1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

"Các sản phẩm động vật hoang dã lợi nhuận cao đều do... cán bộ"

Nguyễn Phê

(Dân trí) - Ông Hoàng Sỹ Kiện - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An thẳng thắn chia sẻ về việc "Nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép" trên địa bàn trong thời gian qua.

Ngày 16/2, tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An diễn ra buổi tổng kết chuỗi chương trình "Huyện Con Cuông nói không với sử dụng động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép".

Con Cuông là địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn, đặc biệt có Vườn quốc gia Pù Mát - nơi có rất nhiều loài ĐVHD quý hiếm sinh sống. Nạn săn bắn, sử dụng trái phép ĐVHD là một vấn đề nóng mà địa phương quan tâm.

Các sản phẩm động vật hoang dã lợi nhuận cao đều do... cán bộ - 1

Tê tê đang phát triển tại Vườn quốc gia Pù Mát.

Để góp phần bảo vệ ĐVHD, huyện Con Cuông đã sử dụng hình ảnh của những người có uy tín tại địa phương in thành những biển lớn, lắp đặt tại các điểm có nhiều người, kèm theo thông tin tuyên truyền về việc không sử dụng ĐVHD trái phép. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đến cấp ủy, chính quyền, người dân về việc không săn bắt, sử dụng trái phép, cũng như tầm quan trọng của việc bảo vệ ĐVHD.

Ngoài ra, địa phương cử cán bộ đến từng nhà hàng trên địa bàn để tuyên truyền, vận động ký cam kết không sử dụng trái phép ĐVHD. Đã có 18 nhà hàng thực hiện ký cam kết không buôn bán, tàng trữ, chế biến ĐVHD.

Chiến dịch đã thực hiện ký cam kết với 1.608 cán bộ, công chức, viên chức về việc không tiêu thụ, sử dụng, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, chế biến, quảng cáo các sản phẩm ĐVHD trái phép. 

Động vật hoang dã ra chơi ở suối Vườn quốc gia Pù Mát (Clip Xuân Cường)

Theo ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, chuỗi hoạt động đã mang lại nhiều kết quả, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân thông qua nhiều hình thức khác nhau. Nhờ sự đồng lòng, nỗ lực của các bên tham gia, huyện Con Cuông đã trở thành đơn vị tiên phong trong việc không sử dụng sản phẩm từ ĐVHD.

"Nhờ chăm sóc, bảo vệ tốt, hiện tại ở Vườn quốc gia Pù Mát, các loài ĐVHD đã xuất hiện nhiều hơn. Nơi đây dần trở thành một ngôi nhà bình yên cho các loài ĐVHD", ông Cường nói.

Các sản phẩm động vật hoang dã lợi nhuận cao đều do... cán bộ - 2

Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát.

Trung tá Hà Huy Đức - Đội trưởng đội điều tra tội phạm hình sự - kinh tế - ma túy, Công an huyện Con Cuông, chia sẻ: "Khi tham gia, tôi cảm thấy bản thân có thêm nhiều kiến thức, góc nhìn về bảo tồn ĐVHD. Đơn vị cũng kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm hành vi săn bắt, mua bán, tàng trữ trái phép ĐVHD".

Chị Vi Thị Thắm - đại diện một đơn vị du lịch trên địa bàn, chia sẻ: "Đây là một việc làm hết sức ý nghĩa, mỗi người tham gia chương trình đều làm bằng cái tâm của mình. Bảo vệ ĐVHD là việc làm cho tương lai, cho thế hệ mai sau. Không chỉ tuyên truyền đến người thân, bạn bè, tôi cũng thường xuyên chia sẻ với các du khách về trách nhiệm, tầm quan trọng trong việc bảo vệ ĐVHD".

Các sản phẩm động vật hoang dã lợi nhuận cao đều do... cán bộ - 3

Chị Vi Thị Thắm - đại diện đơn vị du lịch trên địa bàn huyện Con Cuông.

Còn ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam thẳng thắn: "Thời gian qua, công tác bảo tồn ĐVHD đã được chú trọng hơn, tuy nhiên chưa đáng kể. Tình trạng săn, bắt, kinh doanh và tiêu thụ bất hợp pháp các loài ĐVHD còn diễn ra ở địa bàn, dẫn tới gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài ĐVHD trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái, sức khỏe con người.

Vì vậy, các lãnh đạo, cơ quan chính quyền cần đẩy mạnh hơn công tác bảo tồn và đưa nội dung này trở thành tiêu chí, chỉ tiêu hoạt động của các đơn vị trên địa bàn".

Ông Hoàng Sỹ Kiện - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết, chuỗi chương trình đã giúp Con Cuông trở thành huyện tiên phong tại Nghệ An trong việc không sử dụng ĐVHD trái phép. Đây chính là nền tảng vững chắc để làm cơ sở định hướng, triển khai thêm các hoạt động tiếp nối tại huyện Con Cuông về bảo tồn ĐVHD trong tương lai, góp phần vào quá trình xây dựng huyện Con Cuông phát triển theo đúng định hướng huyện sinh thái trên địa bàn tỉnh Nghệ An. 

Các sản phẩm động vật hoang dã lợi nhuận cao đều do... cán bộ - 4

Ông Hoàng Sỹ Kiện - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông khẳng định sẽ kỷ luật cán bộ nếu tiếp tay cho việc sử dụng các sản phẩm ĐVHD.

"Các sản phẩm ĐVHD đắt tiền, lợi nhuận cao đều do cán bộ mà ra… Doanh nghiệp chiêu đãi sản phẩm ĐVHD thì cũng do cán bộ mà ra. Bởi chẳng doanh nghiệp nào dám bỏ số tiền lớn để chi những bữa ăn sang như vậy đâu", ông Kiện thẳng thắn chia sẻ.   

Các sản phẩm động vật hoang dã lợi nhuận cao đều do... cán bộ - 5

Sản phẩm ĐVHD được lực lượng chức năng phát hiện từ vụ vận chuyển trái phép.

Cũng theo ông Kiện, thời gian tới huyện tiếp tục chấn chỉnh, mạnh tay xử lý những cán bộ buông lỏng việc nói không với tiêu thụ sản phẩm ĐVHD.

"Thời gian tới công tác thi đua khen thưởng và kỷ luật sẽ gắn trách nhiệm tới các cán bộ liên quan đến vấn đề sử dụng các sản phẩm ĐVHD. Mình là cán bộ là phải làm gương, đi đầu trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tuyệt đối nói không với sử dụng ĐVHD; tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng...", ông Kiện chia sẻ thêm.

Theo ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam, Con Cuông là huyện đầu tiên của Việt Nam triển khai chương trình nói trên. Tiếp theo là các địa phương như: Thành phố Vinh, huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành và Diễn Châu. 

Dự kiến chương trình "Nói không với sử dụng ĐVHD trái phép" trong năm 2023 được triển khai tại các tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước, Kiên Giang và Cà Mau.