1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ trưởng ngoài Đảng: Tại sao không?!

(Dân trí) - Tại Đại hội Đảng X, có 3 vấn đề “nóng” được đề cập nhiều lần cả trong và ngoài diễn đàn: Một là khẳng định Đảng là của toàn dân tộc Việt Nam. Hai là phát huy trí tuệ của toàn dân tộc và ba là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Từ 3 vấn đề trên, một câu hỏi lớn được đặt ra với công tác tổ chức, đó là nên hay không nên bổ nhiệm những người ngoài Đảng có đức, có tài vào chức vụ lãnh đạo quản lý nhà nước, thậm chí kể cả chức vụ Bộ trưởng hay thành viên Chính phủ, Quốc hội.

Và những câu trả lời mà chúng tôi nhận được qua một số cuộc phỏng vấn chính khách, nhà khoa học lại là một câu hỏi: Tại sao không?

Bộ trưởng ngoài Đảng: Tại sao không?! - 1
Chủ tịch UB MTTQ VN Phạm Thế Duyệt: Không nên quan niệm Bộ trưởng phải là đảng viên

Đã đến lúc, phải trân trọng những người có tài, có đức, những người hết lòng với sự nghiệp đất nước, những người được dân tin, dân yêu để có thể cất nhắc làm các chức vụ cao.

Không nên quan niệm, cứ chức danh Bộ trưởng hay những cán bộ lãnh đạo phải là đảng viên. Trường hợp GS Tôn Thất Bách, Nhà sử học Dương Trung Quốc là những minh chứng rõ nhất cho điều này.

Để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, ngoài huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nội tại hiện có, còn hai lực lượng quan trọng chưa được huy động và khai thác đầy đủ, đó là đảng viên chưa được làm kinh tế tư nhân và hiến tài - nguyên khí quốc gia - chưa được trọng dụng... Mọi người tài dù ở trong hay ngoài Đảng, ở trong hay ngoài nước hết lòng với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì đều được trọng dụng...

Bộ trưởng ngoài Đảng: Tại sao không?! - 2
 GS Phạm Tất Dong: Một quan niệm cứng nhắc

Từ trước đến nay, khi  bổ nhiệm vào các chức vụ đều phải căn cứ vào 2 tiêu chuẩn: Đức độ và Tài năng. Nếu hai tiêu chuẩn này không đạt thì không thể bổ nhiệm được và Nhà nước không ban hành điều luật nào trong đó quy định chỉ bổ nhiệm những đảng viên vào những chức vụ quan trọng.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng mong muốn giải phóng triệt để nguồn lực đất nước để tạo ra sức mạnh chung, không chỉ của người dân trong nước mà cả kiều bào, không chỉ của đảng viên mà cả quần chúng.

 

Nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Trân lo lắng trước việc mua quan bán chức. Ông băn khoăn đến một ngày nào đó “bộ máy toàn là những người mua quan bán chức cả thì hỏng hết! Tham ô, các thứ tệ nạn cũng từ đấy mà ra. Đây là lỗi hệ thống. Để thế này những nhân tài bật ra hết bởi vì nhân tài không mua quan bán chức”.

Theo tôi, người ngoài Đảng và người trong Đảng chỉ khác nhau ở chỗ, người trong Đảng tự nguyện tuân thủ điều lệ Đảng, phấn đấu theo lý tưởng cộng sản. Cán bộ, nhân viên ngoài Đảng là những công dân, họ là những nhà kinh doanh, nhà khoa học, thầy giáo hoặc thầy thuốc, là những chiến sĩ trong quân đội... Họ không lấy việc trở thành đảng viên là một mục tiêu tối thượng.

Người trong Đảng và người ngoài Đảng không có sự khác biệt về đức độ, tài năng. Có vấn đề này người trong Đảng giỏi hơn nhưng ở vấn đề khác thì người ngoài Đảng lại giỏi hơn. Trong giai đoạn phát triển hiện nay, ở các cương vị quan trọng của Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận... nên có cả những người trong Đảng và những người ngoài Đảng.

