1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cái bang rởm: Sáng hủ tiếu bia chai, chiều đánh bạc ăn nhậu

Sáng lên TPHCM uống bia, ăn hủ tiếu, chiều về Long An đánh bạc và ăn nhậu sau một ngày lợi dụng trẻ em để xin tiền... Một ngày theo chân những cái bang giả dạng ở TPHCM, chúng tôi đã tận mắt thấy...

Chiếc xe buýt Long An-Chợ Lớn vừa dừng ở ngã ba Long Cang, hai người đàn bà một bồng con và hai người đàn ông vẻ nghèo khổ, bệnh tật dắt díu nhau bước lên. Đồng hồ chỉ đúng 5 giờ sáng một ngày cuối tháng 11/2008.

Điều xe, khiển lính

Đó là chuyến xe chở những nhóm cái bang đầu tiên trong số thuê nhà tại nhà trọ Minh. Liền sau đó, hai người đàn ông đầu trần, một cánh tay băng vải đen kít xuất hiện trong ánh đèn đường nhập nhèm. Họ leo lên một chiếc xe ôm đang chờ sẵn rồi lao vút trong đêm hướng về TPHCM khiến chúng tôi phải hết hơi đuổi theo. Tuy nhiên, đi được gần 10 cây số thì chiếc xe ôm dừng lại ở vệ đường nơi có ba người phụ nữ đã lớn tuổi đang chờ sẵn. Bên cạnh họ lỉnh kỉnh túi xách, đồ dùng cá nhân giống hệt một người nhà quê lên TP nuôi bệnh. Tất cả cùng im lặng ngồi chờ một chuyến xe buýt khác để xuất bến trực chỉ TPHCM.

Chúng tôi quay ngược lại ngã ba Long Cang đi theo một nhóm khác vừa chạy xe máy từ nhà trọ Minh ra và theo thẳng lên TPHCM. Đây là những người cuối cùng rời nhà trọ đi hành nghề. Trời vừa sáng cũng là lúc nhóm này dừng lại ở nơi tập kết là một quán nước cạnh cổng Bến xe Chợ Lớn. Khoảng 10 phút sau, tất cả các nhóm đi xe buýt lúc tinh mơ đã có mặt đông đủ và bắt đầu gọi hủ tiếu. Mấy người đàn ông còn “điểm tâm” thêm vài chai bia Sài Gòn đỏ. Trong nhóm này có khoảng bốn người đàn ông vẻ khỏe mạnh, ăn mặc bình thường, chuyên làm nghề cửu vạn tại khu vực này, ai kêu gì làm nấy. Còn lại là lố nhố người già, trẻ em rách rưới và những người có thương tật khắp người cùng lỉnh kỉnh túi xách.

Sau khi bốn người khỏe nhận điện thoại rồi chạy vào hướng bến xe vác hàng thuê thì cả nhóm kia bắt đầu túm tụm lại trao đổi gì đó. Một người phụ nữ bốc điện thoại gọi rồi ba chiếc xe ôm chở tất cả chia theo các ngả.

Cái bang rởm: Sáng hủ tiếu bia chai, chiều đánh bạc ăn nhậu - 1

Chiếc xe ôm chở hai người giả dạng trên đường xin ăn; Hòa - nhóm trưởng với một bàn tay bị cột dây thun, băng vải đen đang hành nghề; Một người phụ nữ bồng đứa nhỏ đang ra xe ôm thay đổi địa điểm hành nghề. (Ảnh: PLTPHCM)

Xin ăn kiêm... móc túi

Chúng tôi chạy theo xe của nhóm của người đàn ông tên Hòa, người phụ nữ tên Hai bồng một bé gái xanh xao gầy yếu. Hòa và Hai ở khác phòng trong khu trọ nhưng hôm nay ráp với nhau đi chung thành một nhóm.

