1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Quảng Nam:

Cận cảnh hành trình tìm vàng từ lòng đất

(Dân trí) - Vàng là kim loại quý hiếm. Để có được một thỏi vàng ròng quý giá, hành trình từ khi khoan sâu dưới lòng đất hàng trăm mét đến khi cho ra sản phẩm không hề đơn giản.

Hàng trăm năm qua, những mỏ vàng trên vùng đất Quảng Nam đã để lại nhiều dấu ấn bằng công nghệ khai thác nhất định của mỗi thời kỳ. Nếu người Chăm chỉ biết dùng các công cụ đơn giản để đào đãi vàng bên khe nước, người Pháp mở lối khai thác bằng hầm lò… thì ngày nay vàng trong lòng đất đã được tận thu gần như tuyệt đối.

Nhà máy tinh luyện vàng Đắk Sa (đóng tại huyện Phước Sơn, Quảng Nam) là một trong những nhà máy tinh luyện vàng hiện đại nhất của Việt Nam hiện nay.

Quy trình khai thác như sau: Quặng được khai thác từ độ sâu dưới lòng núi từ 300-400mét. Quy trình tuyển vàng được bắt đầu từ đập và nghiền quặng. Tiếp đó là tuyển trọng lực bằng máy Knelson và tinh quặng tuyển được từ máy Knelson được đưa vào quy trình ngâm chiết bằng xyanua nồng độ cao. Dung dịch ngậm vàng được đưa qua quy trình điện phân để tách vàng, còn xyanua được khử độc 99,9% trước khi chảy vào khu vực đập thải. Quặng đuôi của quy trình này được đưa vào nghiền lại ở máy nghiền lại.

Công đoạn tiếp theo là tuyển nổi và ngâm chiết - hấp phụ sử dụng xyanua và than hoạt tính. Quy trình tách vàng từ than hoạt tính sử dụng dung dịch xyanua nồng độ 20g/lit ở nhiệt độ 100 độ C sau đó dung dịch rửa được đưa vô quy trình điện phân. Than hoạt tính được nung 15 phút trong lò ở nhiệt độ 750 độ C. Điện phân lấy vàng từ dung dịch rửa than hoạt tính.

Tiếp đến là khử độc quặng đuôi sau “ngâm chiết – hấp phụ” sử dụng SO2 (Sunphua Diôxit), không khí và Sunphát đồng. Sản phẩm thu được của tuyển trọng lực quy và trình điện phân được sấy khô và nấu chảy cùng với các chất trợ dung để nấu thành vàng dore’ (vàng có lẫn tạp chất, chưa phải vàng ròng). Vàng dore’ sau đó được nấu trong lò cupel để loại bỏ chì và đúc thành thỏi.

Từ đây, các thỏi vàng đã hình thành và đạt khoảng 65 -75%. Sau đó, số vàng này được chuyển vào TPHCM để tinh luyện lại cho ra vàng 99,99% đúng chuẩn quốc tế. Công tác tuyển vàng được bảo mật tuyệt đối, những công nhân, nhân viên hoặc du khách trước khi ra vào khu vực nhà máy đều được lực lượng an ninh kiểm tra kỹ lưỡng.

Mỏ vàng Đắk Sa là khu mỏ có hàm lượng vàng cao nhất Việt Nam với trữ lượng trung bình 10g/tấn quặng, và mỗi năm thu được khoảng 1 tấn vàng ròng. Số vàng này sẽ được xuất khẩu sang Thụy Sỹ.

Mời độc giả Dân trí xem quy trình tuyển vàng từ lòng đất tại nhà máy vàng Đắk Sa:

Cận cảnh hành trình tìm vàng từ lòng đất - 1
Mở đường lò hoa tiêu
Cận cảnh hành trình tìm vàng từ lòng đất - 2
Mở đường tới khai trường
Cận cảnh hành trình tìm vàng từ lòng đất - 3
Đường vào khai trường
Cận cảnh hành trình tìm vàng từ lòng đất - 4
Toàn cảnh nhà máy vàng Đắk Sa. Ảnh chụp từ vệ tinh
Cận cảnh hành trình tìm vàng từ lòng đất - 5
Quặng được đưa vào dây chuyền để nghiền nhỏ
Cận cảnh hành trình tìm vàng từ lòng đất - 6
Công đoạn nghiền quặng tinh
Cận cảnh hành trình tìm vàng từ lòng đất - 7
Tiếp theo, quặng được đưa vào các bể khuấy của quy trình tuyển nổi
Cận cảnh hành trình tìm vàng từ lòng đất - 8
Quặng vàng đang được luyện…
Cận cảnh hành trình tìm vàng từ lòng đất - 9
…Và chuẩn bị rót một mẻ vàng…
Cận cảnh hành trình tìm vàng từ lòng đất - 10
…đổ vào khuôn
Cận cảnh hành trình tìm vàng từ lòng đất - 11
Vàng dore' - sản phẩm của nhà máy
Cận cảnh hành trình tìm vàng từ lòng đất - 12
Niềm vui với thỏi vàng đầu tiên
Cận cảnh hành trình tìm vàng từ lòng đất - 13
Theo dõi, giám sát quá trình luyện vàng qua hệ thống camera
Cận cảnh hành trình tìm vàng từ lòng đất - 14
Hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Công Bính