1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Câu chuyện Bác Hồ trích tiền tiết kiệm tặng làng nghề mây tre đan

(Dân trí) - “Bác đã nhận được quà của các chú. Bác trích một phần tiền tiết kiệm Bác dành dụm được tặng các chú 50 đồng làm vốn để các chú khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống mây tre đan ở địa phương”.

Đó là một đoạn trong bức thư Bác gửi những nghệ nhân làng Ngọc Động sau khi Bác nhận được món quà là bộ ghế mây mà các nghệ nhân của làng nghề tặng Bác.

Ý tưởng đan ghế tặng Bác Hồ

Trong không khí những ngày kỷ niệm 121 năm ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/2011), chúng tôi về thôn Ngọc Động, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên (Hà Nam) thăm làng nghề mây tre đan nổi tiếng. Đi qua cổng làng Ngọc Động vài trăm mét, chúng tôi có mặt tại căn nhà nhỏ của nghệ nhân Nguyễn Văn Minh. Ông là một trong 7 người tham gia đan bộ ghế mây tặng Bác. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những chiếc máy nổ cùng những nguyên liệu mây giang và rất nhiều những sản phẩm làm từ mây giang.
 
Câu chuyện Bác Hồ trích tiền tiết kiệm tặng làng nghề mây tre đan - 1
Nghệ nhân Nguyễn Văn Minh

Tiếp chúng tôi là một người đàn ông dong dỏng cao, mái tóc hoa râm, một tuổi già còn nhiều minh mẫn và khéo léo. Bên bộ bàn ghế mây do chính tay ông làm ra và ấm trà nóng, nghệ nhân Minh nhẹ nhàng kể lại câu chuyện về ý tưởng đan bộ ghế mây tặng Bác Hồ của nhóm nghệ nhân mây giang làng Ngọc Động, trong đó có ông.

Chỉ tay vào chiếc ghế mây giống hệt ghế tặng Bác Hồ, nghệ nhân Minh kể: “Việc đan ghế tặng Bác đối với tôi là một kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời gắn với nghề đan mây truyền thống. Đó không chỉ là niềm vui, sự xúc động của riêng bản thân mà còn là niềm tự hào của những người con làng Ngọc Động”.
 
Câu chuyện Bác Hồ trích tiền tiết kiệm tặng làng nghề mây tre đan - 2
Nghệ nhân Minh bên sản phẩm ghế mây độc đáo - bản sao của chiếc ghế mây mà nhóm nghệ nhân làng Ngọc Động đã dành tặng Bác Hồ

Trước đây, làng Ngọc Động còn là một vùng đồng quê chiêm trũng nghèo, ít đồng ruộng. Nhiều thanh niên khỏe mạnh bỏ làng đi tha hương kiếm sống, chỉ còn lại những lớp người trung tuổi ở làng. Thời đó, làng có nghề đan mây tre có truyền thống lâu năm nhưng không mấy phát triển, ông tổ của làng làng nghề là ông Binh Cổng hay còn gọi là Binh Tiền.

Năm 1957, khi ông Minh 15 tuổi, ông đã cùng một số anh em trong làng ở lại học nghề đan mây tre truyền thống. Vốn là người chịu khó, ham học lại có sẵn tính thông minh nên ông Minh tiếp thu nghề mây tre đan rất nhanh và thành thạo, có sự sáng tạo hơn hẳn nhiều người trong làng. Tên tuổi của ông cũng nhanh chóng được người địa phương biết đến.
 
Khi biết tin Bác chuẩn bị về ở nhà sàn, các cụ cao niên trong làng Ngọc Động đề xuất ý tưởng làm một kỷ vật gì đó để tặng Bác. Ý tưởng về việc làm bộ ghế mây tre đan tặng Bác ra đời từ đó. Sau đó, làng nghề đã mở cuộc tuyển chọn những nghệ nhân có tay nghề giỏi nhất để tham gia đan ghế mây tặng Bác. Sau đó, làng đã chọn được 7 nghệ nhân tham gia công việc cao quý này.
 
