1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Các ông lớn khuấy động địa chính trị trên biển

Nhiều nhà chiến lược Ấn Độ dường như đang chấp nhận rằng phạm vi hoạt động mở rộng của hải quân Trung Quốc là hệ quả tất yếu của việc Trung Quốc hiện diện nhiều hơn trên toàn cầu

Giữa tháng 4, một toán lính Trung Quốc kéo quân vào sâu lãnh thổ chừng 20km, nơi được coi là của Ấn Độ, dựng trại và giương biểu ngữ. Khi bị lực lượng Ấn Độ phát hiện, phía Trung Quốc vẫn không chịu rời đi. Cuộc giằng co căng thẳng kéo dài 3 tuần giữa hai cường quốc châu Á mở đầu, và mọi chuyện chỉ kết thúc khi hai bên chấp nhận rút lui khỏi các chốt điểm ở Himalaya lộng gió, trở lại vị trí ban đầu. Vụ việc là sự bùng phát dữ dội nhất trong quan hệ Trung - Ấn những năm gần đây, và là lời nhắc nhở mới nhất rằng dải biên giới rộng lớn, đầy tuyết vẫn đang trong tình trạng tranh chấp từ nhiều thập niên nay.

Quan chức cấp cao cả New Delhi và Bắc Kinh đều cố gắng hạ thấp mức độ trầm trọng của những gì đã diễn ra. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Salman Khurshid đã miêu tả những căng thẳng biên giới này là "mụn trứng cá" trên "khuôn mặt đẹp" của quan hệ Trung-Ấn.

Trong chuyến đi gần đây tới Bắc Kinh, Khurshid đã nhấn mạnh "cả hai nước cùng đang viết chung một trang sử" và "không hề có những vấn đề bất đồng gai góc lớn" liên quan đến vùng biên giới chưa được giải quyết.

Trước chuyến thăm của tân Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Ấn Độ vào ngày 19/5 - chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông - hai nước đã có những động thái hòa giải để giải quyết vấn đề biên giới đầy thách thức, nhưng dù đã qua hơn chục vòng đàm phán vẫn chưa đạt được tiến bộ thực sự nào. Trong một giải pháp xây dựng lòng tin giữa lúc bế tắc, hai nước đã lên kế hoạch tổ chức tập trận quân sự chung lần đầu tiên trong 5 năm qua.

Ảnh: Telegraph
Ảnh: Telegraph

Chính phủ Ấn Độ miêu tả sự việc này là "sự cố địa phương", nghĩa là do lỗi của một quan chức hay chỉ huy quân sự địa phương cẩu thả, chứ không phải do lỗi của Bắc Kinh. Thảo luận chính thức giữa hai nước nhằm giải quyết vấn đề biên giới có xu hướng nhấn mạnh vào lợi ích chung về kinh tế - kim ngạch thương mại song phương hằng năm dự kiến đạt 100 tỷ USD vào năm 2015.

Nhưng trong khi chính phủ Ấn Độ và Trung Quốc đã quen với việc quản lý xung đột tại mái nhà đóng băng của thế giới, một làn sóng căng thẳng mới cũng đang xuất hiện ở nơi cách rất xa dãy Himalaya: Ấn Độ Dương.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ công bố tháng trước cảnh báo về "mối đe dọa nghiêm trọng" gây ra từ lực lượng hải quân hung hăng của Trung Quốc trên đại dương sân sau của Ấn Độ. Việc Trung Quốc phát triển nhanh hạm đội tàu ngầm - với 45 chiếc so với 14 chiếc của Ấn Độ - đã mở rộng quỹ đạo hoạt động tuần tra vượt ra ngoài vùng lãnh hải Trung Quốc.

"Trọng tâm ngầm" của hải quân Trung Quốc, báo cáo viết, là cố gắng giành quyền kiểm soát "các tuyến liên lạc đường biển nhạy cảm cao" ở Ấn Độ Dương. Chỉ riêng năm ngoái, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã ghi nhận 22 lần phát hiện tàu nghi ngờ là tàu ngầm tấn công của Trung Quốc tuần tra mở rộng trên Ấn Độ Dương.

