1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ trưởng Tư pháp: 3170 người được nhập quốc tịch Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, đến nay, Chủ tịch nước đã giải quyết cho 3.170 người được nhập quốc tịch Việt Nam. 152 trường hợp khác đang được xem xét trình. Bộ trưởng Tư pháp đang đối thoại trực tuyến trên Cổng TTĐT Chính phủ.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại phiên đối thoại trực tuyến.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại phiên đối thoại trực tuyến.
 
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Xin kính chào đồng bào cả nước. Hôm nay, chúng tôi rất vui mừng đối thoại trực tuyến với nhân dân và xin sẵn sàng trả lời các câu hỏi.  

Độc giả Võ Ngọc Anh (Phường 8, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng): Thưa Bộ trưởng, tôi xin hỏi thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam đối với những đồng bào không có quốc tịch, đã cư trú ổn định lâu năm và làm ăn chân chính trên lãnh thổ Việt Nam?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Câu hỏi của ông liên quan đến một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Vấn đế này đã được quy định trong pháp luật Việt Nam về quốc tịch suốt từ năm 1945 đến nay, theo đó người không có quốc tịch thường trú ổn định, lâu dài tại Việt Nam được tạo điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam, trở thành công dân Việt Nam, có các quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam

Để giải quyết các trường hợp tồn đọng do lịch sử để lại, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 đã quy định hẳn 1 điều (Điều 22) về việc cho phép nhập quốc tịch Việt Nam theo thủ tục đơn giản đối với người không quốc tịch đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày 1/7/2009 và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam.

Thủ tục về việc nhập tịch rất đơn giản. Theo quy định của Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn có liên quan rà soát, lập danh sách, hỗ trợ họ làm hồ sơ, báo cáo Chính phủ để trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định. Ủy ban nhân dân cấp xã là nơi trực tiếp hướng dẫn làm hồ sơ cho những người có nguyện vọng.

Người nhập tịch không phải nộp lệ phí.

Thời hạn nộp hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam theo thủ tục đơn giản nêu trên sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2012.

Thời gian qua, Chủ tịch nước đã giải quyết cho 3.170 trường hợp được nhập quốc tịch theo thủ tục này, trong đó chủ yếu là đồng bào cư trú dọc biên giới. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đã nhận được gần 4.000 hồ sơ, đã trình Chủ tịch nước xem xét giải quyết 3.440 trường hợp; đang xem xét để trình Chủ tịch nước 152 trường hợp.

Hồ sơ vẫn đang được tiếp tục gửi về Bộ Tư pháp. Vừa rồi chúng tôi có đi kiểm tra ở một số nơi, thì Thừa Thiên- Huế đã làm xong, nhưng Quảng Trị thì chưa. Quy định này chỉ có hiệu lực đến 31/12 năm nay. Chúng tôi đã chỉ đạo các tỉnh thành triển khai việc này rốt ráo, đảm bảo cho những người thường trú tại VN từ 20 năm được nhập tịch.

Nếu ông thuộc diện được nhập quốc tịch Việt Nam theo thủ tục đơn giản nói trên mà chưa làm thủ tục thì đề nghị liên hệ ngay với UBND cấp xã để nộp hồ sơ.

Sau ngày 30/12/2012 sẽ không còn thủ tục đơn giản nói trên nữa, muốn nhập quốc tịch Việt Nam, ông phải làm thủ tục thông thường theo quy định của pháp luật.

Bạn Trần Hạnh Vân (Saint Petersburg, Nga): Tôi lấy chồng người Nga và đã định cư tại quê chồng nhưng vẫn chưa mất quốc tịch Việt Nam, nay tôi tha thiết muốn tiếp tục giữ quốc tịch Việt Nam thì sẽ được giải quyết thế nào? Cảm ơn Bộ trưởng!

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Hoan nghênh bạn, dù xa đất nước, nhưng vẫn mong muốn giữ quốc tịch Việt Nam. Quốc hội đã thông qua Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, đã quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.

Tuy nhiên, để được tiếp tục giữ quốc tịch Việt Nam thì phải làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật có hiệu lực, tức là cho đến ngày 30/6/2014. Sau thời hạn này mà không đăng ký sẽ bị đương nhiên mất quốc tịch Việt Nam; nếu muốn có quốc tịch Việt Nam thì họ sẽ phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam.

Đề nghị bạn liên hệ tới các cơ quan đại diện Việt Nam tại Liên bang Nga hoặc vào Cổng TTĐT Bộ Tư pháp để được hướng dẫn.

Từ 1/7/2014, những người không đăng ký giữ Quốc tịch Việt Nam  thì đương nhiên mất quốc tịch. Nên bạn cần đăng ký nếu có nguyện vọng tha thiết như vậy.

Một bạn đọc hỏi: Cháu sinh năm 1990 và đã được đăng ký khai sinh tại UBND xã. Trước đây, do muốn cho cháu đi học sớm nên bố, mẹ cháu đã tự sửa trong bản sao Giấy khai sinh của cháu nộp cho nhà trường là cháu sinh năm 1989. Do đó, bằng Tốt nghiệp Đại học của cháu cũng ghi năm sinh là năm 1989. Vừa qua, cháu làm hồ sơ xin việc làm tại một công ty thì tại đây họ đã phát hiện ra năm sinh của cháu ghi trong Bằng tốt nghiệp đại học và trong Giấy khai sinh mâu thuẫn nhau nên họ không chấp nhận. Vậy cháu có thể cải chính năm sinh trong Giấy khai sinh cho phù hợp với bằng tốt nghiệp Đại học được không?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tôi xin nói thẳng là không thực hiện được. Giấy khai sinh và tất cả số liệu trong giấy khai sinh là thông tin gốc theo quy định của pháp luật, mọi giấy tờ sau này phải phù hợp với giấy khai sinh.

Giấy khai sinh của cháu đã được đăng ký đúng với thực tế, nên không được cải chính. Theo quy định của pháp luật, Giấy khai sinh là giấy tờ gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ khác của cá nhân, trong đó có bằng cấp, có nội dung liên quan đến ngày, tháng, năm sinh thì phải đúng với ngày, tháng, năm sinh ghi trong Giấy khai sinh.

Trong trường hợp của cháu thì phải làm ngược lại, tức là phải điều chỉnh Bằng tốt nghiệp theo Giấy khai sinh. Cụ thể, để khắc phục sự sai lệch năm sinh ghi trong bản chính Giấy khai sinh và Bằng tốt nghiệp Đại học của cháu thì cháu phải làm thủ tục điều chỉnh lại năm sinh trong bằng Tốt nghiệp Đại học theo năm sinh ghi trong Giấy khai sinh. Để làm việc này, cháu cần liên hệ với trường Đại học nơi cháu tốt nghiệp để làm thủ tục điều chỉnh.

Nhân đây, tôi cũng đề nghị các bậc phụ huynh không vì để được việc trước mắt mà làm khó cho con cháu sau này, nhất là việc tự sửa Giấy khai sinh còn là sự vi phạm quy định của pháp luật.

