1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Bộ Y tế điều tra vụ tử vong do tiêm văcxin Priorix

Bộ Y tế vừa yêu cầu Trung tâm kiểm định Quốc gia cử chuyên gia vào TPHCM điều tra, tìm hiểu nguyên nhân gây tử vong và tai biến ở một số cháu bé sau khi tiêm văcxin Priorix phòng sởi, rubella và quai bị.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết, nhận được thông tin về một số trẻ em bị tai biến sau khi tiêm văcxin Priorix (trong đó một cháu đã tử vong), Bộ đã gửi công văn khẩn cấp yêu cầu Trung tâm kiểm định Quốc gia phối hợp ngay với Sở Y tế và Viện Pasteur TPHCM để điều tra nguyên nhân. Bộ cũng yêu cầu các địa phương tạm dừng ngay việc sử dụng văcxin Priorix cho đến khi tìm được nguyên nhân gây tai biến.

 

Các cơ sở có tiêm chủng cũng phải hết sức cẩn trọng trong tất cả các khâu liên quan đến tiêm phòng văcxin như vận chuyển, bảo quản, quy trình tiêm chủng, phòng chống sốc và choáng.

 

Thứ trưởng Huấn cho biết hiện chưa thể đưa ra một phán đoán nào về nguyên nhân gây sốc, hôn mê và tử vong cho những trẻ đã tiêm Priorix. Loại văcxin này đã được sử dụng khá lâu ở Việt Nam với số lượng rất lớn, nhưng chưa bao giờ xảy ra tai biến. Tại Việt Nam, cũng chưa có trường hợp tương tự xảy ra với tất cả các loại văcxin.

 

Tiến sĩ Phạm Ngọc Đính, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết, các văcxin vẫn có tác dụng phụ nhưng thường nhẹ, không nguy hiểm. Các tai biến do văcxin thường rất hiếm hoi. Các ca tử vong do tiêm văcxin rất hiếm trên thế giới, còn ở Việt Nam thì chưa ghi nhận trường hợp nào, mặc dù mỗi năm cả nước có hàng chục triệu mũi tiêm chủng. Chuyện xảy ra với các cháu bé ở TPHCM vừa rồi là một hiện tượng cực kỳ bất thường.

 

Tuy chưa thể đặt ra một giả thiết nào về nguyên nhân gây tai biến nhưng ông Đính cho biết về mặt lý thuyết, tất cả mọi khâu liên quan đến văcxin và tiêm chủng đều có thể là nguyên nhân. Từ việc sản xuất, bảo quản, chuyên chở văcxin đến cách tiêm, cơ địa và tâm lý đứa trẻ đều có thể là nguyên nhân gây tai nạn.

 

Chẳng hạn, nếu đứa trẻ đang ốm, sốt hoặc dị ứng với một trong các thành phần của văcxin mà cán bộ y tế không điều tra kỹ, vẫn tiêm cho trẻ thì những phản ứng không mong muốn có thể sẽ xảy ra. Việc đứa trẻ quá sợ hãi khi thấy bóng áo trắng và kim tiêm nhọn cũng có thể gây choáng ngất. Mặt khác, việc tiêm bất cứ thuốc và văcxin nào vào cơ thể cũng đều có nguy cơ gây sốc phản vệ nếu không thực hiện đúng quy trình chuẩn hoặc cơ thể quá mẫn cảm.

 

Do đó, theo tiến sĩ Đính, việc tìm nguyên nhân gây ra vụ tai biến trên sẽ rất phức tạp, cần sự nhập cuộc của các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, từ những cán bộ y tế cơ sở trực tiếp tiêm, các bác sĩ lâm sàng có kinh nghiệm trong chẩn đoán tai biến liên quan đến tiêm chủng trẻ em, chuyên gia kiểm định văcxin đến cán bộ giám định pháp y (nếu có tử vong). Các mẫu văcxin, ống tiêm và kim tiêm đã được sử dụng cho nạn nhân hoặc trong cùng lô đều phải được kiểm định.

 

Để bảo đảm an toàn cho trẻ khi tiêm chủng, tiến sĩ Đính khuyên các bậc cha mẹ khi đưa con đi tiêm phải nói rõ tình trạng sức khỏe của con cho cán bộ y tế, khai đầy đủ tiền sử dị ứng và các văcxin vừa sử dụng nếu có. Sau khi tiêm bất cứ thuốc gì, tốt nhất là không về nhà ngay mà phải có thời gian theo dõi phản ứng để có thể xử trí kịp thời.

 

Với cán bộ y tế, cần hỏi kỹ các thông tin về bệnh nhân, thực hiện đủ các khâu thử phản ứng, theo dõi phòng chống sốc sau tiêm đúng như quy định.

 

Theo Thanh Nhàn

Vnexpress