Câu chuyện Bác Hồ trích tiền tiết kiệm tặng làng nghề mây tre đan - 3
Đình làng Ngọc Động, nơi nhóm nghệ nhân làng nghề miệt mài làm ghế mây tặng Bác Hồ

“Để có những chiếc ghế mây đẹp, mềm và êm thì đòi hỏi sự cố gắng, tâm huyết của tất cả các thành viên trong nhóm nghệ nhân thực hiện. Ai cũng cố gắng, mong mỏi sẽ thực hiện thành công để tặng Bác. Nó sẽ giúp Bác thuận tiện trong khi làm việc, đọc sách và tiếp khách”, nghệ nhân Nguyễn Văn Minh nhớ lại.

Những kỷ niệm khó quên với Bác

Gần nửa thế kỷ đã đi qua, kể từ lần cuối gặp Bác Hồ, ông Nguyễn Văn Minh vẫn nhớ như in những kỷ niệm về Bác. Đó là sự giản dị, gần gũi với nhân dân của vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh.

Năm 1965, khi nghe tin Bác Hồ mời đoàn Anh hùng miền Nam lần đầu tiên ra thăm miền Bắc, trong lòng ông cảm thấy vô cùng sung sướng và mong được gặp Bác. Đó là lần nhóm nghệ nhân làng nghề của ông dâng tặng Bác bộ ghế mây tre của làng nghề truyền thống.

Câu chuyện Bác Hồ trích tiền tiết kiệm tặng làng nghề mây tre đan - 4
Tuổi già, nhưng những công việc vất vả như uốn nguyên liệu mây tre hay đan mây ông Minh vẫn có thể tự tay làm

Ông Minh bồi hồi nhớ lại: “Vì đó là ghế làm tặng Bác nên mỗi người chúng tôi đều ý thức được trách nhiệm và vinh dự lớn lao của mình. Mọi công đoạn đều được làm cẩn thận và chắc chắn đảm bảo độ bền cao. Mọi công đoạn đòi hỏi sự tỷ mỉ và công phu nên việc chọn nguyên liệu cũng hết sức tỉ mỉ, những cây song mây được chọn có tuổi đời từ 10 - 15 năm, thân màu vàng óng, gỗ phải là loại gỗ tốt nhất, chống mọt. Các sợi mây được tước thủ công sau đó kéo qua kéo lại cho thật bóng. Đặc biệt khâu chọn sơn rất được chú trọng và phải là sơn ta để chống bay hơi”.

Sự cố gắng ấy đã được đền đáp, món quà lớn lao do tự tay nhóm nghệ nhân làng Ngọc Động làm được dâng tặng Bác Hồ. Niềm vui sướng trào dâng, lan tỏa trong mỗi người nghệ nhân lúc đó. Ông minh cũng vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng huy hiệu Hồ chí Minh, đó là món quà ý nghĩa cao quý nhất là ông luôn trân trọng.

Cũng trong dịp đó, tổ hợp làng nghề Ngọc Động nhận được một món quà 50 đồng và một lá thư của Bác Hồ viết gửi lại cho nhóm nghệ nhân làng Ngọc Động, trong lá thư có đoạn: “Bác đã nhận được quà của các chú. Bác trích tiền tiết kiệm của Bác dành dụm được tặng các chú 50 đồng làm vốn để các chú khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống mây tre đan ở địa phương”.

Từ tấm lòng và sự động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làng nghề mây tre truyền thống Ngọc Động như được truyền lửa. Làng nghề không những được khôi phục mà ngày càng có thương hiệu, nổi tiếng khắp các tỉnh lân cận như: Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc…

Nghệ nhân Nguyễn Văn Minh cũng như bao thế hệ nghệ nhân khác trong làng nghề, luôn cố gắng sáng tạo để làng nghề phát triển hơn nữa. Những kỷ niệm và tấm lòng của Bác Hồ vẫn luôn sáng mãi trong ông, thôi thúc ông phát huy hơn nữa bản sắc văn hóa làng nghề miền quê Việt Nam.

Cao Tuân - Duy Tuyên