1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bích đào làng đồi Mỹ Lộc

(Dân trí) - Cách Ngã ba Đồng Lộc chừng 2km đi vào hướng Hương Khê (Hà Tĩnh), một xứ sở bích đào vùng đồi hẻo lánh đã nhiều năm ngủ yên trong những khu vườn rộng thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, những năm gần đây bỗng nhiên mối buôn tấp nập tìm đến

Đi trên vùng đồi Mỹ Lộc một buổi sớm mai khi màn sương giăng mắc trên những ngọn bạch đàn cao vút, lảng bãng lan tỏa trên ngọn đồi mà người dân bản địa gọi là “rú An Trác”. Nhìn xuống làng, trên con đường ngoằn ngoèo là những đàn trâu bò béo múp. Cánh đồng đang trong vụ Đông Xuân, bà con nông dân tất tả tay cấy, tay cày chuẩn bị đón một cái Tết mới.

 Đất cằn vẫn trồng đào

Tín hiệu mùa Xuân đang về với Mỹ Lộc trên những cây bích đào rụng lá, trơ cành để vào kỳ hé nụ.

Thời tiết năm nay rét đậm rét hại thất thường, Hà Tĩnh duy trì mức nhiệt 16 - 21 độ C từ đầu mùa lạnh, có ngày nhiệt độ dưới 14 độ, trời rét buốt. Những gốc bích đào trơ đi vì thiếu nước, gió lạnh thổi khô rang. Nụ đào còn nằm trong bầu mẹ chừng như không dám nhú ra. Người trồng đào ở đây phải đội cái lạnh thấu xương ra vườn từ sáng sớm để chăm bẵm, ấp ủ tủ ấm cho những bông đào kịp khoe sắc khi xuân sang.

    
    
Ông Thống đang chăm sóc vườn đào.

Hỏi vì sao không trồng những loại cây khác có thu nhập cao hơn, bà Trung - một người trồng đào có diện tích  nhiều nhất vùng này cho biết, trước đây cũng thử trồng các loại cây khác nhưng khí hậu khắc nghiệt, đất cằn, chẳng cây gì tốt tươi. Chuyển sang trồng đào lại thấy hợp. Ông Nhân - chồng bà Trung - cười khoe: “Tiền cả đấy chứ không phải khoai sắn chi mô. Năm trước tui bán được những 27 triệu, năm ni chắc phải hơn”.

Là xã miền núi nên đời sống nhân dân ở đây còn nghèo, đất cằn sỏi đá, hiện nay Mỹ Lộc vẫn là một xã nghèo trong huyện. Từ khi chuyển sang trồng bích đào, cây thích nghi với đất đai và thời tiết nên nhà này bảo nhà kia, bà con thi nhau nhân giống nhiều hơn . Những cây cam, bưởi, chè... còi cọc được chặt đi thay vào đó là những gốc đào gửi gắm niềm tin và hy vọng cho người trồng.
 
Mỹ Lộc hiện hầu như nhà nào cũng trồng đào. Nhà nhiều thì trăm gốc, nhà ít thì năm mười gốc. Được giá thì bán, Tết thêm phong lưu ấm cúng. Xóm Thái Xá 1 là xóm trồng nhiều bích đào nhất. Cả xóm có 167 hộ dân, đã có gần 150 gia đình trồng bích đào. Năm nay mỗi gia đình có khoảng 100- 150 gốc, thu nhập bình quân mỗi dịp Tết từ 28 – 30 triệu.Với số tiền khiêm tốn đó cũng đủ cho bà con có được cái Tết ấm áp, sung túc hơn.
Một gốc vườn đào nhà bà Trung
Một gốc vườn đào nhà bà Trung

Thấy được cái lợi thiết thực từ việc trồng đào bán Tết, hiện nay bà con đang nhân giống thêm để có thể trồng trên vùng đồi An Trác. Giống đào Nhật Tân đã được ông Thống (Thái Xá 1) đưa về trồng thử nghiệm, nếu giống cây thích nghi với đặc điểm khí hậu ở đây, sang năm sau ông sẽ  nhân rộng cho những hộ trồng đào khác.