Vì vậy, bạn nên liên hệ với cơ sở trường đại học đề nghị được sửa hồ sơ giấy tờ liên quan theo giấy khai sinh.
Độc giả Vũ Thị Thoa ở Phú Thọ: 

Độc giả Vũ Thị Thoa ở Phú Thọ: Trước đây, tôi lấy chồng Hàn Quốc, chúng tôi đã có một con chung, cháu đã được đăng ký khai sinh tại Hàn Quốc. Do mâu thuẫn vợ chồng, chúng tôi đã ly hôn và tôi đưa cháu về Việt Nam sinh sống. Vì Giấy khai sinh của cháu bằng tiếng Hàn Quốc nên gặp nhiều phiền phức trong làm các thủ tục hành chính ở Việt Nam. Nay tôi muốn đăng ký khai sinh cho con tại Việt Nam và có Giấy đăng ký khai sinh bằng tiếng Việt thì có được không và phải làm thế nào?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Vấn đề chị nêu trước 1/4/2006 thì không thực hiện được. Nhiều người đã gặp khó khăn như trường hợp của chị.

Nay, theo Nghị định 158 năm 2005 của Chính phủ, có hiệu lực từ 1/4/2006, nếu cháu có quốc tịch Việt Nam và đã về Việt Nam thường trú, chị chỉ cần đem Giấy khai sinh của cháu được cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc cấp (phải được hợp pháp hoá lãnh sự và dịch ra Tiếng Việt) đến Sở Tư pháp nơi thường trú để ghi vào Sổ việc đăng ký khai sinh việc cháu đã được đăng ký ở nước ngoài; chị không phải làm thủ tục đăng ký lại việc sinh cho cháu.

Sau khi đã ghi vào sổ, Sở Tư pháp sẽ cấp cho cháu Giấy khai sinh bằng tiếng Việt.

BTV:Có thể Bộ trưởng sẽ đồng ý với tôi về nhận định “công tác hộ tịch của chúng ta hiện nay vẫn đang bị chồng chéo và rất khó quản lý”, làm thế nào để giảm bớt sự chồng chéo này, thưa ông?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Trước hết, tôi đồng ý với bạn là công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay kéo theo sự dịch chuyển lớn dân cư từ địa phương này sang địa phương khác, thậm chí ra nước ngoài.

Mặc dù năm 2005, với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 158 về đăng ký và quản lý hộ tịch đã có sự phân cấp nhiều loại việc đăng ký hộ tịch trước đây thực hiện ở cấp tỉnh, cấp huyện tập trung cho cấp xã, nhưng việc đăng ký hộ tịch hiện tại vẫn đang được thực hiện ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã. Vì thế dữ liệu về hộ tịch được lưu giữ rất tản mát, có khi ở cả 3 nơi mà không tích hợp được với nhau, ví dụ, đăng ký sinh một nơi, thay đổi tên gọi ở một nơi, kết hôn lại ở nơi khác; không có cơ quan nào quản lý được đầy đủ các sự kiện hộ tịch của mỗi cá nhân.

Hơn nữa, việc quản lý các dữ liệu hộ tịch cơ bản là bằng văn bản giấy; cán bộ Hộ tịch thì thiếu về số lượng, chưa được chuyên nghiệp hoá, lại thường xuyên biến động, gần 1/3 chưa được đào tạo Luật...

Những hạn chế, bất cập này dẫn đến sự chồng chéo và khó quản lý như bạn nêu. Đã xảy ra nhiều trường hợp lợi dụng những bất cập, hạn chế đó để trục lợi cho bản thân, trốn tránh nghĩa vụ công dân, thậm chí trốn tránh cả sự trừng phạt của pháp luật.

Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã đề xuất và thực hiện nhiều giải pháp khắc phục tình trạng này, như việc phân cấp các việc đăng ký hộ tịch về cấp xã như tôi đã nói ở trên, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch, tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ... Tuy nhiên, những giải pháp này cơ bản vẫn là chắp vá, giải pháp tình thế.

Để giải quyết cơ bản, triệt để vấn đề, Bộ Tư pháp đã đề xuất, được Chính phủ, Quốc hội chấp thuận và hiện đã soạn thảo trình Chính phủ Dự án Luật Hộ tịch với những nội dung mang tính cải cách như xây dựng mô hình đăng ký hộ tịch một cấp (tại cấp xã); cải tiến Sổ hộ tịch theo hướng cơ quan đăng ký chỉ có một Sổ bộ hộ tịch để quản lý và công dân có một Sổ hộ tịch cá nhân trong đó lưu giữ toàn bộ thông tin hộ tịch của mình; cấp số định danh công dân khi đăng ký khai sinh; tin học hóa cơ sở dữ liệu hộ tịch; xây dựng chức danh Hộ tịch viên chuyên trách. Nếu được Chính phủ, Quốc hội chấp thuận, tin rằng trăn trở của bạn sẽ được giải toả.

Độc giả Võ Văn Đạt (Tân Đệ, Vũ Thư, Thái Bình): Xin hỏi Bộ trưởng, trước đây muốn chứng nhận hợp đồng về nhà đất thì người dân chúng tôi chỉ việc ra UBND xã. Nhưng hiện nay, với chủ trương chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp huyện, xã sang các tổ chức hành nghề công chứng thì người dân chúng tôi lại phải lên tận huyện, nơi có các tổ chức hành nghề công chứng. Xin Bộ trưởng giải thích rõ vấn đề này?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Hợp đồng về nhà đất có vai trò rất quan trọng, vì nhà đất là bất động sản có giá trị lớn, liên quan đến quyền có nhà ở của công dân, thường hay xảy ra tranh chấp, nên rất cần thiết phải được công chứng.

Công chứng khác với chứng thực, vì công chứng là chứng nhận tính hợp pháp, tính xác thực của hợp đồng, còn chứng thực chỉ thuần túy chứng nhận chữ ký trong hợp đồng, tức là thuần túy mang tính hình thức, nên không bảo đảm an toàn pháp lý như công chứng. Trong một thời gian dài, chúng ta không phân biệt hai hình thức này.

Do vậy, năm 2005 Quốc hội đã ban hành Luật Công chứng, tách hoạt động chứng thực khỏi công chứng và theo hướng dẫn của Chính phủ thì tiến tới phải chuyển giao việc chứng thực các hợp đồng về nhà đất từ UBND cấp huyện, cấp xã sang cho các tổ chức hành nghề công chứng chuyên nghiệp thực hiện.

Tuy nhiên, do tổ chức hành nghề công chứng chưa phát triển khắp cả nước (hiện nay có 550 văn phòng công chứng và  phòng công chức, nơi rất nhiều nơi không có) nên trong giai đoạn quá độ, việc chuyển giao cần được thực hiện có lộ trình và chỉ được thực hiện tại những địa bàn cấp huyện đã thành lập được tổ chức hành nghề công chứng đủ điều kiện đảm đương hoạt động, để đảm bảo cho các bên ký kết hợp đồng và sự phát triển kinh tế-xã hội.

Đối với huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, theo kiểm tra của chúng tôi, do chưa có tổ chức công chứng  nên UBND tỉnh chưa thực hiện việc chuyển giao. Người dân có quyền được lựa chọn công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng ở thành phố hoặc huyện khác hoặc chứng thực tại UBND xã như trước đây. 

BTV: Thưa Bộ trưởng, hiện nay có hiện tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) giả thông qua hợp đồng có công chứng, thậm chí có một số công chứng viên có hành vi vi phạm pháp luật, tiếp tay cho lừa đảo, vậy có phải do chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng với việc phát triển mạnh mẽ các Văn phòng công chứng đã phần góp phần vào hiện tượng này. Xin Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Xin cảm ơn bác Tâm về câu hỏi này. Cũng đã có những trường hợp lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.

