1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đi trực thăng cứu hộ ở tâm lũ

(Dân trí) - Nước lũ đã tấn công vào TP Đồng Hới - tỉnh lỵ Quảng Bình, nơi cuối cùng trong tỉnh chưa ngập. Nỗ lực cứu trợ bằng đường bộ và thủy gần như vô hiệu. Trực thăng cứu nạn đã được cử đến hai điểm nóng Tuyên - Minh Hóa và Quảng Trạch để cứu trợ.

Sáng nay, Quân khu 4 sau khi nhận được đề nghị chi viện của tỉnh Quảng Bình đã điều động 2 trực thăng cứu hộ cùng nhiều canô cao tốc, xe lội nước vào các vùng tâm lũ mang theo mỳ tôm, lương khô và nước uống để cứu trợ tức thời cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đi trực thăng cứu hộ ở tâm lũ - 1

Nước lũ dâng liên tục sau một đêm, khiến nhiều người dân bỏ hết tài sản thoát thân.

 

Nước vượt đỉnh lũ lịch sử các năm 1983, 1985 gây ngập lụt trên diện rộng. TP Đồng Hới, trung tâm điều hành công tác chống lũ lụt cũng đã bị ngập ở nhiều nơi. Các phương tiện lưu thông trên nhiều tuyến đường đều bị ùn ứ vì ngập sâu. Đường sắt tiếp tục tê liệt với hàng chục chuyến tàu phải dừng ở ga Đồng Hới, Đồng Lê… vì nước ngập đường sắt Bắc - Nam. Hiện chưa có con số thống kê về số phương tiện và người vãng lai bị ứ tại Quảng Bình.


Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đi trực thăng cứu hộ ở tâm lũ - 2

Các phương tiện vận tải Bắc - Nam tỏa ra các đường "xương cá"
nối giữa QL1A và đường Hồ Chí Minh nhưng đều không thoát lũ.

 

Do mất điện kéo dài ở các vùng ngập sâu như Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Tuyên Hóa, thông tin liên lạc bị gián đoạn. Hiện tượng sụt sóng, sập mạng cục bộ khiến thuê bao di động các mạng lớn đều bị ngắt cục bộ ở nhiều vùng.


Anh Nguyễn Văn Sơn - Trưởng thôn Cồn Nâm - vùng cồn nổi thuộc xã Quảng Minh (Quảng Trạch) cho biết qua điện thoại: "4 thôn trên cồn Nâm có khoảng 700 hộ với hơn 2.000 dân đều bị ngập nặng, quá nửa số nhà ngập gần tới nóc. Chúng tôi cho di dời dân từ đêm qua tới giờ vẫn chưa xong. Trâu bò không di dời được, người dân đành buộc day vào sừng, treo ngược đầu lên xà nhà để trâu bò tự bơi trong nhà. Đến nay đã có nhiều trâu bò chết". Đó cũng là thông tin cuối cùng mà anh Sơn có thể cung cấp vì chiếc điện thoại của anh hết pin sau 2 ngày mất điện và quá nhiều cuộc gọi kêu cứu.

 

Tin từ Phong Nha - Kẻ Bàng báo về: tuyến đường chính đi vào vùng lõi Phong Nha ngập sâu tới 4m, hàng trăm nhà dân bị ngập tới nóc. Theo các cụ già, kể cả năm 1985 và năm 1979, nước chưa bao giờ dâng cao và chảy xiết như lúc này. Do không phòng bị kịp, tài sản của người dân bị ngập nước, hư hại toàn bộ.

Tại Văn phòng BCH PCLB&TKCN tỉnh, số máy đường dây nóng luôn quá tải vì hàng trăm cuộc gọi đề nghị cứu nạn người, tàu… Các lực lượng cứu hộ ở tỉnh đã được điều động về các vùng ngập nặng nhưng có vẻ nhu cầu cứu nạn quá cao khiến các lực lượng này bị quá tải.


Sáng nay 5/10, ba đoàn chỉ đạo PCLB của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã triển khai trên đường bộ nhưng do nước ngập sâu ở nhiều điểm nên đành phải quay về TP Đồng Hới.

