1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bệnh viện đến với niềm vui

Tôi sợ nhất vào Bệnh viện tâm thần vì luôn có một bệnh nhân ngồi vắt vẻo trên cành cây đe dọa tôi bằng nụ cười nhe răng của một con rắn hổ mang ăn đã quá no.

Các bệnh viện khác khiến tôi lo ngại khi bắt gặp trên giường bệnh cái nhìn câm lặng tuyệt vọng của những người có ngũ tạng bị cắt đi chỉ còn lại tam tạng. (Thế mà ngày xưa bên Tàu có ông Đường Tam Tạng vẫn sống khỏe!).

 

Vậy nên, tôi thật ngạc nhiên gặp cô bạn thời học sinh  hớn hở đi vào Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng (BVPSHP). Thấy tôi trố mắt trước bộ cánh diện hệt con gà Tây xòe đuôi của chị, chị cười lóa mắt: “Con dâu mới đẻ! Đi đến niềm vui thì phải thế chứ!”. Từ đấy, tôi lại thích vào phụ sản, ở đó có niềm vui và chỉ toàn…phụ nữ!

 

Những người phụ nữ mát tay

 

Đứng trước cửa phòng chờ đẻ, một người đàn ông đôi tay bồn chồn cứ thọc mãi vào túi quần như muốn làm thủng chúng ra. Tôi cất lời khuyên: “Đàn bà đến giờ là đẻ. Có gì phải sợ!”. Bà cụ ngồi bên già héo như quả mận khô cất giọng han gỉ, có lẽ vì lâu không được sử dụng: “Cái nhà bác này, đàn ông đàn ang biết gì! Chửa là cửa mả!”.

 

Sách viết : Con người đã lên mặt trăng, song về cơ bản họ vẫn đẻ như ngày xưa. Chỉ khác, bây giờ bà đỡ hiện đại không chờ mang rổ ra hứng và không dùng kẹo để nhử “thằng cu” trong các trường hợp đẻ khó như truyện tiếu lâm Việt Nam, họ sử dụng thuốc và phẫu thuật để can thiệp, giúp cho mẹ tròn con vuông. Thế nhưng, lúc chuyển dạ là khi cơ thể người đàn bà yếu nhất, các bệnh mai phục trong người (tim, thận,…) được dịp tung hoành.

 

Không phải vô cớ mà cổ nhân ví cuộc sinh nở của đàn bà là cuộc vượt cạn. Khoa Đỡ đẻ của BVPSHP có 46 chị em, năm ngoái, họ đã giúp cho 2 vạn phụ nữ vào đây vượt cạn an toàn. Năm nay chắc còn nhiều hơn vì là năm Rồng. Để có được con số đó, chị em không quản ngày đêm (có ai đi đẻ chọn giờ hành chính) túc trực bên giường bênh nhân, theo dõi từng nhịp đập bất thường của tim thai, ứng phó kịp thời với hàng loạt những sự cố không được giảng dạy trong sách giáo khoa, đã tiến hành hàng ngàn ca mổ đẻ, và khi một sinh linh mới chào đời, họ mới được nở nụ cười nhẹ nhõm.

 

Năm 2011 có hơn 9.000 đứa trẻ mới sinh phải vào nằm Khoa Sơ sinh vì mẹ mổ đẻ, non tháng, vàng da… Chúng bị cách ly hoàn toàn khỏi mẹ và được các cô trong khoa nuôi dưỡng. Bác sỹ chủ nhiệm khoa khoe: “Trình độ quân em cao ngất nghểu đấy!”.  Cho nên năm ấy chỉ có 3/9000 cháu bị tử vong vì đa dị tật bẩm sinh, còn tất cả đều mạnh khỏe trở về với vòng tay mẹ.