Xin thưa, nếu nói do sự phát triển, xã hội hóa nghề công chứng mà có lừa đảo thì tôi cho rằng là bi quan. Vì giấy tờ chủ yếu là sổ đỏ có thể bị làm giả, do anh em công chứng, văn phòng công chứng nghiệp vụ còn non kém, chưa có máy móc phát hiện. Do sự kết nối thông tin hiện giữa các văn phòng công chứng với các văn phòng đăng ký sử dụng đất, giao dịch chưa được thông suốt, nên có hiện tượng lợi dụng để mang giấy tờ giả đến công chứng.

Chúng tôi cũng đã nhìn thấy vấn đề, đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị định theo hướng đảm bảo sự kết nối các dữ liệu thông tin đó. Hiện, tôi lấy ví dụ Hải Phòng đã làm rất tốt sự kết nối này. TP.HCM, Hà Nội cũng đã làm tốt, nhất là sao có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các văn phòng đăng ký sử dụng đất với các tổ chức hành nghề công chứng.

Xin nói thêm, bác có lý ở chỗ, xã hội hóa, các văn phòng công chứng thành lập tương đối nhiều, có những việc chưa kiểm tra hết được, một phần do mặt đạo đức, nghề nghiệp chưa được chuẩn. Chúng tôi cũng đã có hướng xử lý.

Khuyến khích các tỉnh cho phép các công chứng viên thành lập hội công chứng để họ tự giám sát nhau, không tiếp tay cho lừa đảo.

Trần Quốc Tâm (P. Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh): Kính chào Bộ trưởng, tôi đang có dự định cùng các cộng sự thành lập Văn phòng công chứng tư nhân, khi chúng tôi nộp hồ sơ thì được trả lời là khu vực tôi muốn mở Văn phòng công chứng đã bị vượt quá số lượng so với quy hoạch. Vậy thưa Bộ trưởng quy hoạch này có khả thi không khi chính nó sẽ dẫn đến tiêu cực trong việc cho phép mở các Văn phòng công chứng?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tôi nghĩ quy hoạch và thực hiện quy hoạch công chứng thực hiện hoàn toàn khả thi. Công chứng là một nghề đặc thù, vì công chứng viên phải chịu trách nhiệm vô hạn, suốt đời đối với những giao dịch đã được công chứng.

Vì vậy, doanh nghiệp, các tổ chức hành nghề công chứng không thể thành lập và giải thể một cách tự phát, tràn lan mà phải bảo đảm tính ổn định, liên tục nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Nhất định việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng phải theo quy hoạch, được phân bố hợp lý, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội và địa bàn dân cư, đặc biệt là trong bối cảnh hoạt động công chứng đã được xã hội hóa.

Với ý nghĩa như vậy, Quy hoạch không phải là để tạo cơ chế xin - cho hay gây khó khăn cho người dân. Các nước trên thế giới theo mô hình công chứng như nước ta cũng đều làm như vậy.

Hiện nay, dự thảo Quy hoạch phát triển tổng thể tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020 đang được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, Quy hoạch này sẽ có giá trị bắt buộc, việc thành lập các Văn phòng công chứng không được vượt quá số lượng đã được phê duyệt.

Để ngăn ngừa, hạn chế tiêu cực trong việc cho phép thành lập các văn phòng công chứng khi số hồ sơ xin thành lập lớn hơn số lượng theo Quy hoạch, Bộ Tư pháp đã có văn bản hướng dẫn chỉ đạo các địa phương cần phải xây dựng bộ tiêu chí chấm điểm để xem xét việc cho phép thành lập các tổ chức hành nghề công chứng một cách công khai, minh bạch. TP Hồ Chí Minh đã làm việc này và hiện Hà Nội đang làm.

Tôi cũng muốn nói thêm với bạn, nghề công chứng ở nước ta còn là nghề mới, nhu cầu thành lập Văn phòng công chứng còn lớn. Nếu bạn tâm huyết với nghề công chứng mà địa bàn bạn dự kiến thành lập đã hết số lượng văn phòng công chứng theo quy hoạch thì bạn có thể xin thành lập ở những địa bàn khác còn chỉ tiêu, nhất là những địa bàn khuyến khích phát triển các Văn phòng công chứng để đảm bảo xã hội hóa.
Ban Nam Anh (sinh viên Đại học Luật Hà Nội):

Ban Nam Anh (sinh viên Đại học Luật Hà Nội): Thưa Bộ trưởng, Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 02 tháng 6 năm 2010 và Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ theo Đề án 30 về cải cách thủ tục công chứng đã ban hành, trong đó quy định bãi bỏ quy định bắt buộc yêu cầu công chứng đối với những hợp đồng, giao dịch về nhà đất, vậy tại sao trong thực tiễn hiện nay nhân dân vẫn phải bắt buộc công chứng hợp đồng, giao dịch về nhà ở và quyền sử dụng đất?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường:  Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Đúng là 2 Nghị quyết của Chính phủ đã quy định như vậy. Tuy nhiên, Nghị quyết cũng yêu cầu nghiên cứu, sửa đổi các Luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Bộ luật Dân sự..., do đó phải trình Quốc hội sửa đổi các Luật này đã. Do vậy, cho đến khi các Luật này chưa được sửa đổi, bổ sung thì việc công chứng bắt buộc đối với các loại hợp đồng, giao dịch về nhà đất vẫn thực hiện theo pháp luật hiện hành.

Các quy định liên quan đến đất đai là rất quan trọng. Chính vì vậy, sau khi Nghị quyết được ban hành, và cùng với việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng nhất trí chỉ đạo nghiên cứu theo hướng: Một số loại hợp đồng không dẫn đến việc định đoạt quyền sở hữu nhà ở như cho thuê, cho mượn hoặc chuyển giao quyền sử dụng đất thì sẽ không yêu cầu bắt buộc phải công chứng, người dân có thể lựa chọn giữa công chứng và chứng thực. Ví dụ thuê nhà ở sẽ ít phức tạp hơn việc tặng cho nhà ở.

Còn đối với các hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến việc định đoạt quyền sở hữu như mua bán, chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn về nhà đất, tiềm ẩn nhiều rủi ro tranh chấp phát sinh, vẫn cần thiết bắt buộc phải công chứng để bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên ký kết hợp đồng.

Bạn Nguyễn Thị Vân Trang, Long Khánh, Đồng Nai hỏiBộ trưởng có biết có tình trạng tiêu cực trong bán đấu giá như thông đồng, dìm giá, “cò mồi”, cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức bán đấu giá. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Rất tiếc trong thực tế xảy ra hiện tượng cò mồi, dìm giá trong câu chuyện bán đấu giá tài sản. Tiêu cực này xảy ra không chỉ lĩnh vực đấu giá mà còn cả trong lĩnh vực đấu thầu. Vấn đề ở đây là thực thi pháp luật không nghiêm. Theo quy định của Chính phủ, trong Nghị định 17, việc bán đấu giá đòi hỏi rất công khai, minh bạch theo trình tự quy định khá chặt chẽ.

