1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Tây:

Cầu ọp ẹp làm dân chết oan, UBND hai xã hầu tòa

(Dân trí) - Cái chết thương tâm của anh Nguyễn Văn Tứ (38 tuổi, trú tại xã Hoà Nam, Ứng Hoà, Hà Tây) khi đi qua chiếc cầu phao của xã nhà cách đây gần một năm đã được khơi lại khi TAND tỉnh Hà Tây quyết định đưa vụ án ra xử phúc thẩm.

Chuyện “hậu sự” sau vụ tai nạn vẫn như mớ bòng bong khi mà bản án sơ thẩm của TAND huyện Ứng Hoà tuyên buộc UBND hai xã của hai bờ bên cầu cùng xẻ đôi trách nhiệm.

Sự việc xảy ra lúc chập choạng tối ngày 3/11/2005, khi anh Tứ từ nhà bạn ở xã Đại Hưng (Mỹ Đức) ra về qua chiếc cầu, bị ngã xuống sông Đáy chết đuối. Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm này là do đoạn nối giữa hai phần cầu (dùng để mở cho tàu thuyền qua lại) đã vô tình tạo ra khoảng trống dẫn đến việc anh Tứ cùng chiếc xe rơi xuống sông Đáy.

Rất nhiều người dân chứng kiến sự việc cho biết ngay khi ngã xuống sông anh Tứ đã kịp kêu khá to vài ba lần nhưng không nhận được sự giúp đỡ kịp thời của người chủ thường trực ở cầu, mà lẽ ra họ phải làm nhiệm vụ ấy. Chính sự chậm trễ này đã gián tiếp làm cho công tác cứu hộ anh Tứ càng khó khăn hơn và phải đến ngày hôm sau nhân dân mới vớt được xác anh Tứ trôi dạt cách đấy khoảng 700 mét.

Được biết, cây cầu phao này đã có cách đây hơn chục năm, do 4 người trông coi và ký hợp đồng với hai xã Hoà Nam và Đại Hưng quản lý và thu tiền lệ phí. Theo như bản hợp đồng được ký kết giữa các bên thì mỗi năm các chủ cầu này phải nộp cho UBND hai xã tổng số tiền là 7.200.000 đồng. Mức lệ phí của chủ cầu thu đối với người đi qua lại là 300 đồng/lượt đối với người đi bộ; 500 đồng/ lượt đối với người đi xe đạp; 1000 đồng/ với người đi xe máy.

Lệ phí thì vẫn thu đều nhưng nhiều năm qua cây cầu không được đầu tư, sửa chữa mà chủ yếu làm theo cách chắp vá. Còn sàn cầu được ghép tạm bợ bằng những tấm ván lổn nhổn, gồ ghề, rất khó đi lại. Một cán bộ xã Hoà Nam cho biết, ít nhất đã có 5 trường hợp tử vong và chủ yếu được "giải quyết" theo tình làng nghĩa xóm, không để xảy ra khiếu kiện gì.

Sau cái chết thương tâm của anh Tứ, gia đình đã làm đơn khởi kiện hai xã Đại Hưng (Mỹ Đức) và Hoà Nam (Ứng Hoà) ra TAND huyện ứng Hoà đòi bồi thường tính mạng do tai nạn cầu phao. Tháng 6 vừa qua, TAND huyện đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên buộc hai xã phải bồi thường cho gia đình nạn nhân số tiền 25.000.000 đồng (mỗi xã 12.500.000 đồng).

Theo kết luận điều tra của công an huyện Ứng Hoà thì: “Dọc cầu phao không có phao cứu sinh, không có đèn chiếu sáng ở khu vực giữa cầu, hệ thông lan can hai bên thành cầu có chỗ bị sập sệ. Đặc biệt, phía hạ lưu, 6 mét lan can bị mất, phía thượng lưu sát khoang cầu phía Đanh Xuyên có 3 mét lan can bị sập sát xuống sàn cầu”. Với những chứng cứ trên, Toà sơ thẩm nhận định: hệ thống thiết bị an toàn chưa đảm bảo, vi phạm điều 12 Luật giao thông đường thuỷ nội địa. Lỗi và trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý cầu - đó là UBND hai xã Đại Hưng và Hoà Nam.

Trong buổi làm việc với PV, ông Nguyễn Phúc Đoàn - Chủ tịch UBND xã Hoà Nam thẳng thắn thừa nhận: "Chúng tôi nhận lỗi đã thiếu sót về quản lý, chỉ đạo những chủ trông coi cầu phao trong việc sửa chữa, khắc phục sự xuống cấp của cây cầu. Bản thân chúng tôi coi đây là một bài học xương máu cần rút kinh nghiệm”.

Tuy nhiên, ông Đoàn vẫn hết sức băn khoăn vì không hiểu sao chỉ có chính quyền xã phải “giơ đầu chịu báng” trong vụ kiện này. Giữa UBND xã với các chủ trông coi cầu phao đã có hợp đồng kinh tế. Lẽ ra, khi phát hiện sự xuống cấp và thiếu an toàn của cây cầu, những ông chủ này phải lập báo cáo sửa chữa. Nhưng họ đã quên đi trách nhiệm của mình mà chỉ nghĩ đến việc thu lệ phí.

Ông Nguyễn Đăng Trình, 73 tuổi, cha anh Tứ thì rơm rớm nước mắt: “Người mất thì cũng mất rồi, tôi chỉ mong muốn cây cầu luôn phải được tu sửa, để nhân dân khi đi lại thuận lợi, tránh khỏi chết oan như con trai tôi”.

Thái Anh