 

Tôi cứ tưởng rằng BVPS chỉ là chỗ đẻ. Thực ra đây còn là nơi chữa các bệnh của phụ nữ. Những người bệnh trọng được nằm trong Khoa Sản 3. Khoa có 113 giường bệnh lúc nào cũng đầy ăm ắp bệnh nhân bị tiền sản giật, bị nhau tiền đạo… Họ được 31 nữ bác sỹ và nhân viên y tế chăm sóc, điều trị tích cực. Cả năm 2011 không có ai bị tử vong. Cái giá phải trả chẳng rẻ, có bác sỹ đã mang bầu bị lây bệnh rubela, phải bỏ cái thai. Bác sỹ Phạm Thị Xuân Minh, Phó Khoa Sản 3 nói rằng: “Chẳng ai vào Khoa Sản 3 với một nụ cười, nhưng khi ra viện tất cả đều với những lời cảm ơn.”

 

Đứng ngồi trên những hành lang lắt léo như một mê cung của Khoa Khám theo yêu cầu toàn là phụ nữ khiến tôi cảm thấy lạc lõng như một con trâu bị lạc vào phòng trưng bày nghệ thuật. Tôi nghe hai người đàn bà ngồi chờ siêu âm nói chuyện với nhau, các lời phàn nàn về chồng dài như một cuốn từ điển! Tôi bỗng giật mình thì ra đàn ông lại làm đàn bà khổ thế!

 

Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền, người có khuôn mặt cuốn hút dịu dàng, chủ nhiệm Khoa Khám yêu cầu nói rằng họ cũng khám và chữa cả những bệnh bị đau khổ bởi đàn ông. Cô Trần Thị Xuân quê huyện Thủy Nguyên đã bị một tên Sở Khanh vùng sâu vùng xa đánh cắp trái tim cô đơn, trên đường chạy trốn gã đã bỏ lại trong cô một trái tim thai gần 8 tuần tuổi. Cô đến khám và xin được phá thai. Tôi góp ý với chị Hiền: Phương pháp tránh thai an toàn và rẻ tiền nhất của phụ nữ là nói “Không”.

 

Chị hứa khi có thời gian sẽ suy nghĩ về sáng kiến của tôi. Bởi lẽ, khoa có 28 người phụ nữ, năm 2011 họ phải thực hiện 27.000 lượt khám chữa bệnh từ cháu mẫu giáo đến cụ bà 90 tuổi – một sự quá tải triền miên. Họ là bác sỹ, nhân viên y tế có tay nghề cao, nên áp lực họ gánh chịu không phải vấn đề chuyên môn (họ chẩn đoán đúng và đưa hàng ngàn lời khuyên chính xác), mà là thái độ phục vụ, là những đòi hỏi có lý và vô lý của bệnh nhân.

 

Bác sỹ Hiền nói: “Ai cũng nghĩ rằng cái sống là sự đương nhiên. Khi cái chết đến bất ngờ, họ đều đổ tại bệnh viện!”. Thế nhưng, không có những gã đàn ông mang dao kiếm vào Bệnh viện để “nói chuyện” với bác sỹ như đã thấy ở nơi khác. Chẳng biết có phải vì các quy định y đức ở đây được đóng khung treo trên các bức tường ?

 

Y đức treo ở trong tim

 

Ngày nay mẹ đã tròn rồi song con phải vuông là đòi hỏi càng khắt khe. Chẳng biết có phải vì luôn ở trong tình trạng căng thẳng mà bác sỹ Phạm Tuyết Mai, Chủ nhiệm Khoa Đỡ đẻ, có ánh nhìn uể oải, mặc dù gương mặt bình lặng mang những nét duyên hoài cổ. Chị nói bằng giọng vội vã của người luôn thiếu thời gian.

 

Tôi hơi ngạc nhiên vì người phụ nữ rất được trọng vọng trong giới sản phụ lại ấm ức vì bệnh nhân của mình – những người không thích đẻ theo tự nhiên, mà muốn mổ đẻ để đứa bé phải sinh ra đúng vào giờ đẹp đã được “thầy” xem từ nhà! “Nếu từ chối họ, họ sẽ nghĩ mình làm khó và họ sẽ nhờ… tiền đến nói giúp!” – bác sỹ Mai nói ngao ngán: “Họ nghĩ chúng tôi  sợ hãi và quá kính trọng  đồng tiền!”.

