Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Cần ngân sách đủ lớn cho y tế, tránh "người nghèo càng nghèo thêm"

Hoài Thu
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

(Dân trí) - Liên quan 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu bất cập chưa có nguồn lực, dự án riêng để nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khỏe người dân ở những địa bàn khó khăn.

Nhiều bất cập trong  triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội liên quan các chương trình mục tiêu quốc gia được đại biểu Quốc hội thảo luận trên hội trường Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Các chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Nghịch lý "thoát nghèo thì buồn, trở lại hộ nghèo thì vui"

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh chương trình mục tiêu quốc gia là chủ trương đúng đắn và quan trọng.

"Việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia bước đầu đã được những kết quả thiết thực, hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, miền núi đã có nhiều khởi sắc", theo nhận định của ông Hòa.

Cần ngân sách đủ lớn cho y tế, tránh người nghèo càng nghèo thêm - 1

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ảnh: Hồng Phong).

Đề cập phong trào xây dựng nông thôn mới, đại biểu Phạm Văn Hòa chỉ ra bất cập khi một số địa phương chưa ban hành tiêu chí nông thôn mới phù hợp với vùng đồng bào dân tộc, miền núi; việc giải ngân chậm, vốn đối ứng cao gây khó khăn cho các tỉnh thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, xã được công nhận nông thôn mới hoặc nâng cao chưa thật sự bền vững, còn nợ tiêu chí, còn nặng thành tích để "bằng chị bằng em", dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản đến nay chưa xử lý được.

Trong triển khai, ông Hòa cho rằng cần khắc phục việc hướng dẫn phân bổ vốn trung ương chậm, có vốn mà không tiêu được. Số vốn này, theo ông Hòa, chậm đến tay người dân là có lỗi với dân.

Về chương trình giảm nghèo bền vững, đại biểu Phạm Văn Hòa chỉ ra có tình trạng hộ nghèo, cận nghèo không muốn thoát nghèo, vì thoát thì không còn được hưởng chính sách của Nhà nước nên cứ "cù cưa" mãi.

Ngoài ra còn việc vay vốn để phát triển sản xuất hoặc xây dựng sửa chữa nhà, cho con em học hành... nhưng bị sử dụng sai mục đích, không có khả năng hoàn vốn khiến Nhà nước cứ phải bơm vốn mãi để đảm bảo an sinh xã hội.

Từ những thực tế chỉ ra, vị đại biểu nhấn mạnh cần giáo dục nhận thức, tuyên truyền để mọi người có ý thức chung, cùng vươn lên thoát nghèo và không trông chờ, ỷ lại vào chính sách an sinh xã hội. "Có như vậy, việc thoát nghèo mới bền vững, hạn chế nguy cơ tái nghèo", theo lời ông Hòa.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) nhìn nhận việc giảm nghèo bền vững đến nay vẫn rất thách thức, đơn cử một gia đình đang bình thường nhưng có người bệnh nặng cũng trở thành người nghèo.

Cần ngân sách đủ lớn cho y tế, tránh người nghèo càng nghèo thêm - 2

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Ảnh: Hồng Phong).

Theo ông, quan trọng nhất là ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh thoát nghèo và ứng phó mọi hoàn cảnh có thể xảy đến.

"Sự hỗ trợ của cộng đồng, chương trình mục tiêu mãi mãi chỉ là sự hỗ trợ, có ý nghĩa khi chủ thể có ý thức vươn lên. Tại sao cùng một hoàn cảnh mà có người vươn lên thoát nghèo mà có người cứ khó khăn mãi và mong được là hộ nghèo? Vì sao có người thoát nghèo thì buồn mà trở lại hộ nghèo thì vui?", ông Nghĩa đặt vấn đề.

Theo ông, cần có thay đổi về mặt nhận thức rất cơ bản của đối tượng, chủ thể được hưởng thụ các chính sách.

Vị đại biểu tỉnh Phú Yên nhấn mạnh truyền thông xóa đói giảm nghèo rất quan trọng. "Tại sao gia đình khá giả ở nông thôn họ làm việc quần quật, tiết kiệm từng giờ, nhưng cũng còn người nghèo, mặc dù không nhiều, vẫn rất thong thả, chờ đợi?", ông Nghĩa băn khoăn.

Một người bệnh, tất cả tài sản trong nhà "đội nón ra đi"

Lắng nghe ý kiến của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa về việc một gia đình khi có người ốm, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) giơ biển xin tranh luận về nguyên nhân tái nghèo.

Bên cạnh nhiều yếu tố khách quan như ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai…, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu chỉ ra một nguyên nhân khác, do thiết kế nội dung các dự án cấu thành của chương trình.

Ông phân tích chúng ta có 7 dự án thành phần trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhưng chưa có dự án nào cụ thể nhằm nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khỏe người dân ở những địa bàn khó khăn.

Cần ngân sách đủ lớn cho y tế, tránh người nghèo càng nghèo thêm - 3

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Ảnh: Hồng Phong).

Sau nhiều chuyến đi thực tế ở vùng sâu vùng xa, vị đại biểu tỉnh Bình Định chỉ ra một lý do phổ biến dẫn đến tái nghèo, thậm chí cả đại gia đình bị túng quẫn, đó là chi phí y tế cho các bệnh hiểm nghèo.

"Các bệnh lý phổ biến như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… cần điều trị thường xuyên. Nếu được dùng thuốc tốt,  chăm sóc đúng cách, tỷ lệ bệnh trở nặng sẽ nhỏ và hoàn toàn khống chế được. Nhưng hiện nay do nguồn lực cho y tế cơ sở hạn chế nên việc điều trị có rất nhiều bất cập. Hiếm có cơ sở y tế xã nào có thể quản lý tốt các bệnh này", ông Hiếu phản ánh thực tế.

Thực tế này, theo đại biểu, dẫn đến một bất cập khác là tỷ lệ bị biến chứng gặp rất cao ở các địa phương nghèo. Và khi một người thân trong gia đình bị đột quỵ phải lên thành phố chữa bệnh, tất cả tiền dự trữ trong nhà "đội nón ra đi", chưa kể phải vay mượn khắp nơi.

Tới lúc ra viện, người bệnh về nhà kèm theo tàn phế, không còn khả năng lao động, lại cần người chăm sóc đã tạo nên gánh nặng cho cả đại gia đình, khiến họ "nghèo càng nghèo thêm".

Một thực tế khác, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, nhiều huyện miền núi phía Bắc, tỷ lệ trẻ vị thành niên mang thai vẫn rất phổ biến, chăm sóc trẻ sơ sinh và nhũ nhi với tiêm chủng đầy đủ, dinh dưỡng và điều trị các bệnh thông thường vẫn là thách thức lớn, khiến tỷ lệ dị tật bẩm sinh cao, tỷ lệ tử vong ở một số địa phương đáng báo động.

Chỉ ra thực tế đến nay chưa có nguồn ngân sách rõ ràng và đủ lớn để thay đổi thực sự việc chăm sóc sức khỏe người già, trẻ nhỏ và xử lý các bệnh mạn tính, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đề nghị Quốc hội đặc biệt lưu ý vấn đề này, chú ý hơn nữa  bố trí nguồn lực tương xứng cho hệ thống y tế cơ sở.