1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

TPHCM:

Cầu bộ hành “ế” khách

(Dân trí) - TPHCM hiện có nhiều cầu bộ hành ế khách, trong khi đang hứa hẹn có thêm... cầu mới. “Thảm” nhất phải kể đến cây cầu vượt bộ hành nằm trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh. Quan sát từ sáng đến tối, đếm kỹ cũng chỉ được chưa đầy trăm người qua.

Cầu bộ hành hay sân ngắm cảnh?

 

 

Vẫn quan sát cầu vượt bộ hành (CVBH) nằm trên đường Điện Biên Phủ (trước chợ Văn Thánh, hay gọi là CVBH Văn Thánh), thời điểm cầu đông khách nhất là tầm chiều mát, khi người dân xung quanh có nhu cầu... hóng mát, và cầu bộ hành trở thành một địa điểm lý tưởng.

 

Nguyên nhân của sự ế ẩm này, một phần vì chợ Văn Thánh vắng người nên ít ai qua lại, phần vì đa số người đi đường nghĩ “thà đi cố lên ngã tư sang đường còn tiện hơn phải leo cầu thang lên cầu”.

 

Chung số phận “sân ngắm cảnh” là CVBH trước Khu du lịch Suối Tiên. Cầu vắng khách lại qua trong khi rất nhiều người vẫn thong dong dắt tay nhau băng qua Xa lộ Hà Nội ầm ầm xe tải, xe buýt, xe khách...

 

Hỏi tại sao, họ thản nhiên trả lời: “Vậy cho tiện! Chỉ cần băng qua đường là đến trạm xe buýt rồi, cần gì đi vòng lên cầu vượt”. Ngoài ra, rất nhiều khách du lịch ở xa đến tỏ vẻ ngạc nhiên và không hề biết đến sự tồn tại của cây cầu bộ hành này.

 

CVBH trước cổng bệnh viện Ung bướu trên đường Nơ Trang Long được đánh giá là “đắt khách” nhất TPHCM, song vẫn có nhiều người đi bộ sang đường dưới chân cầu. Nhiều người dân phản ánh là cầu quá dốc nên bệnh nhân yếu sức khó leo qua. Hơn nữa, lối lên cầu bị “đội quân” bán hàng rong và người trông giữ phương tiện chiếm chỗ nên qua lại rất bất tiện.

 

Các CVBH tại Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cũng chung cảnh ế ẩm. Khách hàng thường xuyên nhất của các cây CVBH này là các bác sĩ và nhân viên bệnh viện.

 

Thờ ơ với chính sinh mạng của mình

 

Đúng là có nhiều bất cập trong công tác nghiên cứu chọn địa điểm xây dựng, cách xây dựng, cách quản lý… dẫn đến người dân ngại dùng CVBH. Nhưng cũng phải khẳng định một thực tế: Chính ý thức kém của người dân đã khiến CVBH khó đi vào đời sống.

 

Bên lề một hội nghị, TS Nguyễn Trung Hoà, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Xây dựng cho rằng: “Thực tế là người dân vẫn còn thiếu ý thức chấp hành luật cũng như ý thức về sự an toàn của bản thân. Nói chính xác là mọi người thờ ơ với chính sinh mạng của mình. Cho nên họ không sử dụng những tiện nghi mà Nhà nước bỏ tiền của ra xây dựng cho họ”.

 

Người dân không nhận thức được rằng việc băng qua đường với hàng trăm phương tiện đang phóng ào ào thế là quá nguy hiểm; trong khi đi qua CVBH dù mất công sức một chút nhưng rất bảo đảm an toàn. Người dân vẫn còn mang nặng suy nghĩ, lấy cái tiện lợi trước mắt là hàng đầu, mà ít nghĩ đến hậu quả sâu xa.

 

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa khiến CVBH ế khách chính là sự thờ ơ trong công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền. Đơn cử như CVBH tại Bệnh viện Ung bướu dù nhỏ và xấu hơn các cây cầu khác nhưng có lưu lượng người qua cầu gần như nhiều nhất ở TPHCM, vì ngay chân cầu có hai tấm biển: “Người đi bộ qua đường bằng cầu vượt để tránh tai nạn giao thông”.

 

Tùng Nguyên