 

Không phải ai cũng thế đâu chị Mai! Tôi đã gặp người đàn ông có chiếc răng cửa to tướng lộ ra trong một nụ cười hạnh phúc, chị có nhớ không? Anh ta tìm tôi, “bắt” tôi phải viết bài ca ngợi chị, vì đã cứu sống vợ con anh ta trong cuộc vượt cạn hiểm nghèo.

Bác sỹ Phạm Thị Bích Nhung, Trưởng Khoa Sơ sinh có quan điểm giống chị Mai về tiền bạc, nhưng khác đồng nghiệp của mình, bác sỹ Bích Nhung đẹp như ánh sáng ban ngày.

 

Chị tốt nghiệp Đại học Y Leningrad (St.Petersburg), sang Pháp tu nghiệp nhiều năm nên phong cách rất hiện đại. Đến nay, chị Nhung không nhớ bao nhiêu người thân của hàng ngàn đứa bé vào khoa chị đã “săn” chị chỉ để đưa phong bì. Câu trả lời “Không” khiến chị nổi tiếng là người đàn bà không thể mua được. Người ta chán đi tìm chị. Thế nhưng tôi chắc một cặp vợ chồng ở Chợ Cột đèn và nhiều người khác không nghĩ như vậy, vì ngày Thầy thuốc Việt nam tôi gặp họ đưa con gái nay đã 4 tuổi, mang hoa vào bệnh viện thăm mẹ Nhung – người đã giành lại cuộc sống cho cháu, một cô bé bị đẻ non.

 

Giám đốc BVPSHP nói rằng: “Bác sỹ Nhung không bao giờ lạm dụng thuốc, kể cả để chiều theo ý bệnh nhân. Đây là biểu hiện cao của y đức! Y đức không phải là thứ để treo trên tường, y đức nằm ở trong tim!”.

 

Ở Hải Phòng mà tìm được người “ghét” Giám đốc BVPSHP, bác sỹ Đỗ Thị Thu Thủy, thì khó như tìm thấy tuyết ở sa mạc Sahara. Chị là ví dụ điển hình về sự không công bằng của tạo hóa. Tám năm về trước nhà thơ Đồng Đức Bốn đã thốt lên: “Em có đeo đồ trang sức cũng chỉ để làm lu mờ chúng thôi!”. Song cả cái nhan sắc trời cho ấy lại cũng chỉ để tô điểm cho những phẩm hạnh khiến chị nổi tiếng Hải Phòng.

 

Chị có thể nói về các vấn đề khó nói ngày nay: Lý tưởng, sự tử tế, tình thương người, đức hy sinh, lòng trong sạch, sự thanh liêm… với bất cứ ai và ai cũng tin, bởi chị chính là hiện thân của những điều đó. Để tỏ lòng cảm ơn chị, hàng chục đứa trẻ Hải Phòng đã được cha mẹ lấy tên chị đặt cho chúng. “Thủy” nghĩa là nước: nước mềm mại có thể thấm vào bất cứ khe hở nào và cũng có thể làm vỡ đá. Chị nói với tôi: “Tiền bạc không thể sai khiến được người, vì chết giàu là cái chết vô phước, vải liệm thì không có túi. Hạnh phúc không phải là giành giật được thứ mình ham muốn, mà là lòng ham muốn những thứ gì mình đã có”.  Nhìn chị tôi lại nhớ lời cổ nhân: Tài năng sẽ khiến người ta nể sợ, nhưng đạo đức được người ta kính trọng.

 

Đêm mùa xuân đầy những ngôi sao bạc và những tiếng cười tràn ra lênh láng từ các phòng của sản phụ sau sinh. Tôi đi trong sân BVPSHP thấy anh chàng chờ vợ đẻ ban sáng đang nghêu ngao hát: “Nơi đây sinh ra bao nhiêu chàng trai…” Dưới ánh đèn sáng, một người đàn ông đang nắn nót viết lên bảng dòng chữ: “Chúc mừng  8-3”. Chữ bác sỹ viết xấu quá! Tôi viết hộ anh bài này để cảm ơn họ, những người phụ nữ Việt Nam.

 

Theo Hà Linh Quân

Lao Động