Những quan ngại này càng làm tăng thêm hoài nghi đang tồn tại trong giới truyền thống Ấn Độ về "chuỗi ngọc trai" - một nhóm các cảng, chốt điểm và và các căn cứ hải quân được cho là đã và đang thành lập ở các nước xung quanh Ấn Độ Dương, có thể nhằm để bao vây Ấn Độ. Trung Quốc đã bắt tay vào các căn cứ hải quân ở Myanmar, Bangladesh, Seychelles, Sri Lanka và đáng kể nhất là ở đất nước thù địch cũ của Ấn Độ, Pakistan, nơi cảng Trung Quốc xây dựng ở Gwadar không khỏi khiến New Delhi lo lắng.

Các công ty nhà nước Trung Quốc cũng đang phát triển các cảng quan trọng chiến lược ở Tây Phi, bao gồm cảng Lamu ở Kenya và Bagamoyo ở Tanzania. Có lẽ không còn xa nữa tàu sân bay Trung Quốc sẽ có những chuyến dừng chân thường xuyên tại các thành phố dọc theo duyên hải Ấn Độ Dương.

Sự hiện diện chính thức của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương bắt đầu diễn ra vào năm 2006, khi tàu Trung Quốc tham gia lực lượng đặc nhiệm quốc tế chống cướp biển Somali tại Vịnh Eden và bảo vệ các tuyến vận tải biển quan trọng. Sự bùng nổ của kinh tế Trung Quốc chủ yếu được tiếp sức bởi nguồn dầu vận chuyển từ Vịnh Ba tư, thông qua Ấn Độ Dương, và các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh nhận thấy cần phải đảm bảo các tuyến đường biển và khả năng tiếp cận vượt Eo biển Malacca. Đây là động thái mang tính hiện thực, có thể được tìm thấy trong "Sách Xanh" đầu tiên của Trung Quốc về Ấn Độ - một văn kiện bán chính thức - vừa xuất bản tháng này.

Tài liệu này nêu rõ, New Delhi đang chuẩn bị cho tình huống "một cuộc chiến, hai mật trận" với Trung Quốc và Pakistan và có lưu ý đến sức mạnh đang tăng lên của hải quân biển khơi Ấn Độ. Văn kiện cảnh báo về sự bất ổn vốn có của nền dân chủ Ấn Độ, là điều có thể dẫn tới căng thẳng leo thang.

Nhiều nhà chiến lược Ấn Độ dường như đang chấp nhận rằng phạm vi hoạt động mở rộng của hải quân Trung Quốc là hệ quả tất yếu của việc Trung Quốc hiện diện nhiều hơn trên toàn cầu; sự mở rộng hoạt động của hải quân nước họ cũng giống như của bất cứ cường quốc đang lên nào muốn bảo vệ lợi ích kinh tế xa xôi của mình.

"Có một sự thẳng thắn hơn trong tư duy của Ấn Độ về "chuỗi ngọc trai", Jeff Smith, chuyên gia về quan hệ Trung-Ấn của Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ tại Washington, nhận xét. "Nhiều người thừa nhận đây là những lợi ích thương mại đích thực của Trung Quốc. Lý do lớn nhất khiến Ấn Độ cũng đang hướng ra biển là tăng trưởng của chính mình".

Nhưng sự trỗi dậy đồng thời của cả Ấn Độ và Trung Quốc đang đẩy thế giới vào một vùng biển chưa thám hiểm. Các thuyết gia và nhà phân tích nhìn lại những đối đầu trong Cuộc chơi lớn, lấy dẫn chứng từ tác phẩm nổi tiếng của Alfred Thayer Mahan, một sĩ quan hải quân và nhà địa chiến lược Mỹ hồi thế kỷ 19, người được nhiều người ở cả New Delhi và Bắc Kinh biết đến.