Xe dừng lại ở chợ Tân Phú, Hòa trong điệu bộ gầy yếu, khổ sở, một cánh tay băng vải đen to xù từ từ lết theo Hai bồng con len lỏi khắp các dãy hàng xin ăn. Gần trưa, Hòa móc điện thoại di động trong túi quần gọi chiếc xe ôm hồi sáng đón nhóm mình đi tiếp. Chiếc xe ôm chở nhóm này bằng đường tắt đến một ngôi chùa trên đường Khuông Việt (quận Tân Phú) thả Hai xuống đó, rồi chở Hòa về lại khu Bến xe Chợ Lớn. Chùa ngày rằm khá đông người qua lại, Hai ghé lưng vào cạnh cổng chùa, một tay bồng con, một tay giơ chiếc nón lá rách, miệng lẩm bẩm gì đó không thành tiếng. Giữa trưa, một chiếc xe ôm khác đến đón Hai quay trở lại khu Chợ Lớn.

Trong lúc hành nghề ở chợ Tân Phú, nhóm của Hòa đã mấy lần dàn cảnh móc túi nhưng không thành công nên đã bỏ chốt sớm hơn dự định. Giả bộ bị đau, khó khăn khi di chuyển, Hòa giơ một cánh tay đau lên phía trên để xin tiền, tay còn lại thì thò vào giỏ xách của người đi phía trước. Nhưng nhác thấy một người đàn ông bên cạnh để ý, Hòa liền rút tay lại. Một lúc sau nhóm này giả bộ ngồi nghỉ mệt nhưng luồn tay lên quầy tạp hóa “chôm” được một cục xà bông thì bị chủ hàng phát hiện. Tuy nhiên, do giá trị bánh xà bông quá ít nên người chủ không làm ầm lên mà thu lại rồi mắng mỏ mấy tiếng. Hai hậm hực bế đứa nhỏ đang khóc ngằn ngặt, dắt tay Hòa đi tiếp về hướng dãy hàng bán rau.

Những ngày sau đó, chúng tôi lên xe buýt tiếp tục theo các nhóm ở ba nhà trọ khác. Ngày nào cũng vậy, cứ tinh mơ là các nhóm đồng loạt hoạt động. Các nhóm này cũng cùng một cách thức là chia thành các nhóm nhỏ lên xe buýt rồi tập trung ở các khu đông người hành nghề. Nhóm cái bang nhà trọ Tám Tồn hay đến khu Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược dàn cảnh xin ăn. Nhóm trong nhà trọ Hoàng Long thì thường đến khu Bến xe quận 8, Bến xe Ngã tư ga đóng kịch bị bệnh, tay chân đầy vết băng bó để xin ăn. Mỗi ngày một nhóm xin được cả vài trăm ngàn đồng vì ai nhìn vào cũng thấy quá thương cảm.

Đánh bài, nhậu...

Các nhóm “phụ trách” khu bệnh viện thì trên tay lúc nào cũng có một hồ sơ bệnh để thuận tiện ra vào cổng và dễ lợi dụng lòng tốt của nhiều người để xin tiền. Lâu lâu chúng tập trung lại kiểm tra chiến lợi phẩm thu được rồi đưa cho một người quản lý. Tội nghiệp nhất trong các nhóm này là những đứa trẻ được bế trên tay. Hầu hết chúng không phải là con ruột của những người này mà mượn hoặc thuê từ dưới quê lên.

Khoảng 2 giờ chiều, các nhóm đồng loạt đi xe ôm về khu vực Bến xe Chợ Lớn mua bánh mì ăn, uống nước rồi ra đón xe buýt về Bến Lức, kết thúc một ngày làm việc hiệu quả. Buổi chiều, nhóm của nhà trọ Minh hay tập trung tại quán cà phê Thanh Tùng (số 279 ngã ba Long Cang cạnh khu nhà trọ) để đánh bài. Chiều tối, chúng gọi điện thoại cho nhau đến các quán nhậu xài hết những đồng tiền đã kiếm được. Khi đã no say chúng mới về nhà trọ ngủ chuẩn bị sức khỏe cho ngày làm việc hôm sau.

Và cứ thế, những cái bang đểu vẫn hàng ngày tỏa đi khắp thành phố để kiếm sống và hưởng thụ trên lòng thương được đặt nhầm chỗ của mọi người.

Theo Thanh Tùng - Thái Hiếu
Pháp luật TPHCM