 

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lương Ngọc Bính đã kết thúc sớm chuyến công tác tại Lào để về chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn. Trưa nay, đích thân ông Bính đã đón trực thăng cứu nạn, về các vùng tâm lũ Tuyên - Minh Hóa và Quảng Trạch để thị sát và phát lương thực, nhu yếu phẩm cho dân.

 

Do thông tin bị gián đoạn từ cơ sở, đến trưa nay 5/10, thường trực BCH PCLB&TKCN tỉnh Quảng Bình vẫn chưa có những thông tin mới nhất so với báo cáo lúc 7 giờ sáng.

 

Theo ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCH PCLB&TKCN tỉnh: trong khi đợi sự chi viện từ Trung ương, các địa phương cần huy động tối da lực lượng và phương tiện tại chỗ, kiên quyết ưu tiên di dời cứu người. Theo ông Quang, công tác cứu trợ sẽ được tiến hành khẩn trương, không để dân đói, khát trong lũ.


Một số hình ảnh về lũ lụt do PV Dân trí ghi lại sáng nay tại Quảng Bình:


Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đi trực thăng cứu hộ ở tâm lũ - 3

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở nặng.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đi trực thăng cứu hộ ở tâm lũ - 4
Mặc dù đã nghiên cứu trước đường đi, đoàn chỉ đạo của tỉnh cũng phải quay về vì nước ngập.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đi trực thăng cứu hộ ở tâm lũ - 5
Gia đình này ở xã Bắc Trạch (Bố Trạch) chạy lũ vào Đồng Hới
nhưng đến xã Hạ Trạch thì bị ngập, xe ôtô chết máy.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đi trực thăng cứu hộ ở tâm lũ - 6
Lũ bắt đầu tấn công các tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ hai đầu TP Đồng Hới.


Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đi trực thăng cứu hộ ở tâm lũ - 7

Chợ Đồng Hới tan hoang sau trận nước lớn đêm 4/10.

Trong một diễn biến khác, do tình hình mưa lũ kéo dài và diễn biến phức tạp, tuyến đường sắt Bắc - Nam đã bị tắc nghẽn. Tại ga Vinh từ 23h đêm qua tới chiều nay (5/10), gần 1000 hành khách đang mắc kẹt. Đó là số khách của 4 tàu phải dừng tại ga Vinh vì sự cố lũ lụt.

"Tôi phải vào Huế gấp vì cơ quan chỉ cho nghỉ hai ngày mà giờ đã sang ngày thứ 4. Đường sắt thì tắc mà đường bộ cũng không đi được, không biết khi nào mới vào được" - chị Huyền làm ở Công ty môi trường đô thị Huế thở dài.

Nhiều người ngán ngẩm không biết phải chờ đợi đến bao giờ đã bắt xe khách trở ra Hà Nội.

Ông Nguyễn Viết Hiệp - Trưởng ga Vinh - khẳng định sẽ phải vận chuyển hành khách bằng đường bộ. Vì tính đến chiều 3/10, đoạn đường sắt Vinh - Đồng Hới (Quảng Bình) đã có 8 điểm bị sạt lở; đến sáng 4/10 mới có 3 điểm được khắc phục.

Anh Nguyễn Đình Thanh - Giám sát an toàn ga Vinh - cho biết trong thời gian chờ khắc phục sự cố ở Quảng Bình, ga có phương án cung cấp thức ăn, nước uống, nơi ngủ nghỉ cho các hành khách bị mắc kẹt.

Một số hình ảnh ghi lại sáng nay 5/10 tại ga Vinh:

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đi trực thăng cứu hộ ở tâm lũ - 8
Hành khách nán lại trên tàu tranh thủ đọc báo, nghỉ ngơi
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đi trực thăng cứu hộ ở tâm lũ - 9

... hoặc vật vờ ở nhà chờ sân ga.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đi trực thăng cứu hộ ở tâm lũ - 10

Rảnh rỗi.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đi trực thăng cứu hộ ở tâm lũ - 11
Nhiều hành khách quyết định trả lại vé để bắt xe khách

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đi trực thăng cứu hộ ở tâm lũ - 12
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đi trực thăng cứu hộ ở tâm lũ - 13
Nhân viên nhà tàu cũng "thất nghiệp".

Hồng Kỹ - Điền Bắc - Nguyễn Duy
Dòng sự kiện: Mưa lũ ở miền Trung