Chúng tôi biết việc này và chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố nhất là trong đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản xung công, thực hiện việc này làm sao để tổ chức thực hiện nghiêm túc. Các trường hợp cò mồi, dìm giá phải bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Thứ 2, về việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bán đấu giá với các trung tâm bán đấu giá của nhà nước, đúng là theo quy định còn có khập khiễng, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh. Ví dụ có trường hợp một số doanh nghiệp có chính sách chi “hoa hồng” cho người có tài sản bán đấu giá, trong khi trung tâm của nhà nước thì không làm được, dẫn đến những người có tài sản sẽ lựa chọn doanh nghiệp bán đấu giá thay vì Trung tâm bán đấu giá tài sản.

Việc này chúng tôi nắm được và cũng đang nghiên cứu để đề xuất có những sửa đổi, bổ sung phù hợp trong Nghị định số 17 của Chính phủ.

BTV: Hiện nay có hiện tượng tại một số địa phương khi bán đấu giá quyền sử dụng đất đã có dấu hiệu tiêu cực, làm thất thoát tài sản của nhà nước. Vậy Bộ trưởng có biện pháp gì để việc bán đấu giá này được công khai, minh bạch hay không?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Theo tôi, nói trong quá khứ xảy ra tình trạng trên thì đúng hơn, nghĩa là trước khi Nghị định 17 được ban hành, đã xảy ra tình trạng lợi dụng, tiêu cực, làm thất thoát tài sản nhà nước trong việc đấu giá quyền sử dụng đất.

Điều này chủ yếu do việc bán đấu giá quyền sử dụng đất được giao cho nhiều tổ chức thực hiện (Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện, cấp tỉnh), không có đấu giá viên chuyên nghiệp, trình tự, thủ tục chưa được quy định chặt chẽ; trách nhiệm của người bán đấu giá chưa được quy định rõ; việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm chưa hiệu quả. Hiện tượng này được nhiều địa phương và nhân dân phản ánh.

Chính vì vậy, năm 2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17 quy định rõ về việc bán đấu giá các tài sản, nhất là tài sản công, trong đó có quyền sử dụng đất, cho tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp thực hiện qua các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp để bảo đảm tính chặt chẽ về trình tự, thủ tục, nguyên tắc công khai, minh bạch, nhằm hạn chế tiêu cực trong bán đấu giá tài sản nói chung, bán đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng.

Kết quả bán đấu giá tốt hơn so với trước đây, trình trạng tiêu cực đã được hạn chế nhiều.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định số 17 vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như đội ngũ đấu giá viên còn mỏng, nhiều trường hợp bán đấu giá quyền sử dụng đất tại địa bàn cấp huyện, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn chưa kịp thời; một số văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định còn chưa được ban hành.

Để khắc phục, Bộ Tư pháp chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc TW có giải pháp phát triển, tăng cường đội ngũ đấu giá viên, phát triển doanh nghiệp bán đấu giá, củng cố Trung tâm bán đấu giá để thành một hệ thống hoàn chỉnh đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo và thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Thông tư liên tịch về bán đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó sẽ hướng dẫn việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để thực hiện việc bán đấu giá sao cho chặt chẽ, đạt hiệu quả cao nhất và ngăn chặn được những tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện.  

Bà Nguyễn Thị Thu Hà (số 190 khóm 2 phường 5 thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh): Xin Bộ trưởng cho biết: Nghị định 17 quy định tài sản bán đấu giá bao gồm “…tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước”. Nhưng cơ quan chức năng của địa phương cho rằng doanh nghiệp bán đấu giá không được ký hợp đồng thực hiện bán đấu giá đối với tài sản là “…tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước” vì Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định “tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được chuyển giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản cấp tỉnh” và Pháp lệnh có giá trị pháp lý cao hơn Nghị định 17 nên phải vận dụng quy định của Pháp lệnh để thực hiện.

Xin hỏi Bộ trưởng:

1. Cách giải thích của cơ quan chức năng địa phương là đúng hay sai?

2. Nếu doanh nghiệp bán đấu giá tài sản đã và đang (lỡ) thực hiện việc ký hợp đồng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bán đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì sẽ xử lý như thế nào?

3. Luật xử lý vi phạm hành chính đã được công bố và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013, theo đó “tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước” sẽ được chuyển giao cho các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để thực hiện việc bán đấu giá. Có thể áp dụng ngay quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính hay không hay phải chờ đến ngày Luật có hiệu lực thi hành (01/7/2013)?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Thưa độc giả, cách giải thích như trên của cơ quan chức năng địa phương là đúng. Chúng ta thực hiện Nghị định 17 đồng thời thực hiện Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, và theo Pháp lệnh, doanh nghiệp bán đấu giá không được bán tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Pháp lệnh quy định rõ là các tài sản này được chuyển giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản cấp tỉnh.

Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản đã và đang thực hiện việc ký hợp đồng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bán đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là sai và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trước hết, đó là trách nhiệm của cơ quan, người ký hợp đồng bán tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu có tiêu cực thì phải xử lý.

Câu hỏi thứ ba rất hay. Chính từ thực tiễn thi hành Pháp lệnh, mà Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, theo đó “tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước” sẽ được chuyển giao cho các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để thực hiện việc bán đấu giá. Tuy nhiên, Luật chưa có hiệu lực thi hành, thì chưa được áp dụng điều luật mà chị đã trích dẫn.

Bộ trưởng Tư pháp: 3170 người được nhập quốc tịch Việt Nam - 4

Ảnh VGP/Nhật Bắc

BTV: Có giám đốc doanh nghiệp đã từng than vãn trên báo “quá hiếm những luật sư giỏi có thể tranh tụng những vụ kiện có yếu tố nước ngoài, một số luật sư giỏi chuyên môn nhưng lại kém về ngoại ngữ”. Vậy thưa Bộ trưởng, đội ngũ luật sư hiện nay có đủ trình độ cũng như số lượng để đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp cũng như hội nhập kinh tế quốc tế chưa?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Trước hết, xin chia sẻ với giám đốc doanh nghiệp cũng như trăn trở của bạn đọc.

Về cải cách tư pháp, như chúng ta biết, trọng tâm cải cách là chuyển xét xử tòa án sang tố tụng, tranh tụng cũng như đòi hỏi có tham gia của luật sư. Chúng ta hiện có nhiều cố gắng, nhất là sau khi thông qua Luật Luật sư, nhưng tổng số luật sư hành nghề hiện là 7.200 luật sư và trên 3.500 luật sư tập sự, so với khu vực, thế giới còn ít.

Vừa rồi, Chính phủ đã ban hành chiến lược, sao cho đến 2020, phát triển đội ngũ này đến 18-20.000 thì mới đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp.

Về tăng cường tranh tụng trong xét xử, trên 21% các vụ hình sự là có luật sư bào chữa. Gần 80% chưa có người bào chữa. Tôi rất đồng ý việc trên phương diện này chúng ta chưa đáp ứng được và phải phát triển đội ngũ này (về số lượng), tuy nhiên còn nhiều vấn đề khác về chất lượng, trình độ...

Theo thông kê của Liên đoàn Luật sư, trong số kể cả luật sư tập sự (hơn 10.000) mới có khoảng 100 luật sư có khả năng sử dụng ngoại ngữ, có 1-2 ngoại ngữ, có kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế.

Tôi cũng muốn nói rằng, có 2 khía cạnh nếu nói về phương diện hội nhập.

