1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ trưởng Thăng “phản ứng” việc đại biểu QH “chê” phí lưu hành

(Dân trí) - Cho rằng một số đại biểu quốc hội như từ “trên trời rơi xống” khi nói với báo giới là không đồng tình với đề xuất thu phí lưu hành, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khẳng định sẽ có văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo về việc này.

Đó là ý kiến của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại Hội nghị Tổng kết ngành Giao thông Vận tải năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012 (GTVT).
 
Bộ trưởng Thăng “phản ứng” việc đại biểu QH “chê” phí lưu hành - 1
Bộ trưởng Đinh La Thăng

Bộ trưởng Thăng cho biết: “Quốc hội đã nghe các giải pháp Chính phủ báo cáo và ra Nghị quyết cần triển khai để giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc nhưng khi Bộ GTVT đề xuất thu phí lưu hành phương tiện và phí tắc nghẽn thì một số đại biểu Quốc hội lại phát biểu rằng cần phải xem lại... Chính họ thông qua chủ trương này tại Quốc hội rồi sau đó họ lại lên tiếng phản đối”.

“Nghị quyết này được gửi trước cho Ban Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đều có quyền tham gia xem xét sau đó biểu quyết thông qua. Từ Nghị quyết này Bộ GTVT trình đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng các đại biểu Quốc hội, thậm chí các vị là Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội cứ như “từ trên trời rơi xuống” khi phát biểu với báo chí là phản đối và không đồng tình với đề xuất thu phí lưu hành. Điều này chứng tỏ tại Quốc hội các đại biểu thông qua mà chả đọc gì về Nghị quyết này cả, tôi rất buồn. Tôi nghĩ các đại biểu cần có trách nhiệm chung vì đây là chủ trương của Đảng, của Quốc hội” - Bộ trưởng Đinh La Thăng bức xúc.

Cũng tại Hội này, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia làm văn bản báo cáo Thường vụ Quốc hội về việc một số đại biểu Quốc hội không đồng tình với đề án thu phí lưu hành phương tiện.

“Tôi cho rằng cần phải ủng hộ chủ trương, còn cụ thể thực hiện như thế nào, mức phí ra sao thì có thể bàn tiếp. Nếu chúng ta không thực hiện giải pháp đột phá này thì không thể giải quyết được ùn tắc tại đô thị, cũng không có nguồn lực để tái đầu tư. Hiện nay, kể cả việc đầu tư bảo trì những tuyến đường đã có, đã là gánh nặng lên ngân sách và thực tế thì mới đáp ứng chưa được 75%. Nếu không có giải pháp đột phá thì không thể cải thiện được tình hình giao thông.

Chính phủ không thể bao cấp mãi, nếu anh có ôtô thì phải đóng góp cho hạ tầng, nhà nước không thể bỏ tiền ra làm hạ tầng giao thông cho người đi ôtô, trong khi có nhiều người khác phải đi bộ. Ai sử dụng nhiều đóng nhiều, ai sử dụng ít đóng ít, ai không sử dụng không phải nộp tiền” - Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết cơ sở để đưa ra mức phí lưu hành là từ các Nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội về các giải pháp đồng bộ nhằm chống ùn tắc, kiềm chế tai nạn giao thông; ngoài ra cơ sở này cũng được tham khảo từ kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới.

Với đề xuất thu phí lưu hành phương tiện trình Chính phủ, Bộ trưởng Thăng cho rằng xe máy có mức phí tối thiểu là 500.000 đồng, tức là mỗi tháng chỉ phải đóng chưa đầy 50.000 đồng/xe là hoàn toàn phù hợp; còn mức phí 1 triệu đồng áp dụng với xe có có dung tích xilanh từ 175 phân khối trở lên - là xe một số người sành điệu sử dụng. Đối với ô tô, mức phí 20 triệu đồng mỗi năm cho xe loại bình thường, xe càng nhiều tiền với dung tích xi lanh lớn thì ảnh hưởng tới môi trường nhiều hơn, tất nhiên phải thu phí cao hơn nên mức phí ôtô cao nhất là 50 triệu là phù hợp với tình hình đời sống hiện nay.
 
Quỳnh Anh