1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TT-Huế:

Biển khoét sâu vào bờ, nguy cơ hình thành cửa biển mới

(Dân trí) - Sau cơn bão số 4 kèm lũ và triều cường, nhiều đoạn bờ biển tại tỉnh TT-Huế đã bị khoét sâu vào đất liền gây nguy hiểm đến người dân, kể cả nguy cơ hình thành cửa biển mới.

Theo thống kê từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh TT-Huế, ảnh hưởng của bão số 4 đã gây ra gió mạnh cấp 7, giật cấp 8 kèm theo triều cường làm sạt lở nặng đường bờ 300m, biển ăn sâu vào bờ từ 10m đến 30m tại bờ biển khu vực thôn Thai Dương Hạ Nam (xóm Ghềnh, xã Hải Dương, huyện Hương Trà).

Biển khoét sâu vào bờ, nguy cơ hình thành cửa biển mới - 1

Trong 1 thời gian ngắn, nhiều đoạn bờ tại xã Hải Dương, huyện Hương Trà đã bị biển “ngoạm” vào đến 30m

Việc biển khoét sâu vào bờ đã ảnh hưởng đến 100 hộ dân sinh sống tại khu vực này đồng thời có nguy cơ mở của biển mới thông vào phá Tam Giang. Vì tại vị trí này chiều rộng của dải đất tính từ biển đến đầm phá chỉ còn lại  vỏn vẹn khoảng 70m.

Trong ngày 27/9, sóng biển vẫn tiếp tục đánh mạnh vào bờ làm sạt lở nhiều mảng bờ biển ở thôn Thai Dương Hạ Nam. Hiện rừng phi lao phòng hộ 20 năm tuổi đã bị sóng biển “bứng” gốc hơn một nửa. Trước đó 56 hộ dân bị sóng biển xâm thực tại đây đã phải di dời đến khu tái định cư mới.

Ngày 26/9, vì sóng biển ăn sâu vào bờ hơn 20m nên 17 hộ dân đã phải di dời khẩn cấp.

Biển khoét sâu vào bờ, nguy cơ hình thành cửa biển mới - 2

Nhiều diện tích rừng phi lao phòng hộ tại biển Hải Dương không còn vì sóng biển. Nguy cơ sẽ hình thành thêm 1 cửa biển

Theo Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh TT-Huế, trên toàn tỉnh có hơn 8km đường bờ biển bị sạt lở. Riêng đường bờ sông đã sạt lở trên 70km chủ yếu dọc theo sông Bồ, sông Hương, sông Truồi, sông Ô Lâu. Đặc biệt là đường bờ thuộc hệ thống sông Hương đã sạt lở nặng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan và di tích văn hóa lịch sử như các lăng vua chúa, đền thờ, miếu mạo, chùa cổ...

Biển khoét sâu vào bờ, nguy cơ hình thành cửa biển mới - 3
Tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), biển đã tiến sát vào gần thềm nhà một số hộ nên buộc phải di tản dân (ảnh: Tuổi Trẻ)

Sau cơn bão số 4, tỉnh TT-Huế đã có 2 người chết vì chèo ghe mưu sinh trên sông trong trời mưa to gió lớn. Có 3 người bị thương do giằng chống nhà phòng chống bão và bị ngã; hiện điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Vì mưa lớn nên dù đã thu hoạch lúa xong cơ bản khoảng 90% nhưng người dân không thể phơi lúa được. 1.200 tấn lúa bị lên mộng hư hỏng, ước tính số lúa thiệt hại khoảng 30% tổng số lúa thu hoạch. Tại huyện Phú Lộc có 610 ha sắn bị ngập và đổ ngã, ước thiệt hại 30% ; 85 ha rau màu các loại bị ngập và 80 ha cá nước ngọt bị ngập, thiệt hại khoảng 80 tấn.

Vào tháng 11/1999, tại tỉnh TT-Huế xảy ra một trận lụt lịch sử thuộc dạng lớn nhất nước với 375 người chết, mất tích, tổng thiệt hại hơn 1.800 tỷ đồng, bằng tổng thu nhập bình quân của tỉnh trong 7 năm liền với dân số 1 triệu người. Lượng mưa lớn liên tục trong hơn 7 ngày đêm, có ngày cao nhất lên đến 2.300mm - cao nhất trong chuỗi số liệu mưa tại Việt Nam hơn 100 năm qua. Nước lũ đã cuốn trôi làng Hòa Duân tại thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) và mở 1 cửa biển mới ở đó.



Đại Dương