Chúng ta không nên nghĩ luật sư Việt Nam được cấp chứng chỉ hành nghề ở Việt Nam, giỏi hội nhập, ngoại ngữ thì sẽ được tranh tụng ở nước ngoài, trừ ở các trung tâm trọng tài ở nước ngoài. Theo quy chế luật, họ cũng không câu nệ chuyện có phải là luật sư hành nghề ở nước đó không, còn nếu ra tòa án thì phải có chứng chỉ hành nghề của nước đó, thậm chí là bang đó (nếu là quốc gia liên bang).

Rất mừng là có một số luật sư đào tạo ở nước ngoài cũng đã được cấp chứng chỉ ở nước ngoài.

Còn tranh chấp có yếu tố nước ngoài, nhiều việc đã được xử ở Việt Nam, trong đó nhiều việc đã thành công.

BTV: Về hôn nhân đồng tính, thưa Bộ trưởng, chắc ông cũng đã nghe nói về một vấn đề làm tốn giấy mực của báo chí suốt mấy tuần nay, đó là về có công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính. Tôi muốn nghe quan điểm cá nhân của Bộ trưởng nhìn nhận về vấn đề này?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Đúng ra sau khi Quốc hội đưa vào xây dựng chương trình luật của năm 2013-2014, việc sửa đổi bổi sung luật hôn nhân gia đình đã dấy lên cuộc thảo luận sôi sổi, tốn nhiều giấy mực xung quanh việc công nhận hay không công nhận, hay bằng cách nào đó hợp thực hóa hôn nhân đồng tính.

Luật hôn nhân gia đình của Việt Nam hiện nay cấm hôn nhân đồng tính. Vấn đề này phải được xem xét kỹ, thâu đáo trên nhiều phương diện: văn hóa, pháp lý, tập quán và đạo đức.

Có 2 luồng ý kiến. Thứ nhất, cho rằng đã đến lúc phải nhìn nhận thực tế vì dù sao đây cũng là 1 nhóm người nhất là từ năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới đã loại đồng tính ra khỏi danh sách bệnh, không phải chữa trị và không thể chữa trị. Ý kiến này cho rằng thậm chí có thể sửa luật để cho phép hôn nhân đồng tính. Theo tôi được biết, đến nay đã có 23 nước công nhận quyền của người đồng tính, 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, 44 nước khác thừa nhận quan hệ chung sống giữa những người cùng giới tính.

Luồng ý kiến thứ 2 là không đồng ý sửa luật, đặc biệt là ở Việt Nam.

Cá nhân tôi cho rằng, việc công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính cần phải dựa trên những nghiên cứu hết sức cơ bản, những đánh giá tác động nghiêm túc trên rất nhiều khía cạnh xã hội và pháp lý như quyền tự do cá nhân, sự tương thích với văn hóa, tập quán của xã hội và gia đình Việt Nam, tính nhạy cảm, hậu quả xã hội của quy định pháp luật… Các vấn đề này đang được nghiên cứu trong quá trình chuẩn bị dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi).

Dù công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính thì theo tôi, cũng không được tạo ra định kiến xã hội đối với cộng đồng và cá nhân người đồng tính. Đồng thời, Nhà nước cũng nên có cơ chế pháp lý để bảo vệ những lợi ích chính đáng về nhân thân, tài sản hoặc con (nếu có) giữa những người cùng giới tính có quan hệ sống chung với nhau.
 

BTV: Về tuổi kết hôn, cũng còn có vấn đề về hôn nhân và gia đình. Với tư cách Bộ trưởng Tư pháp ông thấy thế nào khi có nhiều người đang muốn hạ tuổi kết hôn của nữ từ 18 xuống còn 16 tuổi?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Pháp luật các nước trên thế giới quy định khác nhau về độ tuổi kết hôn của nam, nữ. Có nước qui định thấp, ví dụ như ở Thái Lan, nam và nữ đều phải từ đủ 17 tuổi trở lên; ở Nhật Bản, nam phải đủ 18 tuổi và nữ phải đủ 16 tuổi... Các nước XHCN Đông Âu, Liên Xô cũ trước đây quy định 16 tuổi. Nhưng cũng có nước qui định cao như Việt Nam, nữ từ 18 tuổi trở lên, nam từ 20 tuổi trở lên; ở Trung Quốc, nam từ đủ 22 tuổi trở lên, nữ từ đủ 20 tuổi trở lên.

Sự khác biệt do nhiều yếu tố như truyền thống, văn hóa, chính sách dân số...

Đúng là khi sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình, dư luận có ý kiến cho rằng nên hạ thấp tuổi được phép kết hôn. Thực tế, ở một số vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, dân tộc..., người dân sớm chung sống và có con, mà không công nhận là vợ chồng thì rất thiệt thòi cho họ, mà trước hết là phụ nữ.

Quy định độ tuổi 18 tuổi mới được kết hôn đối với nữ có từ 1959, việc thay đổi là rất hệ trọng, cần phải dựa trên những nghiên cứu hết sức cơ bản, những đánh giá tác động nghiêm túc về các khía cạnh xã hội và pháp lý khác nhau như: tập quán, văn hóa, tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản, học tập, lập thân, lập nghiệp… Chúng ta cũng phải xét đến độ tuổi đủ năng lực hành vi dân sự theo qui định của pháp luật.  

Chị Bích Thủy, Hà Nội hỏi: Tôi là nguyên đơn trong vụ án xin ly hôn đã được Tòa án thụ lý giải quyết vào tháng 9/2011. Do chồng tôi là công dân Canada hiện đang sinh sống tại Canada nên Tòa án đã thông qua Bộ Tư pháp yêu cầu thực hiện ủy thác lấy lời khai và triệu tập chồng tôi đến tòa để giải quyết vụ án. Đã hơn 6 tháng kể từ ngày chuyển hồ sơ ủy thác sang Canada mà tòa án vẫn chưa nhận được kết quả ủy thác. Do vậy, Tòa án đã phải tạm đình chỉ vụ án chờ kết quả ủy thác tư pháp. Việc này ảnh hưởng đến quyền lợi của tôi. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân dẫn đến việc không có kết quả ủy thác và tôi phải làm gì để có thể đề nghị tòa án sớm giải quyết yêu cầu ly hôn của mình?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Trước tiên, xin chia sẻ với chị Thủy. Đây là câu chuyện về ủy thác tư pháp với nước ngoài. Tôi chưa kiểm tra kỹ trường hợp của chị, nhưng tôi hiểu về nguyên tắc, việc thực hiện ủy thác giữa tòa án nước này với nước khác phải có hiệp định tương trợ tư pháp, nhưng giữa Việt Nam và Canada chưa có hiệp định đó.

Chính vì thế, trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, thực hiện nghị quyết này làm sao tăng cường bảo hộ cho người dân trong điều kiện toàn cầu hóa. Chính phủ mấy năm nay đã chỉ đạo ráo riết việc tăng cường đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp với các nước.

Có cơ chế hợp tác thì việc thực hiện sẽ trôi chảy hơn.

Trong trường hợp của chị, không phải không có lối thoát. Năm 2011, Bộ Tư pháp, Ngoại giao, Tòa án tối cao đã ký thông tư liên tịch số 15 về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp, thì sau 6 tháng kể từ ngày Bộ Tư pháp gửi hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ lần thứ 2 cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc cho Bộ Ngoại giao mà vẫn không nhận được thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp thì Tòa án sẽ căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được để giải quyết vụ việc mà không phải tiếp tục yêu cầu ủy thác tư pháp.

