1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Buộc phải bãi nhiệm đối với đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến

(Dân trí) - “Bà Yến đã có đơn từ nhiệm nhưng theo quy định, đại biểu vi phạm các quy định của pháp luật thì buộc phải bãi nhiệm. UB Thường vụ sẽ đề nghị Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Yến trong kỳ họp này” – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Chiều 17/5, chủ trì họp báo trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 3, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, quá trình xác minh những thông tin tố cáo về đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến từ sau kỳ họp thứ 2 (tháng 11/2011) tới nay đã xác định bà Yến không trung thực khi khai hồ sơ ứng cử đại biểu. Có thời kỳ bà Yến là Đảng viên nhưng không khai trong hồ sơ.
Buộc phải bãi nhiệm đối với đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ trì họp báo

Việc đại biểu có chồng là ông Jimmy Trần cũng không khai trong hồ sơ. Việc xử vụ án ly hôn của bà Yến, vừa qua TAND tối cao cũng đã có quyết định hủy bản án của tòa cấp dưới, bản thân  bà Yến cũng xin rút đơn nên như vậy bà vẫn đang có chồng.

“Với việc có một người chồng đang bị khởi tố, bị truy nã quốc tế như thế, uy tín của đại biểu không đảm bảo. MTTQ Long An và UBTW MTTQ Việt Nam cũng đã xem xét tư cách đại biểu này và có văn bản gửi UB Thường vụ Quốc hội đề nghị bãi nhiệm. Kỳ họp này, UB Thường vụ cũng trình Quốc hội đề nghị bãi nhiệm đại biểu Hoàng Yến”.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng xác nhận việc đại biểu Yến đã có đơn từ nhiệm gửi tới UB Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, ông Phúc dẫn quy định tại điều 56, 57 luật Tổ chức Quốc hội, phân tích, đại biểu chỉ có thể từ nhiệm khi có lý do khách quan như sức khỏe không đảm bảo. “Còn trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật, Quốc hội buộc phải bãi nhiệm” – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định.

Trao đổi thêm sau buổi họp báo, ông Phúc cho biết sẽ đưa việc bà Hoàng Yến ra để Quốc hội xem xét vào đầu phiên họp. Nếu 2/3 số đại biểu bỏ phiếu tán thành việc bãi nhiệm, bà Yến sẽ mất tư cách đại biểu và dời Quốc hội ngay. Trước khi có kết quả bỏ phiếu đó, bà Yến vẫn tham gia tất cả các hoạt động của Quốc hội, từ phiên khai mạc, thảo luận kinh tế xã hội bình thường, với tư cách một đại biểu Quốc hội.

Thông qua việc bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo cấp cao

Theo chương trình dự kiến của kỳ họp, phần nội dung về công tác giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng, Quốc hội sẽ xem xét thông qua đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Trong đó có việc cải tiến, đổi mới về tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn hàng năm.

Theo đề án đã được đưa ra xin ý kiến UB Thường vụ trước đó, Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với cán bộ tương đương Bộ trưởng trở lên. Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm được công bố công khai. Người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội 2 lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho biết, Quốc hội sẽ xem xét và có Nghị quyết về đề án đổi mới với nội dung bỏ phiếu tín nhiệm này.

Ngoài ra, Quốc hội kỳ họp thứ 3 cũng dự kiến thông qua Nghị quyết về gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trị giá 29.000 tỷ đồng Chính phủ đề xuất. Ông Dũng khẳng định đây là vấn đề rất quan trọng, cấp bách đối với đất nước hiện nay.

Về hoạt động lập pháp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, đây là kỳ họp thiên về nội dung này. Hiếm có dịp nào Quốc hội thông qua liền trong 1 kỳ họp 13 dự luật, trong đó có luật Bảo hiểm tiền gửi, luật Phòng chống rửa tiền; luật Giá, luật Giáo dục đại học, Bộ luật Lao động sửa đổi, luật Biển Việt Nam…

Nhấn mạnh ý nghĩa của việc Quốc hội sẽ thông qua luật Biển trong kỳ họp này, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội phân tích, Việt Nam là quốc gia ven biển, có các vùng biển rộng lớn thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và hàng nghìn đảo nhưng đến nay vẫn chưa có một đạo luật quy định đẩy đủ, toàn diện chế độ pháp lý của các vùng biển, nhiệm vụ quản lý nhà nước về biển cũng như các vấn đề khác liên quan đến biển, đảo.

Vì vậy, việc ban hành luật này là cần thiết để xác định rõ phạm vi, chế độ pháp lý của các vùng biển Việt Nam, tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với các đảo, quần đảo; đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tăng cường quản lý đối với các vùng biển, đảo; góp phần thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.  

Các nội dung, thời điểm có hiệu lực dự kiến của luật Biển sẽ được quyết định cụ thể sau khi Quốc hội cho ý kiến. Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, việc thông qua dự án luật này sau thời gian dài chuẩn bị sẽ mang lại hiệu quả tốt.

P.Thảo