1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Chánh án TAND Tối cao: Cán bộ tư pháp phải “chuẩn” về đạo đức

(Dân trí) - Bộ Tư pháp cần làm tốt công tác cán bộ, đặc biệt là khâu quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp có đủ tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, bảo đảm về đạo đức, phẩm chất chính trị…

Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình tại diễn đàn Quốc hội.
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình (Ảnh: Việt Hưng)
 
Sáng 21/8, tại Hà Nội, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương do ông Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp về triển khai Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

 

Báo cáo với Đoàn kiểm tra, ông Hà Hùng Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, thực hiện Kết luận số 92 của Bộ Chính trị, thời gian qua, Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp đã chỉ đạo sát sao công tác cải cách tư pháp của Bộ. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã tập trung công tác thể chế trong các lĩnh vực do ngành tư pháp quản lý.

 

Một số nhiệm vụ trọng tâm đạt được những kết quả tích cực như: Ngành cơ bản hoàn thành tốt công tác xây dựng thể chế góp phần quan trọng vào việc thể chế hóa các định hướng, chủ trương lớn của Nghị quyết số 49-NQ/TW, nhất là việc giúp Chính phủ tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Các dự án lớn do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối thống nhất, đồng bộ, phục vụ đắc lực công cuộc cải cách tư pháp của Bộ, ngành. Bộ chủ động, mạnh dạn, kiên trì thực hiện chủ trương “xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp” theo Nghị quyết số 49-NQ/TW; nhiều chính sách lớn, quy hoạch tổng thể trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp được xây dựng, ban hành tạo điều kiện định hướng hoạt động bổ trợ tư pháp, bám sát định hướng đổi mới theo yêu cầu của Chiến lược cải cách tư pháp. Bộ Tư pháp đã chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực giám định tư pháp, trợ giúp pháp lý, thí điểm thành lập Thừa phát lại tại 12 tỉnh, thành phố... thu được những kết quả bước đầu khả quan...

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai cải cách tư pháp của Bộ Tư pháp thời gian qua cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết còn chậm, chưa đảm bảo yêu cầu về triển khai thi hành luật, pháp lệnh; vẫn còn tình trạng nợ đọng văn bản. Kết quả thi hành án xong về việc và tiền tuy cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 nhưng chưa có sự đột phá. Việc triển khai thí điểm Thừa phát lại còn chậm so với yêu cầu. Đội ngũ luật sư hiện nay chưa đủ cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý ngày càng tăng...

 

Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp xác định một số định hướng về cải cách tư pháp đến năm 2020 là: Tiếp tục nghiên cứu, dự báo nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, chính sách pháp luật trong lĩnh vực cải cách tư pháp nói riêng giai đoạn từ nay đến 2020, tầm nhìn 2030 phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Bộ Tư pháp chuyển trọng tâm của cải cách tư pháp từ xây dựng thể chế sang nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực thi hành án và bổ trợ tư pháp; lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống thi hành án dân sự thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản, bền vững đối với nhiệm vụ thi hành án dân sự, hành chính; bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, Nhà nước trong thi hành án dân sự, hành chính. Bộ Tư pháp sẽ tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ tư pháp...

 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đánh giá cao Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 92 của Bộ Chính trị theo đúng yêu cầu đề ra. Bộ đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện; tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Kết luận số 92 và các văn bản của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương về phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian tới cho lãnh đạo cấp vụ, trưởng các ban, ngành, đoàn thể của Bộ Tư pháp.

 

Thời gian tới, ông Trường Hòa Bình đề nghị Ban cán sự đảng và lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, chỉ đạo việc quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc những nội dung của Nghị quyết số 49 và Kết luận số 92 của Bộ Chính trị; gắn việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp với liên hệ kiểm điểm công tác từng đơn vị, cá nhân nhằm tiếp tục tạo sự thống nhất trong nhận thức về vị trí, vai trò của công tác tư pháp, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp.

 

 Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp tập trung sớm hoàn thành các đề án theo sự phân công của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, đảm bảo tiến độ và chất lượng; nghiên cứu để làm rõ một số vấn đề lớn về quyền tư pháp, cơ quan thực hiện quyền tư pháp, thể chế hóa đầy đủ các nguyên tắc hiến định về quyền tư pháp trong các đạo luật và trong tổ chức thi hành pháp luật.

 

Bộ Tư pháp cần làm tốt công tác cán bộ, đặc biệt là khâu quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp có đủ tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, bảo đảm về đạo đức, phẩm chất chính trị đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

 

Bộ tập trung chỉnh lý và hoàn thiện các dự án luật đã có trong Chương trình xây dựng pháp luật năm 2014; nâng cao kết quả thi hành án dân sự, làm tốt công tác phân loại, đảm bảo 100% quyết định thi hành án được ban hành đúng quy định của pháp luật...

 

Nguyễn Cường
 
TTXVN