Cái duyên người trồng     

Ông Nhân, một người trồng đào nhiều năm ở đây cho tôi biết: “Giống như cái duyên ấy chị ạ. Tui trồng cây nào sống cây đó nhưng nhiều người lấy giống từ chổ tui về có khi trồng nhưng cây không sống được, hoặc cây bị mối đục gãy hết. Chăm sóc nó mệt nhưng Tết đến lại vui. Thấy đào nở tươi roi rói sáng cả một khu vườn, lòng người tháy ấm áp, lâng lâng”.

Được biết hơn mười năm về trước, mỗi gốc đào ở đây chỉ bán được từ 30 - 50 ngàn đồng. Năm ngoái tăng lên 350 - 600 ngàn đồng một gốc. Trước đây người ta chỉ trồng đào cho vui vì đất quá cằn cỗi không cây gì phát triển được. Nhưng mấy năm gần đây đời sống  xã hội khá giả hơn, nhu cầu tinh thần tăng cao, khách hàng sẵn sàng bỏ ra tiền triệu không đắn đo để có được chậu hoa đào trước nhà nở rộ khi Tết đến, Xuân về.

Thế nhưng, một yếu tố quan trọng đến chất lượng và thời vụ của hoa đào là thời tiết. Gặp những năm mưu thuận gió hòa, bắt đầu tháng 12 âm lịch trời ấm áp thì hoa đào nở kịp vào dịp tết lại có nhiều lộc non rất đẹp, bán được giá. Gặp thời tiết không thuận lợi thì đào ế ẩm, người trồng đào bị thất thu.

Ở đây đào chủ yếu bán cho các mối buôn vùng Thạch Trung, huyện Thạch Hà rồi từ đây họ phân phối đến thành phố Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận. Đào “nhập chay” cho mối buôn thường giá rẻ chỉ từ 450 - 600 nghìn một cây. Cây nào bán trực tiếp tại vườn cho người chơi đào thì giá cao hơn, có khi lên tới tiền triệu một cây.

Bà Hạnh đang chắm sóc công đoạn tỉa cành bích đào đợt cuối
Bà Hạnh đang chắm sóc công đoạn tỉa cành bích đào đợt cuối 

Quá trình để có một cây bích đào đẹp chơi tết cần thời gian rất lâu và đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ của người trồng. Ông Thống - người trồng đào lâu năm ở đây cho biết: “Sau Tết khi hoa tàn và ra trái, phải đợi đến tháng 4 quả mới chín mọng là thời điểm hái quả rồi tách phần hạt. Hạt sẽ được vùi xuống một cái hố vừa đủ bảo vệ chúng khỏi sâu bọ, chim chóc hay gà ăn lại không làm chúng bị thối. Đợi đến mùa xuân sang năm khi tiết trời phù hợp mới đem hạt lên ươm cây con mới. Hạt bích đào rất chắc, vỏ dày nên tỷ lệ sống sót gần 100%. Cây đào con được chăm sóc chu đáo, tỉa tót công phu khoảng 3 - 4 năm mới có thể bán. Cây đủ lớn, hoa nhiều, cành lại đẹp”.

Những năm gần đây các thanh niên trong xã xuất ngoại làm ăn nhiều, cộng với việc  áp dụng chăn nuôi lợn công nghiệp nên đời sống bà con đang dần được thay đổi. Cùng với những thành quả từ đổi mới nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp mà tiêu biểu là việc thâm canh cây bích đào đã góp phần không nhỏ cho sinh hoạt của người dân ở đây kể từ tấm áo em thơ đến tiện nghi mua sắm trong gia đình. Nhà cửa cũng được xây mới khang trang. Đường làng 5 năm về trước còn ngập bụi, đất đá lổm chổm nay được bê tông hóa mở rộng thênh thang giúp cho việc giao lưu hàng hóa tiện lợi nhiều bề.

Mươi lăm hôm nữa là Tết Nguyên Đán đến. Một chút mưa phùn, một màn sương trắng lảng đãng ban mai với cái lạnh buốt khiến người ta liên tưởng đến cảnh đoàn tụ ấm áp bên nồi bánh chưng xanh và ngoài thềm là chậu bích đào Mỹ Lộc chúm chím  nụ hứa hẹn một mùa Xuân an lành.  

                                                                       Trần Điểm