1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Cấp thoát nước “lao đao” vì đào đường

(Dân trí) - Mấy năm gần đây, tần suất đào đường lắp đặt ống cấp thoát nước mới của TPHCM rất cao nên tình huống phổ biến nhất là nhân viên đào đường… cắt luôn ống cấp nước để thi công cho nhanh, thậm chí có lúc bịt luôn cả đường thoát nước.

Công trình thoát nước “cắt” cấp nước

Theo quy trình, khi các đơn vị đào đường lắp đặt ống thoát nước mà gặp các công trình hạ tầng khác như cáp quang, ống cấp nước… thì phải liên hệ với các ngành này để lập kế hoạch tạm di dời, sau khi thi công lắp ống thoát nước xong sẽ khôi phục lại.

Tuy nhiên, vì hoạt động phối hợp liên ngành không hiệu quả nên việc này kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các đơn vị lắp đặt ống thoát nước. Do vậy, nhiều đơn vị xử lý bằng cách nhanh nhất là… tự ý cắt.

Điển hình là mới đây khi thi công gói thầu TH5 (dự án Nâng cấp đô thị Việt Nam) trên đường Âu Cơ, Lũy Bán Bích (Tân Bình, Tân Phú) trong mấy tháng đầu năm 2010, Công ty Zublin International đã “cắt” luôn cả đường cấp nước. Ngoài ra, đơn vị này còn thi công cẩu thả, không tuân thủ theo quy trình đảm bảo an toàn cho các công trình hạ tầng khác nên thường xuyên làm vỡ ống cấp nước chạy dọc hai tuyến đường trên.

Việc này đẩy người dân vào tình cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, thường xuyên; còn đơn vị quản lý đường ống phải tốn hàng trăm triệu đồng để khắc phục.

Mọi việc bức xúc đến nỗi Chi nhánh Cấp nước Tân Hòa (đơn vị quản lý cấp nước khu vực trên) phải liên tục gửi công văn đến chủ đầu tư, đơn vị thi công, giám sát công trình yêu cầu can thiệp. Vì hệ thống cấp nước mùa khô của TPHCM vốn đã thiếu, nay còn bị “cắt” không thương tiếc như trên thì sinh hoạt của người dân càng thêm khó khăn.

Thoát nước cũng không “thoát”

Trái ngược với các trường hợp trên là tình huống các đơn vị thi công công trình hạ tầng có đào đường, nhiều nhất là các công trình cấp thoát nước trong quá trình thi công chặn luôn đường thoát nước.
Cấp thoát nước “lao đao” vì đào đường  - 1
Tình trạng ngập nặng ở TPHCM một phần là do cống không thể thoát nước.
 
Mới đây nhất, Công ty Thoát nước đô thị cũng đã có văn bản gửi các đơn vị quản lý cấp cao yêu cầu can thiệp vào vụ việc đơn vị thi công tuyến cấp nước Kênh Đông để bùn đất “lèn” chặt hệ thống ống thoát nước khiến nhiều khu vực dân cư bị ngập.
 
Theo công ty này, trong quá trình thi công tuyến ống D1800 - D2000 cấp nước sạch từ nguồn nước Kênh Đông, đơn vị thi công là Công ty Công trình giao thông công chánh và Công ty VLXD & XLTM đã tự ý tháo dỡ các tuyến ống thoát nước hiện hữu trên đường Lý Thường Kiệt (Hóc Môn), bơm nước có lẫn bùn đất xuống hố ga làm tắc nghẽn dòng chảy.

Nhiều nhất là các công trình đào đường lắp ống thoát nước mới trong thời gian gần đây, các nhà thầu thi công đã bít cửa xả, phá hệ thống cống cũ trong khi hệ thống cống mới chưa hoạt động nên nước không có đường thoát. Nhiều đơn vị thi công còn xây tường bít đầu cống, bít chặn bằng bao cát, đá… khiến nước trên đường không thể thoát xuống cống.

Theo thống kê của Công ty Thoát nước đô thị thì hiện TPHCM có đến 84 đoạn cống hư hỏng do các công trình xây dựng hạ tầng gây nên. Công ty cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan gấp rút khắc phục để đảm bảo hệ thống thoát nước thông thoáng, bảo vệ môi trường sống của người dân. Nếu không, mùa mưa sắp tới, TPHCM có nguy cơ ngập nặng hơn năm ngoái do hệ thống thoát nước vốn đã yếu nay còn bị phá.

Tùng Nguyên