Mahan chủ trương mỗi quốc gia cần phải bảo vệ đội tàu buôn của mình bằng lực lượng hải quân mạnh - nền tảng cho sự thống trị toàn cầu của Đế quốc Anh và sau này là Mỹ. Nhưng nếu Trung Quốc và Ấn Độ cùng theo lối mòn ấy, họ chắc chắn sẽ va chạm vào nhau. Ngoài sự mở rộng của Trung Quốc ra Ấn Độ Dương, Ấn Độ cũng đã gây báo động cho Bắc Kinh khi tìm cách củng cố lợi ích của mình ở Biển Đông và tăng cường mối quan hệ quân sự với Việt Nam. "Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều chưa thực sự có khả năng hoạt động ở sân sau của nhau", Smith nói. Nhưng những diễn biến hành động hiện nay có thể báo hiệu căng thẳng sẽ còn ở phía trước.

Trong tác phẩm Samudra Manthan: Sino-Indian Rivalry in the Indo-Pacific (Samudra Manthan: Cuộc đối đầu Trung-Ấn ở Ấn Độ - Thái Bình Dương), một cuốn sách xuất bản cuối năm 2012 của Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, nhà phân tích địa chiến lược kỳ cựu Ấn Độ C. Raja Mohan đã sử dụng một câu chuyện thần thoại trong truyền thuyết Hindu để giải thích tình thế chiến lược hiện nay giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Sau trận Đại Hồng Thủy, một số bảo vật bị chìm trong lòng Biển Sữa. Thần Brahma khuyên các vị Thần nên liên kết với đám Quỷ để thu hồi các bảo vật ấy, đặc biệt là thuốc trường sinh Amrita. Thần và Quỷ liền bứng ngọn núi Mandara đặt ngược đầu xuống để giữa Biển Sữa. Đỉnh núi cắm sâu vào trong đất trong khi việc khuấy đảo biển sữa bắt đầu. Để khuấy được biển, hai bên dùng con rắn Vasuki quấn quanh ngọn núi ấy, mỗi bên nắm đầu và đuôi rắn mà quay quả núi để quậy Biển Sữa. Khuấy đảo mãi làm con rắn nổi giận, nó liền phun ra nọc độc nhằm hủy diệt. (Theo thần thoại, việc khuấy biển sữa kéo dài trên 1000 năm. Nước biển màu sữa biến thành chất bơ. Rồi từ trong Biển Sữa lần lượt xuất hiện bò thần Nandin, voi thần 3 đầu Airavata, ngựa trắng, cây như ý, mặt trăng, mặt trời, nữ thần Lakshmi, các bọt biển hoá thành những tiên nữ Apsara. Sau cùng là Dhanvantri, một đồng nghiệp Y Sĩ, hiện lên với chén thuốc trường sinh nhưng bọn quỷ chụp lấy mất). Lúc ấy cần có sự hóa thân của thần Vinshnu để trước hết để xử lý chất độc này và sau đó đánh thắng bọn ác quỉ và đoạt lại ly thuốc trường sinh.

Trong phép so sánh của Raja Mohan, thần Vishnu có thể được hiểu là Mỹ, cường quốc đang thống trị cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Nhưng không rõ Washingtion, với ngân sách quốc phòng thu hẹp và mối quan hệ phức tạp với cả Trung Quốc và Ấn Độ, có thể hay có muốn can thiệp nhằm hạn chế mức độ khắc nghiệt trong cuộc cạnh tranh Trung-Ấn đến đâu. Nhưng chắc chắn một vai trò như vậy sẽ không được chào đón không chỉ ở Bắc Kinh mà còn cả ở New Delhi, nơi các nhà hoạch định chính sách không muốn bị kéo vào quỹ đạo của một siêu cường phương Tây. Và Mỹ cũng đã thể hiện sự nước đôi của mình hồi tháng trước. "Trong suốt toàn bộ tranh chấp biên giới đó, không có một từ nào được nhắc đến nói về Washington", Smithh chia sẻ. Tất cả sẽ phụ thuộc việc chính trị Trung Quốc và Ấn Độ có đảm bảo sự khuấy động địa chính trị Ấn Độ dương có gây ra chất độc hay không.
 
Theo Trâm Anh
Tuần Việt Nam/Time World