1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kon Tum:

Bi hài một hủ tục chữa bệnh

(Dân trí) - Việc đầu tiên khi thấy có người ốm là người B'râu sẽ lao đi tìm thầy cúng. Thầy cúng nói phải mổ trâu, họ sẽ mổ trâu và mời cả làng ăn uống linh đình suốt... 5 ngày. Khách lạ nào không may đến làng vào dịp này sẽ bị phạt vạ.

Dù nền y học hiện đại đã và đang dần phổ biến đối với cộng đồng người B’râu ở làng Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum nhưng không vì thế mà hủ tục chữa bệnh mù quáng, lạc hậu bằng cách cúng bái vốn đã tồn tại hàng trăm năm nay của họ bị mai một. Ngược lại, nó vẫn hiện hữu một cách bền vững và đầy... bi hài.

Cách đây chừng nửa tháng, đứa con trai mới biết bò của gia đình anh Thao Chương bị ốm với biểu hiện: toàn cơ thể vừa nóng vừa run, nhức đầu, ỉa chảy… Dù đã được nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí nhưng việc làm đầu tiên của anh Chương là hốt hoảng chạy đến nhà... thầy cúng Thao Toong (75 tuổi) cùng làng để nhờ giúp đỡ.

Như thường lệ, ông Toong liền sang nhà anh Chương và “chẩn đoán” bệnh cho cậu bé bằng… kinh nghiệm làm thầy cúng lâu năm. Nhìn bệnh của con trai anh Chương, “thầy” vẫn phán cậu bé bị bệnh rất nặng, phải giết trâu làm lễ cúng gấp. 

Bi hài một hủ tục chữa bệnh
Thầy Toong bắt đầu đoán bệnh bằng cách nhổ nước bọt vào đầu gậy và miệng lẩm nhẩm câu "thần chú"

Vốn đã nghèo khó, tiền không có mà trâu lại càng không, nhưng anh Chương vẫn phải cắn răng đi mua chịu một con trâu to khỏe về để làm lễ cúng “đuổi” bệnh cho con. Mua được trâu về giết để cúng Yàng, anh Chương phải kiếm thêm cả chục ghè rượu cần để bà con đến… nhậu với thịt trâu.

Giết trâu xong, thầy cúng sẽ lấy một ít ruột gan của con trâu, một ít nước suối, một ít thuốc lào, một khúc mía… bỏ vào một cái dàn đã dựng sẵn giữa làng để cúng “đuổi” bệnh.

Bi hài một hủ tục chữa bệnh
Sau khi nhổ nước bọt, thầy cúng sẽ đo chiếc gậy bằng tay, nếu ngón tay không chạm dây thun là "điềm" báo người ốm không thể khỏi bệnh

Đặc biệt, trong quá trình cúng đuổi bệnh, thầy cúng sẽ dùng một cây gậy trúc dài khoảng 1,5 m, một chiếc dây thun nhỏ treo vào chiếc gậy này. Tiếp đến, “thầy” sẽ nhổ một ít nước bọt vào đầu gậy, miệng lẩm bẩm câu “thần chú”: “khỏi bệnh, khỏi bệnh” hoặc “không khỏi bệnh”. Sau đó, ông dùng nửa sải tay (từ cùi tay tới ngón tay) đo 2 lần từ đầu gậy bên này tới chỗ để cái dây thun. Nếu đầu ngón tay chạm vào dây thun thì người bệnh sẽ có “may mắn” khỏi bệnh, ngược lại thì vô phương cứu chữa (?!).
  