Theo thông tư này, chị nên làm lần thứ 2, nộp hồ sơ cho tòa án, tòa sẽ thực hiện ủy thác.

Bạn Trí Dũng (tridung14@....com) hỏiĐến khi nào, theo Bộ trưởng, Luật Việt Nam mới có thể áp dụng hình thức truy tố đến cùng người phạm tội (tham nhũng, lợi dụng chức vụ gây hậu quả nghiêm trọng, làm sai gây hậu quả nghiêm trọng…) cho dù người đó đã nghỉ hưu, chuyển công tác hay sức khỏe yếu…(trừ khi người đó chết đi thì mới không bị truy tố nữa).

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Cảm ơn câu hỏi của anh Trí Dũng, một câu hỏi thú vị. Tình trạng tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng đang là vấn nạn gây bức xúc xã hội. Trong ngăn ngừa và trừng trị tội phạm liên quan đến chức vụ, tham nhũng, Đảng và Nhà nước ta đã và đang có nhiều chủ trương, giải pháp để phòng, chống và xử lý những đối tượng phạm các tội này trên tinh thần nghiêm minh. Pháp luật hình sự của Nhà nước ta qua những lần sửa đổi cũng đã quy định theo hướng xử lý nghiêm khắc hơn những tội phạm về chức vụ nói chung, đặc biệt là nhóm tội phạm liên quan đến tham nhũng. Nhà nước ta cũng đã tham gia Công ước quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Kết quả xử lý nhóm tội phạm trên thời gian qua được đánh giá là khá tốt.

Tuy nhiên, vấn đề ông hỏi liên quan đến quy định của pháp luật hình sự về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Pháp luật của tất cả các nước đều quy định về thời hiệu; vấn đề là dài hay ngắn. Không có nước nào quy định vô thời hạn.

Bộ luật hình sự nước ta đã xác định rõ thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng hoặc cố ý làm trái các quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng là từ 10 năm đối với các tội nghiêm trọng, 15 năm đối với các tội rất nghiêm trọng, 20 năm đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng, tính từ ngày tội phạm được thực hiện.

Việc nghỉ hưu, chuyển công tác hay sức khỏe yếu... như ông nêu, đều không được coi là lý do, điều kiện miễn trách nhiệm hình sự. Những trường hợp vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự bình thường. Bộ luật hình sự cũng quy định, nếu người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính vào thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự nói trên.

Tuy nhiên, câu hỏi của ông cũng đặt ra vấn đề cần suy nghĩ, thảo luận tới đây trong quá trình xây dựng dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã được Quốc hội đưa vào Chương trình và tôi nghĩ sẽ có rất nhiều ý kiến xung quanh việc này.

Độc giả La Khắc Hiếu ở Trần Khát Chân, Hà Nội và một số độc giả khác: “Tôi không hiểu tại sao chúng ta không thể làm ra những chính sách, những bộ luật có đời sống lâu dài. Nhiều chính sách đang là dự thảo cũng đã trở nên lỗi thời. Như vậy, nhiều khi cách làm luật của chúng ta gây khó dễ cho doanh nghiệp, người dân. Nó giống như tình trạng quy hoạch treo vậy, nói là quy hoạch nhưng 20 năm cũng chưa thấy xây dựng, người dân không dám làm nhà, không dám kinh doanh để sống” Bộ trưởng nghĩ sao về đoạn thư này?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Rất cám ơn sự  quan tâm của bác. Thực ra thì theo tôi, sự so sánh này là hơi khập khiễng. Một mặt là luật có tuổi thọ của pháp luật ngắn. Mặt khác là quy hoạch quá dài thành "treo". Nhưng tôi rất đồng ý với bác, đúng là cả 2 đều gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp.

Về pháp luật, chúng ta phải chấp nhận một thời kỳ khó khăn, khi kinh nghiệm xây dựng pháp luật của chúng ta mới chỉ có khoảng 25 năm, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa có tiền lệ, rất nhiều việc vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nên pháp luật có nhiều thay đổi.

Trong 30 năm (từ 1945 đến 1976), chúng ta hầu như không đào tạo luật, không phát triển khoa học pháp lý, nên hiện khả năng dự báo, hoạch định và phân tích chính sách cũng như kỹ năng soạn thảo văn bản pháp luật còn hạn chế.

Chính phủ nhận thức rất rõ, việc thay đổi của pháp luật gây nhiều khó khăn cho người dân, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh mà ta đang phấn đấu đảm bảo ổn định.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhất là tư khi Quốc hội ban hành Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật, chúng ta cố gắng các văn bản này mang tính ổn định, không phải sửa đổi bổ sung nhiều. Tuy nhiên, do các văn bản có hiệu lực pháp lý thấp phải tuân thủ qui định của các văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn, nên vẫn tồn tại một số vướng mắc.

Hiện nay cơ hội đã đến, khi Quốc hội quyết định sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992, bộ luật gốc. Đại hội Đảng, các Hội nghị Trung ương cũng đã thống nhất sửa đổi Hiến pháp mang tính ổn định cho một thời kỳ dài.

Với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này, hy vọng chúng ta sẽ có đạo luật gốc phù hợp hơn nữa, làm nền tảng để hoàn thiện và ổn định hệ thống pháp luật của thời kỳ công nghiệp hoá vào năm 2020.
 

BTV: Lợi ích nhóm là kẻ thù của sự phát triển chung của xã hội. Vậy trong xây dựng Luật, có khi nào lợi ích nhóm len lỏi vào được không? Thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Có lẽ tôi xin được tranh luận lại là cần có cách tiếp cận với lợi ích nhóm cho phù hợp. Trong một xã hội đông đảo, nhiều nhóm khác nhau, cho nên cũng có những lợi ích nhóm cần thống nhất kỹ, khi xây dựng pháp luật.

Ý lợi ích nhóm là kẻ thù của sự phát triển chung, chúng ta nên có cách nhìn từ 2 phương diện này.

Vì thế, Quốc hội ban hành Luật cũng yêu cầu, khi dự thảo cần lấy ý kiến, bắt buộc đăng trên website trong 2 tháng, nhất là nhóm dân cư chịu thiệt thòi càng cần chú trọng.

Tôi lấy ví dụ như trẻ em, phụ nữ cũng có thiệt thòi nhất định so với nam giới. Chúng ta cần rất chú ý nghiên cứu. Qua đó, tạo sự đồng thuận.

Xin nói rằng, trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có nhiều giải pháp tránh lợi ích nhóm.

Thứ nhất, tổng kết rất công khai minh bạch. Khi ban hành văn bản mới phải công khai.

Ban soạn thảo có đại diện liên ngành, thậm chí có các nhà khoa học, các nhóm khác nhau tham gia. Rồi đăng website lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra cũng là 1 tập thể.

Quốc hội chúng ta cũng làm như thế, 500 đại biểu từ các vùng miền, ngành nghề, giới... Nên len lỏi lợi ích nhóm cản trợ sự phát triển của đất nước, mang lại lợi ích cho 1 nhóm nào đó trong công tác xây dựng pháp luật là khó.

