1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải trình việc “gộp” 7 loại giấy phép xả thải

Phương Thảo

(Dân trí) - Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, tích hợp 7 loại giấy tờ cấp phép về môi trường do nhiều Bộ khác nhau quản lý trong 1 giấy cấp phép xả thải do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp là cần thiết…

Báo cáo một số vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự luật luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách hôm nay, 4/9, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Pham Xuân Dũng đề cập nội dung tích hợp 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính về môi trường trong một giấy phép chung do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.

Cụ thể, 7 loại giấy tờ đề nghị hợp nhất gồm giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (quy định tại Luật Tài nguyên nước); Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (quy định tại Luật Thủy lợi); giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; giấy phép xử lý chất thải nguy hại; sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; Giấy phép xả khí thải công nghiệp.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải trình việc “gộp” 7 loại giấy phép xả thải - 1
Các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách họp, cho ý kiến về dự luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Do chưa thống nhất, UB Thường vụ Quốc hội trình 2 phương án xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Phương án 1: theo đề xuất của Chính phủ như trong dự thảo luật. Phương án 2: vẫn có giấy phép “xả nước thải vào công trình thủy lợi” như quy định trong luật Thủy lợi hiện hành.

Ông Dũng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật) cho rằng, tích hợp theo phương án 1 sẽ giúp đơn giản thủ tục hành chính, vì các giấy phép nói trên đều được cấp dựa vào báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); nội dung quản lý nước thải trong các giấy phép này cũng cơ bản giống nhau.

Tuy nhiên, những người ủng hộ phương án 2 nêu vấn đề, cơ quan quản lý nhà nước về công trình thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sẽ bảo đảm giám sát thường xuyên, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xả nước thải vào công trình thủy lợi. Nội dung này cũng đã được Thủ tướng đồng ý khi xây dựng luật Thủy lợi vào năm 2017.

Nêu quan điểm đồng tình với phương án 1, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nói, không nhất thiết phải có quá nhiều các loại giấy tờ khi chúng đều được cấp dựa trên báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Hơn nữa, công trình thuỷ lợi là một bộ phận cấu thành của mạng lưới tài nguyên nước, nên việc quy định nhiều cơ quan quan cấp phép xả thải như hiện nay không bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp.

“Một việc được giao cho nhiều cơ quan thực hiện sẽ gây chồng chéo, khi xảy ra ô nhiễm thì khó quy định rạch ròi về trách nhiệm” - bà Khánh nói và dẫn chứng, luật Thuỷ lợi ban hành đã 3 năm, song ô nhiễm ở công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, hệ thống sông Tô Lịch, sông Nhuệ Đáy vẫn là nỗi nhức nhối của người dân thủ đô và các tỉnh lân cận.

Báo cáo giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, với mục tiêu hướng đến một bộ luật mang tính tổng thể, thống nhất về môi trường, Bộ đã nghiên cứu để đưa các quy định đang rải rác, phân tán về trong các luật khác vào dự thảo luật.

Để bảo đảm mục tiêu đó, dự thảo Luật đã phân định nhiệm vụ của các cơ quan dựa trên nguyên tắc “một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện” và “những việc liên quan đến nhiều cơ quan cùng thực hiện thì phải xác định rõ cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính; thẩm quyền của cơ quan phối hợp; cơ chế phối hợp”.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Tài nguyên nước 2012 và Luật Thuỷ lợi 2017, sau khi dự án được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM và trước khi vận hành chính thức, chủ dự án phải tiến hành nhiều thủ tục hành chính về môi trường và lĩnh vực liên quan.

Cụ thể, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có: Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, Giấy phép xử lý chất thải nguy hại, Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, Giấy phép xả khí thải công nghiệp. Còn lĩnh vực tài nguyên nước và thủy lợi có: Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (theo quy định tại Luật Tài nguyên nước), Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (theo quy định tại Luật Thủy lợi).

Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải trình việc “gộp” 7 loại giấy phép xả thải - 2
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định việc tích hợp 7 loại giấy phép trong 1 là cần thiết.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thực tiễn cấp giấy phép, giấy xác nhận về bảo vệ môi trường, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi trong thời gian qua đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập.

Đó là nội dung quản lý nước thải trong các giấy phép nêu trên là giống nhau (đều yêu cầu về công trình xử lý, quy trình vận hành và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường). Do đó, riêng 1 đối tượng xả nước thải hiện đang phải chịu 2 thủ tục hành chính có nội dung tương đồng. Thực tế đã xảy ra trường hợp yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước chưa thống nhất tại các giấy phép này, làm doanh nghiệp lúng túng trong quá trình thực hiện, chấp hành nội dung của giấy phép.

Bên cạnh đó, thực tế hoạt động xả thải của doanh nghiệp trên 1 đoạn sông (do cơ quan quản lý nhà nước về công trình thủy lợi quản lý) nhưng có thể tác động đến cả lưu vực (do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường quản lý).

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, theo quy định, các loại giấy phép, giấy xác nhận này là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và đây là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Cùng với việc quy định 1 loại giấy phép môi trường nêu trên, dự thảo Luật đã quy định cụ thể về trách nhiệm chủ trì, cơ chế tham gia phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường với cơ quan quản lý về công trình thủy lợi. Theo đó, cơ quan quản lý công trình thủy lợi sẽ tham gia ngay từ đầu trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM để dự án triển khai, cho đến khi cấp giấy phép môi trường để dự án đi vào hoạt động.

Dự thảo Luật cũng quy định nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM cũng như nội dung giấy phép môi trường đối với các dự án này phải có đánh giá và biện pháp bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường đối với công trình thủy lợi.