Bộ trưởng ngoài Đảng: Tại sao không?! - 3
 Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận: Người Việt Nam ở nước ngoài cũng được giữ trọng trách

Cần đổi mới về công tác tổ chức cán bộ, cụ thể như chức danh Bộ trưởng không nhất thiết phải là uỷ viên TƯ, thậm chí có thể không là đảng viên. “Đây là điều mà lẽ ra chúng ta phải làm từ lâu rồi. Đảng và Nhà nước ta nên tạo điều kiện cho những người  có đức có tài, kể cả những người Việt Nam sống ở nước ngoài có tâm huyết với đất nước nắm giữ một số trọng trách để họ phát huy tài năng phục vụ Tổ Quốc...

Tôi nói cho rõ thêm rằng, không phải đến bây giờ chúng ta mới đặt ra vấn đề này. Đây là điều Bác Hồ đã từng làm cách đây hơn 60 năm. Và trong những ngày tháng ngàn cân treo sợi tóc của những ngày đầu độc lập, rất nhiều trí thức Việt kiều về nước được trọng dụng như Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ...” - Ông Thuận nói.

Bộ trưởng ngoài Đảng: Tại sao không?! - 4
 GS. Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng: Ai có đức, có tài thì được giao

Ai có đức, có tài thì được giao trọng trách. Đây là điều kiện quan trọng giúp Đảng và Nhà nước ta có được một đội ngũ cán bộ mà phần đông là tốt, qua đó thực hiện thắng lợi nhiều chính sách xã hội.

Tuy nhiên trong thực tế công tác tuyển chọn cán bộ tuy chặt chẽ nhưng còn không ít thiếu sót và khuyết điểm mà nguyên nhân là do thiếu sự kiểm tra, giám sát, thiếu đôn đốc và ngay một số cơ sở Đảng cũng bao che.

Bảo là do dân, vì dân, nhưng tại sao trong đội ngũ cán bộ do Đảng đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt lại có những con người tham nhũng một cách kỳ lạ mà một bữa ăn của họ bằng cả một gia tài của một người dân...

Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng không cứ phải là đảng viên hay Uỷ viên Trung ương mới được đề bạt vào những chức vụ quan trọng. Bởi cứ như lâu nay đã có nhiều người nghĩ rằng có sự phân biệt giữa người trong Đảng và ngoài đảng, không tận dụng được những người thật sự hiền tài.

Bộ trưởng ngoài Đảng: Tại sao không?! - 5
 Bộ trưởng Nội vụ Đỗ Quang Trung: Bộ trưởng không nhất thiết phải là đảng viên

Không nhất thiết phải là đảng viên và điều này đã đặt ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Cái khó nhất là đánh giá cán bộ sao cho công tâm, khách quan trên cơ sở công việc.

Người ta thường nể nang, né tránh, không dám đấu tranh. Cuối cùng chọn cách bỏ phiếu mà những anh hăng hái đấu tranh thì phiếu thấp. Công tác xây dựng Đảng mà hư hư thực thực thì rất nguy hiểm.

Bộ trưởng ngoài Đảng: Tại sao không?! - 6
 TGĐ Tập đoàn Công nghiệp Than  - Khoáng sản Đoàn Văn Kiển: Nên tổ chức thi tuyển Bộ trưởng

Về công tác tổ chức cán bộ, tôi cứ băn khoăn mãi sao chúng ta không học ngay cha ông mình, đó là tổ chức thi tuyển một cách nghiêm túc, không chỉ với công chức mà với cả các vị trí lãnh đạo cấp chiến lược.

Ví như vị trí Bộ trưởng, sao không để cho nhiều người tài, có năng lực phẩm chất thi tuyển. Ngược lại, ta lại không những không thi mà dựa vào nhận xét đánh giá chủ quan, thậm chí áp đặt của một số người.

Nhóm PV (thực hiện)