Tóm lại, theo tôi, quy trình làm luật hiện nay đã và đang đi theo hướng ngày một công khai, minh bạch hơn như đa dạng hóa thành phần tham gia Ban soạn thảo; thực hiện đánh giá tác động của từng chính sách đối với các nhóm xã hội có lợi ích khác nhau; tăng cường tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi của người dân, ý kiến phản biện xã hội một cách dân chủ, công khai. Nếu làm tốt các khâu này, theo tôi sẽ hạn chế khả năng “len lỏi, tác động chui” của một nhóm lợi ích nào đó.

Độc giả Khánh Ngân (Trần Hưng Đạo, thành phố Cà Mau): Cũng liên quan đến vấn đề dư luận gần đây hết sức quan tâm giống như vấn đề hôn nhân đồng tính, đó là chuyện có công nhận mại dâm là một nghề hay không? Ý kiến cá nhân của Bộ trưởng thì sao ạ?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Hiện nay, đang có 2 luồng ý kiến về vấn đề này. Thứ nhất cho rằng nên công nhận mại dâm là một nghề với quy chế quản lý đặc thù. Làm như thế thì sẽ dễ dàng hơn trong việc cung cấp các dịch vụ y tế, ngăn ngừa bệnh lây lan qua đường tình dục, phòng, chống buôn bán phụ nữ và các tội phạm khác liên quan, nhưng đây là vấn đề lớn, liên quan đến truyền thống, đạo đức, văn hóa xã hội. Vì vậy, có luồng ý kiến thứ 2 không đồng tình với quan điểm trên.

Cá nhân tôi cho rằng cần phải tiếp tục có những nghiên cứu rất thấu đáo trên tất cả các phương diện về đạo đức, xã hội, kinh tế, pháp luật và quyền con người thì mới có thể có ý kiến chính thức theo phương án nào.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế, mại dâm là một hiện tượng xã hội và dù muốn hay không thì nó vẫn tồn tại cùng với sự tồn tại của xã hội. Có lẽ đã đến lúc, cần có sự đổi mới trong thái độ đối xử với người bán dâm theo hướng tăng cường các giải pháp kinh tế - xã hội phù hợp hơn là biện pháp mang tính chế tài tư pháp để giải quyết vấn đề. Với việc bỏ biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm trong Luật xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội thông qua cho thấy chúng ta cũng đã có cách nhìn nhận cởi mở hơn về vấn đề xã hội này.

Đây cũng là một nhận thức mới xem người bán dâm như một nạn nhân của xã hội. Cần phải đồng bộ thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế xã hội để giúp những người này thay vì việc chỉ xử phạt tư pháp.

Độc giả Trần Văn Quang ở Diễn Châu, Nghệ An: Hiện nay tình trạng luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa có văn bản quy định chi tiết đang diễn ra làm cho luật, pháp lệnh chậm đi vào cuộc sống. Xin Bộ trưởng cho biết tình hình nợ đọng các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của các Bộ, ngành? Nguyên nhân và giải pháp khắc phục?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Việc chậm hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã tồn tại khá lâu, nhất là với các thông tư liên bộ, liên ngành.

Có nhiều nguyên nhân, từ bản thân các vấn đề giao lại cho Chính phủ là những vấn đề phức tạp; do bộ máy giúp việc cho Bộ trưởng (các tổ chức pháp chế) còn nhiều hạn chế về biên chế, con người.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII và nhiệm kỳ khóa XIII, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt vấn đề này. Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật cũng chỉ rõ, Luật, Pháp lệnh giao hướng dẫn nội dung gì thì chỉ hướng dẫn nội dung đó.

Trước năm 2006, chỉ tính riêng nghị định của Chính phủ đã có khoảng hơn 100 văn bản bị nợ đọng, chiếm 60% văn bản cần ban hành.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành tiến hành nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và có tiến bộ rõ rệt.  Cụ thể là tính đến đến hết tháng 12/2011, chỉ còn tồn đọng 33 trên tổng số 120 văn bản phải hướng dẫn với các văn bản có hiệu lực từ 1/1/2012.

Chậm nhiều nhất ở khâu ban hành các thông tư liên tịch, ngay như Bộ Tư pháp cũng đang nợ một số thông tư. Nguyên nhân là như tôi nói, các vấn đề khó thì được để lại hướng dẫn thi hành.

Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt với việc hướng dẫn các Luật, Pháp lệnh có hiệu lực từ 1/7/2012. 

BTV: Bộ trưởng nghĩ sao khi có Luật đã có hiệu lực nhưng lại chưa thể áp dụng do các cơ quan còn chậm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn. Khoảng “lặng” để chờ hướng dẫn có khi lên tới vài tháng, trong thời gian này thì người dân chính là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất. Cơ quan nào phải chịu trách nhiệm khi chính việc chậm trễ hướng dẫn làm thiệt hại cho xã hội như vậy?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Nếu chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ, thì trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ, ngành có trách nhiệm hướng dẫn thi hành đó. Tôi xin thưa có 1 phần trách nhiệm của Bộ tư pháp, với chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, “gác cổng” cho Chính phủ về tư pháp.

Thứ 2, nếu về các vấn đề cụ thể như vấn đề tiền lương, trợ cấp, chế độ... luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định.

Cái gì đã rõ trong luật phải thực hiện đúng luật. Cái gì phải chờ hướng dẫn mà hướng dẫn chậm so với luật quy định, phải có trách nhiệm hồi tố quy định đó phù hợp với ngày luật có hiệu lực.

Cụ thể trường hợp nào đó, người dân hãy phản ánh với chúng tôi, Bộ Tư pháp sẽ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý trong thẩm quyền của mình.

Một độc giả ở Hà Nội hỏi: Kính thưa Bộ trưởng, các văn bản trái pháp luật của các Bộ, ngành và địa phương đã được Bộ Tư pháp “tuýt còi”, tuy nhiên, đến nay một số Bộ, ngành và địa phương vẫn chưa xử lý. Vậy “thái độ” của Bộ Tư pháp tiếp theo thế nào?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Các văn bản phải được xây dựng theo hệ thống, văn bản cấp dưới không được trái văn bản của cấp trên, đảm bảo nguyên tắc pháp chế. Chính phủ đã có riêng một nghị định về công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Việc thực hiện không đúng các qui định này có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân.

Trong năm 2010, 2011, Bộ Tư pháp đã kiểm tra trên 3.000 văn bản, phát hiện gần 600 văn bản có dấu hiệu sai, về hình thức, thể thức, thẩm quyền ban hành, đặc biệt có 261 văn bản chưa bảo đảm tính hợp pháp về nội dung. Nói “tuýt còi” thì hơi nặng nề, nhưng Bộ Tư pháp đã thông báo và đề nghị cơ quan ban hành văn bản tự kiểm tra, xử lý đối với những văn bản này.

Khi nhận được phản ánh, Bộ đã kịp thời kiểm tra và yêu cầu các địa phương, đơn vị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, một số địa phương đơn vị trong một số trường hợp vẫn thấy rằng lý lẽ của họ là đúng hơn lý lẽ của Bộ Tư pháp.

Nhìn chung, các bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc thực hiện việc tự kiểm tra, xử lý nội dung trái pháp luật của văn bản và thông báo kết quả xử lý cho Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, trong năm 2010 và 2011 vẫn còn 31 văn bản của 7 Bộ và 10 địa phương chưa tổ chức tự kiểm tra, xử lý theo thông báo của Bộ Tư pháp.

