1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Bình:

Chập điện, cả thôn “mỏi mắt” chờ bồi thường

(Dân trí) - Ba tháng sau vụ chập điện khiến 70% thiết bị điện của 207 hộ thôn Trường Niên (xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh) bị cháy, người dân vẫn “đỏ mắt” chờ bồi thường trong khi các bên hữu quan chưa có câu trả lời thẳng thắn về nguyên nhân và trách nhiệm.

Thiết bị điện biến thành... pháo
 
Trưa 3/9/2009, trong khi 290 hộ trong thôn Trường Niên đang sử dụng điện bình thường thì bỗng các thiết bị điện như đèn, Ti vi bỗng nhiên sáng rực lên rồi... nổ toé tia lửa điện. Chẳng hiểu chuyện gì xảy ra, rất nhiều người đã tiếp tục bật các thiết bị khác để thử thì đến lượt máy vi tính, quạt điện, nồi cơm, tủ lạnh... đều bốc mùi khét lẹt.
 
Kết quả, chỉ trong ít phút, 70% thiết bị điện của người dân thôn Trường Niên bị cháy, nổ. Ông Hà Xuân Suốt - Trưởng thôn Trường Niên lắc đầu: “Cả thôn có 290 hộ thì đã có 207 hộ báo bị cháy, hỏng thiết bị điện, ngay nhà tôi cũng bị cháy Ti vi, nồi cơm điện và cặp loa”.
 
Ông Suốt vừa nói, vừa mở cửa kho để “khoe” thêm cái tủ điện, bộ tăng âm, đầu DVD, Ti vi và bộ loa cũ của Nhà văn hoá thôn vừa bị “thần điện” đốt cháy.
 
Chập điện, cả thôn “mỏi mắt” chờ bồi thường - 1

Ông Suốt bên những thiết bị điện bị hư hại trong Nhà văn hóa thôn Trường Niên.
 
Ông Hà Xuân An (cán bộ hưu trí) cũng bấm ngón tay liệt kê: “Hôm đó cũng chẳng có sấm chớp gì, tự nhiên trong nhà đang dùng điện bình thường thì thấy cháy nổ bùm bụp. Hoảng hốt, tôi nhìn đồng hồ đo điện trong nhà thì thấy điện tăng tới gần... 400V”.
 
Tắt vội các thiết bị điện nhưng ông An vẫn phải viết vào tờ trình: cháy 1 máy in Canon, 1 CPU vi tính, 1 Ti vi, 1 đầu DVD, 1 đầu truyền hình kỹ thuật số, 1 tăng âm, 1 đèn, tổng chi phí sửa chữa mất 6 triệu đồng.
 
“Tổng thiệt hại toàn thôn hiện chưa thống kê được, nhưng chắc chắn không nhỏ. Mới cộng sơ qua đã có hơn 170 Ti vi bị cháy, hàng trăm thiết bị điện khác bị hư hại”, ông Suốt cho biết.
 
Tại “anh”, tại “ả” hay tại... trời?
 
Sự việc xảy ra đã 3 tháng nay, hậu quả cũng nhãn tiền nhưng có điều khá lạ lùng là hiện nay các đơn vị liên quan vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể và “kẻ có tóc” cũng như phương án đền bù, hỗ trợ cụ thể cho người dân.
 
Được biết, ngay sau khi xảy ra vụ chập điện, HTX dịch vụ điện xã Hàm Ninh và Chi nhánh điện Quảng Ninh đã lập biên bản, nhất trí cho rằng nguyên nhân là giông sét gây đứt cáp xuất tuyến sau trạm biến áp, dẫn đến cháy nổ thiết bị.
 
Trong báo cáo của mình ngày 5/9, ông Trần Văn Hợi - Chủ nhiệm HTX còn giải thích thêm rằng nguyên nhân cháy nổ một phần do hệ thống bảo vệ của các hộ gia đình không tốt.
 
Sở dĩ có cách giải thích này là vì ngày 29/8, đường dây hạ thế của thôn và tủ phân phối điện ở đây đã bị sét đánh cháy. Nhưng sau đó, sự cố này đã được khắc phục và người dân sử dụng điện bình thường trong suốt ngày 2/9.
 
Chập điện, cả thôn “mỏi mắt” chờ bồi thường - 2

Điện tăng áp đột ngột, tại sao áp-tô-mát không ngắt?
 
Cách lý giải của ông Hợi khiến người dân Trường Niên thêm bức xúc, bởi vốn dĩ người dân đã luôn đặt ra câu hỏi: “Tại sao điện lên tới 380V mà áp-tô-mát trong trạm biến áp không tự động ngắt nguồn? Phải chăng vụ sét đánh trước đó đã làm hỏng áp-tô-mát và người nhà điện đã đấu nối lại không đúng quy trình?”.
 
Ông Trần Văn Hoàng - Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh cho biết: “HTX dịch vụ điện giải thích không thuyết phục, nên ngày 17/9 xã đã có tờ trình gửi UBND huyện đề xuất UBND huyện, Phòng Công Thương và Chi nhánh điện Quảng Ninh làm rõ nhưng đến nay chưa có đơn vị nào trả lời”.
 
Mới đây, BQL dự án REII tỉnh (Sở Công Thương) đã tổ chức họp giữa các bên liên quan và kết luận nguyên nhân chính là do... sét đánh. Chi nhánh điện Quảng Ninh cũng “đá” trách nhiệm sang cho HTX dịch vụ điện Hàm Ninh với lý do sự cố phía sau trạm là thuộc phạm vi quản lý của HTX.
 
Phương án xử lý hậu quả nặng nề mà người dân đang phải gánh chịu là “thoả thuận và hỗ trợ”! Khi được hỏi nếu người dân không chấp nhận thoả thuận thì phương án nào để giải quyết, ông Trần Văn Hoàng cùng băn khoăn không biết phải làm sao.
 
Ông Hoàng trăn trở: “Dự án REII đã được bàn giao, nhưng không hiểu sao khi khảo sát thì khẳng định sẽ phủ mới 100% hệ thống điện nhưng khi thi công chỉ phủ được 60%, và cũng chỉ cấp 50% số công-tơ cho các hộ dùng hệ thống mới. Cứ như vậy, có tuyến dùng dây mới, công-tơ mới, có tuyến cũ vẫn hoàn cũ, không đồng bộ”.
 
Còn người dân thôn Trường Niên sau 3 tháng “đỏ mắt” chờ đền bù đã phải tự động đi sửa sang, mua mới thiết bị để dùng. Nhiều người dân vẫn chưa thôi bức xúc: “Chúng tôi dùng điện thì phải trả tiền, sao khi điện chập, dân thiệt hại thì đổ tại ông trời?”.
 

Dự án năng lượng nông thôn II (REII) được Thủ tướng phê duyệt năm 2004 với tổng mức đầu tư trên 300 triệu USD. Dự án triển khai tại 1.200 xã thuộc 30 tỉnh nhằm nâng cấp lưới điện nông thôn và xây dựng mô hình giao địa phương quản lý điện hạ thế nông thôn.

Công trình xây lắp đường dây hạ thế và lắp đặt công-tơ xã Hàm Ninh được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt năm 2007, tổng mức đầu tư 2,4 tỷ đồng giao Sở Công thương lập BQL dự án.

Lúc bàn giao cho UBND xã Hàm Ninh và HTX dịch vụ điện xã này vào giữa năm 2009, BQL dự án khẳng định công trình đạt theo thiết kế, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, các quy phạm và quy định hiện hành của Nhà nước.

 
Hồng Kỹ