1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ nào xài ngân sách lãng phí, bộ trưởng phải chịu trách nhiệm!

Giá cả leo thang và các khoản chi vượt dự toán lớn là hai chủ đề nóng bỏng tại Quốc hội, khi thảo luận về vấn đề ngân sách. Nhiều đại biểu đã gay gắt yêu cầu Bộ Tài chính phải giải trình rõ.

Bên hành lang Quốc hội, chiều 21/10, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng đã trả lời báo giới.

Tại phiên thảo luận về ngân sách nhiều đại biểu đề nghị Bộ Tài chính làm rõ những khoản chi vượt dự toán, trong đó có các khoản chi hội nghị, hội thảo. Ông giải trình thế nào?

Ngân sách bây giờ đã phân cấp, các bộ, tỉnh được phân bổ bao nhiêu là Quốc hội quyết định. Bộ nào, địa phương nào sử dụng lãng phí chịu trách nhiệm. Bộ Tài chính chỉ kiểm tra, kiểm soát thôi, không thể đi vào cụ thể từng khoản chi của các bộ, ngành.

Vậy với những cuộc họp vô bổ, lãng phí ai sẽ phải chịu trách nhiệm, thưa Bộ trưởng?

Cái khó hiện nay là cơ quan nào đánh giá cuộc họp này là cần thiết, cuộc họp kia là không cần thiết? Vừa qua báo chí cũng đã nêu một số cuộc họp kém hiệu quả, ví dụ lớp tập huấn của Bộ GD&ĐT, cán bộ đến một chút rồi đi chơi. Công luận phải lên tiếng thì cơ quan chức năng mới có thể vào cuộc.

Theo tôi, có thể quy định, là muốn tổ chức hội nghị thì phải có lãnh đạo ngành phê duyệt. Anh lãnh đạo đó quyết định và chịu trách nhiệm mời bao nhiêu người, tổ chức mấy ngày... Ví dụ, tôi cũng đang trình Thủ tướng, ngày 20/11, Họp phân bổ ngân sách toàn quốc, xin triệu tập Chủ tịch, Phó chủ tịch tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Cục thuế để giao nhiệm vụ. Nếu hội nghị đó lãng phí thì tôi phải chịu trách nhiệm.

Liên quan đến giá cả, nhiều đại biểu đặt câu hỏi, tại sao Chính phủ lại quyết định tăng giá hàng loạt các nguyên liệu đầu vào như xi măng, than, điện trong thời gian đầu năm 2006?

Nếu không cho những ngành này tăng giá, lỗ kéo dài sẽ dẫn tới đổ vỡ. Cái khó hiện nay là tăng giá bao nhiêu. Mức tăng ấy phải đảm bảo 3 vấn đề: ngành đó không bị lỗ, đảm bảo sức cạnh tranh, và không để lãi quá nhiều do tăng giá.

Năm 2005 chúng ta không đạt chỉ tiêu về giữ lạm phát. Năm tới, điện, than lại tăng giá, làm thế nào để kiểm soát lạm phát?

Vấn đề quan trọng nhất là không làm mất cân đối cung - cầu, đặc biệt là than, điện, xi măng, phân bón... Tiếp đến là công tác điều hành tăng trưởng. Việc điều chỉnh chính sách về giá cả trong năm tới phải rất mềm dẻo. Tất nhiên, nếu ta có thể đẩy mức tăng trưởng GDP năm 2006 đến 10% thì cũng có thể chịu mức tăng giá tiêu dùng cao hơn mức tăng GDP 8%.

Riêng tiền lương chúng ta vẫn phải tăng nhưng tiền cho đầu tư phát triển, tín dụng ngân hàng bỏ ra phải hợp lý.

Là người phụ trách ngành tài chính, Bộ trưởng nghĩ gì trước những chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc thất thu thuế quá lớn?

Thuế bao giờ cũng thất thu vì 100 doanh nghiệp làm ăn thì bao giờ cũng có vài doanh nghiệp không được nghiêm túc lắm. Người kinh doanh cũng vậy, đa phần hiểu được nghĩa vụ của công dân, làm ăn thì phải nộp thuế, nhưng dù sao vẫn không thể tránh khỏi một số trường hợp cá biệt trốn lậu thuế.

Vì vậy, chúng ta vẫn phải tăng cường thực hiện nghiêm túc việc thu thuế trong thời gian tới để tránh thất thu ngân sách nhà nước. Hiện nay, các biện pháp chống thất thu đã bắt đầu phát huy hiệu quả và tình trạng thất thu đang giảm dần.

Thưa ông, với cam kết sẽ cắt giảm nhiều dòng thuế trong thời gian tới thì ngân sách nhà nước sẽ phải nhắm đến nguồn thu chủ yếu nào?

Trước mắt, chúng ta vẫn còn một số khoản thuế để thu, ví dụ như khu vực ASEAN vẫn còn từ 0 đến 5%, một số mặt hàng vẫn còn mức thuế cao như nhập khẩu ôtô, rồi một số mặt hàng tiêu dùng cao cấp. Nhưng về chiến lược lâu dài, chúng ta phải đẩy mạnh sản xuất nội địa.

Năm nay, Chính phủ đã thiết kế một ngân sách theo hướng tăng thu hàng hoá nội địa. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước sẽ tăng tới 12%, khu vực đầu tư nước ngoài tăng 35%; khu vực ngoài quốc doanh tăng 23%... 

Theo Việt Anh
Vnexpress