1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bình Dương và TPHCM cùng phối hợp chống “đinh tặc”

(Dân trí) - Sau khi những điểm “nóng” về nạn “đinh tặc” được khoanh vùng, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương và TPHCM đã phối hợp nhập cuộc với quyết tâm truy quét, xử lí triệt để loại hình tội phạm này.

Bình Dương và TPHCM cùng phối hợp chống “đinh tặc” - 1

Nạn “đinh tặc” đang là vấn đề nhức nhối của xã hội

Mở đầu cho chiến dịch, Đội Phòng chống rải đinh thuộc quận đoàn Thủ Đức (TPHCM) đã phối hợp với Đội An toàn giao thông và dịch vụ công ích thuộc lực lượng Thanh niên xung phong tỉnh Bình Dương đi hút đinh trên một số điểm “nóng” tại quốc lộ 1A.

Đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu vượt Sóng Thần được xác định là điểm “đinh tặc” lộng hành mạnh nhất. Hàng trăm miếng đinh sắt tự chế đã được máy hút đinh “ăn” gọn.

Đồng thời, UBND TPHCM đã có văn bản giao Công an TP chỉ đạo công an các quận huyện phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra, xác định các địa điểm, tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng “đinh tặc” để kịp thời truy quét, xử lý; đồng thời khen thưởng cho những tổ chức, cá nhân phát hiện, thông báo, ngăn chặn, truy bắt, xử lý các đối tượng vi phạm.

Bên cạnh đó, UBND quận Thủ Đức đã chỉ đạo các phường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động các điểm vá xe có phép và không phép trên địa bàn. Qua thống kê, tại phường Linh Trung có 38 điểm vá xe, phường Linh Xuân 19 điểm, Tam Bình 22 điểm, Bình Chiểu 24 điểm, hầu hết các điểm vá xe trên không có giấy phép. Bước đầu, cơ quan chức năng phường Tam Bình đã xử lý 4 điểm vá xe tự phát.

Chỉ trên quốc lộ 1A, từ cầu vượt Trạm 2 đến cầu vượt ngã tư Bình Phước có tới 120 tiệm vá xe, chưa kể 15-20 đối tượng vừa hành nghề xe ôm vừa kiêm vá xe dạo.

Bình Dương và TPHCM cùng phối hợp chống “đinh tặc” - 2

Một nhóm “đinh tặc” sa lưới

Tại Bình Dương, điểm “nóng” “đinh tặc” trên quốc lộ 13 (đoạn chạy qua xã Thới Hòa, huyện Bến Cát) cùng được kiểm tra toàn diện. Khảo sát thực tế cho thấy, sau khi “đinh tặc” Phạm Văn Cảnh cùng vợ bi bắt, nhiều tiệm vá sửa xe nơi đây đã đóng cửa tạm nghỉ để chờ thời, có nhiều điểm tự trả mặt bằng chuyển đi nơi khác.

Theo thống kê của UBND xã Thới Hòa, trước đây trên địa bàn xã chỉ có 12 tiệm sửa xe do người dân địa phương mở ra kinh doanh. Tuy nhiên, đầu năm 2011 đến nay, số lượng các tiệm sửa, vá xe gắn máy tăng đột biến. Chỉ tính riêng số tiệm có bảng hiệu đã lên tới 25 tiệm, còn những tiệm không biển hiệu (chỉ treo vỏ, ruột xe làm hiệu) thì lên đến hàng chục tiệm.

Đặc biệt, từ đoạn khu du lịch Đại Nam đến thị trấn Mỹ Phước (dài khoảng 7km) có khoảng 100 tiệm sửa, vá xe, nhưng hơn 50% hoạt động “chui”. Trước thực trạng này, cơ quan chức năng xã Thới Hòa buộc các điểm sửa xe phải kí cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật.

Trung Kiên