1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cà Mau, Sóc Trăng tiếp tục chuẩn bị ứng phó với bão số 12

(Dân trí) - Ngày 2/11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Cà Mau yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện kế hoạch chuẩn bị ứng phó với cơn bão đang đi vào Biển Đông. UBND tỉnh Sóc Trăng cũng nhắc nhở lãnh đạo các địa phương không được lơ là trong công tác phòng chống lụt, bão.

Ngày 2/11, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau, đã ký công văn "khẩn" thông báo tình hình áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đêm ngày 1, rạng sáng ngày 2/11 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Theo đó, do nhiều nguyên nhân, cơn ATNĐ đêm ngày 1, rạng sáng ngày 2/11 được dự báo hướng vào các tỉnh ĐBSCL đã suy yếu nhanh làm cho đường đi của ATNĐ lệch về phía Đông Nam vùng biển Cà Mau.

“Mặc dù áp thấp nhiệt đới không ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, ít gây ra thiệt hại cho nhân dân, đây là điều may mắn. Song, nếu cán bộ và nhân dân không hiểu được nguyên nhân của vấn đề này thì rất dễ chủ quan trong công tác ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, nhất là đối với cơn bão sắp đi vào Biển Đông vào ngày 3/11”, công văn nêu rõ.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau (giữa) đi kiểm tra công tác ứng phó áp thấp nhiệt đới tại huyện Ngọc Hiển. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau (giữa) đi kiểm tra công tác ứng phó áp thấp nhiệt đới tại huyện Ngọc Hiển. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau yêu cầu các các Sở, Ban ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích nguyên nhân dẫn đến sự sai lệch của dự báo về đường đi của ATNĐ so với thực tế để cán bộ và nhân dân hiểu.

Yêu cầu các xã thông báo cho nhân dân dừng thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai không còn cần thiết, gồm: Di dời đến nơi an toàn, cho học sinh nghỉ học,… Các công tác khác vẫn tiếp tục thực hiện theo kế hoạch để chuẩn bị ứng phó với cơn bão đang đi vào Biển Đông.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn Biên phòng dừng thực hiện việc không cho tàu ra biển. Tuy nhiên, lực lượng Biên phòng phải tiếp tục tuyên truyền, phối hợp với chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ các phương tiện ra vào cửa biển, nhất là các phương tiện có công suất nhỏ hoạt động ven bờ; tiếp tục kiểm đếm chính xác các phương tiện tàu cá hoạt động trên biển và thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo đúng quy định.

Ngoài ra, các địa phương khẩn trương rà soát, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó thiên tai trong những ngày qua, nhất là công tác hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, di dời dân đến nơi an toàn, kiểm đếm tàu cá hoạt động trên biển,… để thực hiện nhanh hơn, có hiệu quả hơn việc triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai trong thời gian tới, đặc biệt là đối với cơn bão đang đi vào Biển Đông.

Nhiều tàu cá Sóc Trăng đã vào trú đậu an toàn.
Nhiều tàu cá Sóc Trăng đã vào trú đậu an toàn.

Tại tỉnh Sóc Trăng, trước diễn biến của cơn bão số 12, ông Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhắc nhở lãnh đạo các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống lụt bão.

Cho đến thời điểm này, tỉnh Sóc Trăng đã chuẩn bị tốt các phương án cũng như chỉ đạo các ngành liên quan cùng các địa phương khẩn trương về công tác phòng, chống lụt bão nhằm không để ảnh hưởng đến tính mạng người dân cũng như đảm bảo việc sản xuất của người dân.

Chiều ngày 2/11, tại cảng Trần Đề, nhiều tàu đánh cá của ngư dân đã vào neo đậu an toàn. Ngoài ra, vẫn còn nhiều tàu khác đang trên đường vào cảng tìm nơi neo đậu phòng tránh thiệt hại do bão gây ra. Các tàu đang giữ liên lạc thường xuyên với Bộ đội Biên phòng.

Theo số liệu, tỉnh Sóc Trăng có tổng số 214 tàu, trong đó có 193 tàu đánh bắt xa bờ với 1.150 thuyền viên và tàu đánh bắt gần bờ là 21 tàu, với số thuyền viên 42 người.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng đã chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn huyện Cù Lao Dung, huyện Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu tập trung thông tin liên tục về tình hình bão để chủ các phương tiện, ngư dân đang hoạt động trên biển nắm bắt và chủ động tránh, trú. Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu; chủ động các phương án phối hợp với các lực lượng khác để sơ tán tại chỗ đối với người dân sống ven biển nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản.

Huỳnh Hải - Xuân Lương