Bộ Tư pháp đã đôn đốc và đầu tháng 7 vừa rồi đã có văn bản lần cuối đề nghị các bộ, ngành và các địa phương nói trên thực hiện việc tự kiểm tra, rà soát và xử lý ngay những văn bản đã được thông báo. Sau thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được Công văn, nếu các Bộ, ngành và địa phương không thực hiện việc tự kiểm tra, xử lý, Bộ Tư pháp sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Bạn Trọng Dân hỏi: 

Bạn Trọng Dân hỏi: Thưa Bộ trưởng, gần đây một số địa phương, trong đó có tỉnh Nam Định, UBND đã ban hành văn bản thông báo về việc tuyển dụng công chức tỉnh Nam Định, trong đó nội dung về điều kiện dự tuyển là “... phải có đủ các điều kiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, được đào tạo hệ chính quy tập trung dài hạn tại các trường công lập”. Vậy, xin Bộ trưởng cho biết, với nội dung Thông báo về điều kiện tuyển dụng công chức của UBND tỉnh Nam Định như nêu trên có phù hợp với pháp luật cán bộ, công chức hay không. Trường hợp này, Bộ Tư pháp đã kiến nghị xử lý như thế nào?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Nội dung thông báo về điều kiện tuyển dụng công chức của UBND tỉnh Nam Định như bạn nêu có điểm không phù hợp với quy định của Luật Giáo dục. Cụ thể theo Luật thì văn bằng, chứng chỉ do trường dân lập, trường tư thục, trường công lập cấp có giá trị pháp lý như nhau.

Văn bản thông báo này không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét và theo tôi được biết, Bộ Nội vụ đã có Công văn gửi các bộ, ngành và các tỉnh để rút kinh nghiệm về vấn đề bạn nêu.

BTV:  Thưa Bộ trưởng, qua vụ việc bà Liễu có thể thấy hiện nay số lượng việc thi hành án dân sự tồn đọng hiện còn rất lớn là sự thật, đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng và cách giải quyết vấn đề việc thi hành án dân sự tồn đọng hiện nay như thế nào, vì chính lượng án tồn đọng này là nguyên nhân gây bức xúc lớn cho nhân dân, dẫn đến tình trạng nhiều vụ án khiếu kiện kéo dài?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Trước hết, cần phải thấy rằng công tác thi hành án dân sự thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, từ thể chế, tổ chức bộ máy, cán bộ đến kết quả thi hành án, trong đó có việc giải quyết án tồn đọng.

Phải nói là việc tồn đọng thi hành án dân sự có rất nhiều lý do, có lý do từ bản thân các quy định pháp luật chưa phù hợp. Tôi lấy ví dụ như trước đây có quy định của Bộ luật hình sự là không những xử phạt về hình sự người sử dụng ma túy, người nghiện mà thậm chí còn phạt đến 20 triệu đồng, nhưng những người sử dụng ma túy thì không có tài sản để có thể thi hành.

Có lý do khác là bản án tuyên nhiều khi không phù hợp với thực tế, không rõ. Câu chuyện khác là bản thân chủ quan của người thi hành án như trường hợp của bà Liễu, người có trách nhiệm, có khả năng thi hành nhưng không thi hành.  Tôi cũng xin nói thêm, trong nhiều năm công tác thi hành dân sự của chúng ta chưa được quan tâm đúng mức, mãi đến năm 1993, công tác thi hành án dân sự mới bắt đầu được chuyển sang hệ thống của Chính phủ để có chỉ đạo thực hiện. Trước đó, tòa án chỉ đạo thực hiện thi hành án dân sự, có những việc tồn đọng nhiều năm.    

Nhận thức được việc này, khi soạn thảo để trình Quốc hội thông qua luật thi hành án dân sự vào năm 2008, Chính phủ đã có chỉ đạo để xây dựng Nghị quyết của Quốc hội giảm một phần việc này. Khi trình dự án Luật THADS, Chính phủ đã đề nghị, được Quốc hội chấp nhận cho xóa một số lượng án tồn đọng. Đồng thời, trong phạm vi thẩm quyền của mình, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các cơ quan THADS thực hiện nhiều giải pháp. Nhờ đó, từ năm 2009 đến nay, đã giảm được khoảng 1/4 lượng án tồn đọng. Tuy vậy, số lượng án tồn đọng vẫn còn nhiều (trên 200 nghìn việc).

Để khắc phục tình trạng này, trước mắt Bộ Tư pháp đang triển khai thực hiện các giải pháp chủ yếu sau đây:

- Xây dựng, trình Chính phủ để trình Quốc hội Đề án miễn thi hành đối với những khoản thu cho Ngân sách Nhà nước không thu được tính đến ngày Luật THADS có hiệu lực (ngày 1/7/2009), dự ước sẽ giảm được khoảng gần 50 nghìn việc.

- Chỉ đạo toàn Ngành THADS tập trung tổ chức thi hành dứt điểm những việc có điều kiện thi hành; tăng cường kiểm tra, giám sát việc phân loại án; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan THA và Chấp hành viên trong tổ chức thi hành án; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với cán bộ, Chấp hành viên cố tình chậm tổ chức thi hành án.

- Tiếp tục tăng cường mối quan hệ phối hợp với Hội đồng nhân dân và Tòa án, Viện kiểm sát, với Ban chỉ đạo THA ở cả cấp tỉnh và cấp huyện...

-  Về lâu dài, Bộ Tư pháp đang chỉ đạo nghiên cứu đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, kể cả Luật THADS để có thể giải quyết tận gốc những nguyên nhân tiếp tục gây ra sự tồn đọng trong THADS.

Ông Hà Thế Tiến ở Phường Bãi Cháy, TP Hạ Long ngày 20/3/2012 có đơn kiến nghị gửi Bộ trưởng về việc đề nghị xem xét tính chính xác của Thông tư số 70/2011/BGTVT ngày 30/12/2011 của Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia “Quy phạm về ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy nội địa” nhưng đến nay ông vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi của Bộ trưởng.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Thưa độc giả, Bộ Tư pháp đã nhận được kiến nghị của ông gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét một số nội dung của Thông tư số 70/2011/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải.

Qua xem xét cho thấy, đây là một kiến nghị rất tâm huyết với Hạ Long, di sản thế giới, kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Qua kiểm tra, chúng tôi thấy Thông tư số 70/2011/TT-BGTVT quy định về quy chuẩn kỹ thuật, Bộ Tư pháp không có chuyên môn trên lĩnh vực này.

Bộ đã chỉ đạo nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia và các cơ quan, đơn vị hữu quan khác rà soát, xem xét và sớm thông báo kết quả để Ông biết.

Trường hợp văn bản mà ông phản ánh được kết luận là có nội dung trái pháp luật, thì Bộ Tư pháp sẽ xem xét, xử lý theo quy định.
 
BTV:Với gần 2 tiếng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã trả lời khá nhiều thắc mắc cụ thể của người dân. Những câu hỏi mà Bộ trưởng chưa có điều kiện trả lời tại cuộc đối thoại, các vụ, cục chức năng của Bộ Tư pháp sẽ trả lời và đăng tải câu trả lời trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Một lần nữa xin cảm ơn Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã tham gia và chủ trì cuộc đối thoại. Xin cảm ơn sự theo dõi của quý vị , xin chào và hẹn gặp lại.

Chinhphu.vn