giá trị ngang nhau. Điều này khác hẳn công việc của Chính phủ, Thủ tướng và ác Bộ trưởng, tính chất điều hành, quyết định cá nhân rất rõ.

Vậy nên việc mang ra cùng lấy phiếu giữa các chức danh rất khác nhau này đương nhiên sẽ cho những kết quả… lệch mà khó có giá trị so sánh năng lực người này tốt hơn người kia.

Ông Hiển kiến nghị thay đổi thêm vấn đề định kỳ lấy thiếu, thực hiện 2 năm một lần thay vì tiến hành hàng năm. Ông Hiển chỉ rõ, những người được lấy phiếu cần phải là những cán bộ dám nghĩ dám làm. Quá trình hoạt động như vậy có thể sai và nếu thế cũng cần cho người đó thời gian để sửa chữa, khắc phục, nếu không các chức danh sẽ “nhụt” đi phần nào, không dám đưa ra những quyết định quyết liệt để điều hành, thay đổi. Các quyết định đột phá cũng dễ va chạm lợi ích của bộ phận này, bộ phận khác và nếu vì chuyện đó Bộ trưởng, GĐ Sở nào đó lại bị mất phiếu, theo ông Hiển là không công bằng, hợp lý.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận xét kết quả lần đầu lấy phiếu tín nhiệm ở các cấp là “tròn vo”. Nhìn những con số này thậm chí còn có thể hoàn toàn yên tâm về công tác phòng chống tham nhũng.

Đồng ý các đề xuất hay đổi cơ chế lấy phiếu, ông Hiện còn yêu cầu đánh giá thêm về trách nhiệm của người cầm lá phiếu bỏ vào hòm, đánh giá độ vênh con số hơn 300 cán bộ bị đánh giá tín nhiệm thấp ở cấp xã nhưng càng lên cao số tín nhiệm thấp càng ít (cấp huyện có 12 người, cấp tỉnh có 2 người, TƯ không có người nào)…

Phản biện lại những ý kiến “can gián” này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý khẳng định, tất cả các vấn đề nêu ra đã được bàn bạc, cân nhắc khi chuẩn bị kế hoạch lấy phiếu, từ việc xác định đối tượng, kỳ hạn, cách thức lấy phiếu, thiết kế lá phiếu đánh giá tín nhiệm… Cân nhắc nhiều khía cạnh được và chưa được chính Quốc hội đã thống nhất phương thức thực hiện như vừa qua. Ông Lý cho rằng cần tiếp tục tiến hành lấy phiếu một vài lần nữa mới có thể tổng kết, xem xét đề xuất thay đổi.

Chốt lại nội dung thảo luận này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, các nội dung này sẽ được báo cáo đầy đủ về các hướng kiến nghị trình TƯ Đảng, Quốc hội xem xét quyết định.

P.Thảo