Nhưng điều bi hài nhất ở đây chính là vị trí của chiếc dây thun nằm ở đâu đều do thầy cúng chủ động điều chỉnh. Đáng buồn hơn nữa là khi làm lễ xong, dân làng sẽ được ăn nhậu thịt trâu, rượu ghè "tới bến" kéo dài đến 5 ngày đêm mà không phải làm gì, bất chấp việc nhà có người ốm đã phải đi vay mượn để mua được con trâu đó. “Nếu bệnh nặng thì phải làm thịt trâu, bệnh nhẹ hơn thì thịt heo, nhẹ hơn nữa thì làm thịt gà, nói chung nặng hay nhẹ đều do thầy cúng nói. Nhà thằng Chương nghèo không có trâu, con nó bị bệnh nặng nên Toong nói nó phải đi mua trâu về cúng”, già làng Thao Nâng (71 tuổi) cho biết.

Sau lễ cúng, và những cuộc ăn nhậu kéo dài gần 1 tuần, nhưng con trai anh Chương vẫn không khỏi và phải đưa đi bệnh viện điều trị gần nửa tháng trời. Rất may cậu bé đã bình phục. 

Với người B'râu nơi đây, họ luôn tuân theo quy trình chữa bệnh như vậy: đầu tiên là thầy cúng, là giết trâu giết lợn, là ăn uống linh đình; sau đó mới đến bệnh viện. Có những trường hợp bệnh nhân gặp phải bệnh nan y như ung thư giai đoạn cuối, bệnh viện đã trả về, thầy cúng vẫn đến chữa “vớt” với hy vọng gặp vận may thì khỏi bệnh!

Phạt vạ khách lạc đường

Có một điều lạ nữa ở đây là những vị khách không may “lạc” vào làng những ngày có người bệnh đang phải làm lễ cúng sẽ bị phạt đến dở khóc, dở cười.

Già làng Thao Nâng cho biết, trước kia trong làng có người bệnh, bất kì người nào không phải là người dân trong làng chỉ cần bước vào làng là bị phạt rất nặng, còn người dân trong làng những ngày đó cũng không được ra khỏi làng. Nhưng một số năm trở lại đây, “luật” này cũng đã được cải cách phần nào: “Bây giờ nhà nào có người bệnh, người ngoài làng không biết đi vào nhà người bệnh đang làm lễ cúng mới bị phạt, chứ không như ngày trước nữa”, già Nâng nói.

Bi hài một hủ tục chữa bệnh
Già làng Thao Nâng tiết lộ "chiêu" tránh bị phạt nếu lỡ bước vào nhà người bệnh cho phóng viên

Đặc biệt, già làng tuy là người có quyền lực và tiếng nói nặng kí nhất làng, nhưng chuyện cúng “đuổi” bệnh và phạt vạ lại do thầy cúng đề ra. “Nếu trong làng có người bệnh đang làm lễ cúng, người nào không phải là người làng đến nhà người bệnh đều bị phạt hết, kể cả cán bộ. Nếu người mà ăn mặc đẹp, đi xe đẹp, nhìn giàu có thì sẽ bị phạt nhiều tiền khoảng 500 nghìn đồng, hoặc những người đi buôn bán mang theo nhiều hàng hóa là bị phạt nặng nhất vì thầy bói thấy giàu. Còn ai nghèo không có hàng hóa thì bị phạt nhẹ hơn. Phạt nặng hay nhẹ đều do thầy cúng định đoạt. Nếu ai không mang theo tiền nộp phạt thì phải gọi bằng được người thân mang tiền tới nộp rồi mới được ra khỏi làng.

Dù là “luật” làng rất khắt khe, nhưng sau khi trò chuyện với chúng tôi, già Nâng rất phấn khởi và cho biết rất quý nhà báo nên đã tiết lộ một “bí mật”: “Nếu không may vào nhà người bệnh đang cúng, muốn không bị nộp phạt cháu chỉ cần nói “Các ông, các bác hôm nay cúng kiêng, tôi không biết nên mới vào nhà, tôi xin lỗi”, nói xong thì sẽ được tha tội và được mời ăn uống cùng dân làng. Còn nếu ai càng cương thì bị phạt càng nặng”.

Thiên Thư