1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chạy án - chạy ai?

Đang có một cuộc điều tra quy mô về vụ "chạy án" liên quan đến những vụ tiêu cực ở PMU18 thuộc Bộ GTVT. Đây không phải là lần đầu tiên các công dân của ta được nghe nói đến tệ nạn này.

Nói cho cùng thì "chạy án" là một hiện tượng không phổ biến trong lịch sử, nó dường như chỉ xảy ra trong một hoàn cảnh xã hội "đặc biệt". Từ điển tiếng Việt bị bổ sung các từ vốn gây nên sự nhức nhối xã hội: Chạy án, chạy chức.

 

Lịch sử tiếng Việt chưa từng xuất hiện các từ như thế và lịch sử quốc luật, hình luật nước ta cũng chưa từng xuất hiện các tội danh như thế. Nếu có cái nội dung đó thì cũng chưa đạt đến mức... "chạy".

 

Nó là sản phẩm đầy tội lỗi của cái cơ chế "xin", "cho", của thứ quyền lực đứng trên luật pháp của cá nhân tha hoá nhưng có quyền lực và có nhiều tiền.

 

Dư luận thường quan tâm đến cụ thể các cá nhân tham gia "chạy án" cùng những người liên quan mà ít quan tâm đến nó với tư cách là một hiện tượng xã hội.

 

Từ "ai chạy?" đến "chạy ai?". Rất khó trả lời câu hỏi này một cách minh bạch. Nhưng chưa trả lời được câu hỏi này nghĩa là vẫn tồn tại vùng cấm mà luật pháp khó chạm tới. Vấn đề "chạy ai?" được trả lời một cách đơn giản: "Chạy" những người có quyền lực.

 

Từ câu hỏi này, lại nảy sinh một thắc mắc khác: Có phải đã và đang tồn tại sự can thiệp vào pháp luật? Và pháp luật cũng có thể bị can thiệp từ một vài cá nhân? Nếu không có chuyện can thiệp như thế thì không thể xảy ra chuyện "chạy án".

 

Tệ nạn này tồn tại nghĩa là tính độc lập của luật pháp sẽ luôn bị đe doạ. Thế nhưng ở vụ việc cụ thể PMU18 thì tính độc lập của luật pháp đã đứng vững. Đường dây "chạy án" trong vụ PMU18 đang dần dần được bóc gỡ.

 

Tuy nhiên, luật pháp phải bảo vệ luật pháp. Nghĩa là phải giải quyết tệ nạn này không chỉ trong một vụ việc như PMU18 mà còn phải phá bỏ nguồn gốc sâu xa của nó. Phải triệt phá tận gốc, nếu không, chặt đầu này nó sẽ lại mọc đầu khác.

 

Theo TS Nguyễn Đức Mậu

Lao Động