1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bồng vợ đi mưu sinh

Ngày hai buổi, người ta lại thấy cảnh người chồng mù bế vợ liệt vào các quán cà phê tươi cười mời khách mua vé số…

Dân cư đường Trần Cao Vân, Lê Độ, TP Đà Nẵng không ai không biết chuyện vợ chồng anh Triệu Sinh Hùng, chị Đặng Thị Vân: hai vợ chồng tật nguyền bán vé số và một cô con gái xinh xắn, lanh lợi. “Chứng kiến cảnh người chồng mù bế vợ bị liệt hai chân vào các quán cà phê bán vé số, ai làm ngơ cho được”, một bà cụ bán bánh trên vỉa hè đường Trần Cao Vân bộc bạch.
 
Bồng vợ đi mưu sinh

Chồng là chân vợ, vợ là mắt chồng

 

Hai nửa khuyết, một đôi lành

 

Trong tổ ấm thấp nhỏ (do chủ đại lý vé số cho ở không), anh Hùng cho biết, cả hai cùng sinh năm 1984. Chị quê Phú Thọ, bị liệt bẩm sinh; còn anh quê ở Hà Tây (cũ), bị mù từ lúc lên hai. Lớn lên, anh chị cùng được gia đình đưa vào trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề nhân đạo (Hà Nội), cùng được phân vào một đội văn nghệ, cùng đàn hát và cảm mến rồi lấy nhau.

 

Chị Vân thành thật thổ lộ, khi đó, dù ở tuổi đôi mươi nhưng chị chưa bao giờ nghĩ đến tình yêu đôi lứa, chỉ mong không phiền hà người thân đã là tốt lắm. Nhưng rồi sự chân thật của anh Hùng đã khiến trái tim cô gái tật nguyền dần rung động. Có điều, khi tình yêu giữa họ vừa chớm nở thì hai bên gia đình ra sức cấm cản vì “hai đứa như thế thì ai lo được cho ai”, với lại “cha mẹ tật nguyền, sinh ra con tật nguyền, tội nó”. Cuối cùng, lý lẽ của con tim đã thắng. Hơn nữa, lý trí của chị mách bảo: cha mẹ không thể bảo bọc mình mãi, anh chị em cũng phải dựng vợ gả chồng, hơn nữa họ đều lành lặn, không thể đồng cảm và biết chia sẻ với người khuyết tật như anh. Chị quyết định trao gởi đời mình cho anh kể từ đó.

 

Đẹp như cổ tích

 

Bé Triệu Vy - kết tinh tình yêu của họ nay đã gần bảy tuổi. Vì cuộc sống quê nhà gặp khó khăn, cách đây ba năm, anh chị quyết định vào Đà Nẵng sống bằng nghề bán vé số. Ngày hai buổi sáng, tối, anh chị chở nhau rong ruổi khắp

 

TP Đà Nẵng mưu sinh. Chị Vân hạnh phúc kể về lịch sinh hoạt hàng ngày của gia đình chị. Rằng sáng nào cũng thế, chị đặt chuông đồng hồ lúc 5 giờ 30, mẹ và con sẽ đánh răng trước, tiếp đó bố rửa mặt cho cả hai (vì tay chị không tự đưa lên mặt được), sau đó bố mới đánh răng rửa mặt. Bé Triệu Vy đã lớn và lanh lợi nên tự đi ăn sáng rồi đi học ở trường gần nhà. Sau đó, hai vợ chồng anh chị đi làm. Tầm trưa, cả hai chở nhau về, bữa thì ghé quán cơm bụi gần nhà mua cơm, bữa thì nấu, cả nhà quây quần bên mâm cơm. Chị giặt giũ quần áo cho hai cha con, tranh thủ giữa các giờ làm dạy con viết chữ… Chị luôn tâm niệm: đã là gia đình thì dù có khổ cỡ nào, cha mẹ con cái cũng phải ở cùng nhau, cùng san sẻ mọi vui buồn.

 

Nhìn cô con gái ngày một lớn khôn, biết thương yêu vâng lời cha mẹ, anh chị hiểu mình đã đúng khi đưa con gái mưu sinh trên đất Đà Nẵng. Dù đôi khi anh chị phải dằn lòng khi con đòi uống hộp sữa to, đòi ăn thêm dĩa bánh vào buổi sáng, trong khi thu nhập của họ không vượt quá 100.000 đồng/ngày.

 

Nhắc đến tương lai, chị Vân bảo vợ chồng chị không nghĩ điều gì quá xa xôi, như cách chị thường dạy con gái: “học không phải để làm ông này bà kia, đơn giản học chỉ để biết”. Nói thế không có nghĩa họ sống kiểu đắp đổi qua ngày. Sang năm hoặc vài năm nữa họ có thể rời Đà Nẵng về quê, vì không thể kéo dài mãi cuộc sống ở trọ, và cuộc sống không chỉ cần ba bữa cơm mỗi ngày… Họ ý thức rất rõ những gian truân của cuộc mưu sinh đối với hai con người tật nguyền. Có điều anh Hùng, chị Vân luôn biết trân trọng, giữ gìn và sống với hạnh phúc đang có từng ngày, từng giờ, từng phút. Để rồi, ngày hai buổi, người ta lại thấy cảnh người chồng mù bế vợ liệt vào các quán cà phê tươi cười mời khách mua vé số…

 

Theo Thảo Nguyên

Sài Gòn Tiếp Thị