1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bắt đầu “trình làng” mẫu tàu Cát Linh - Hà Đông từ ngày mai

(Dân trí) - Toa tàu mẫu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã được thông quan từ cảng Hải Phòng và vận chuyển về Hà Nội. Tàu mẫu này sẽ được trưng bày từ 10h sáng mai (29/10) đến hết ngày 30/11, tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam.

Ông Lê Kim Thành - Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường sắt (QLDA), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - cho biết, tàu mẫu được trưng bày tại vị trí sân trước nhà A1, khu vực cạnh đài phun nước, với diện tích triển lãm là 390 m2 tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ (nay là Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam), số 148 Giảng Võ - quận Ba Đình - TP Hà Nội.

Theo ông Thành, chủ đầu tư đã lựa chọn địa điểm trưng bày tàu mẫu tại vị trí trung tâm Thủ đô nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, tham quan mô hình tàu mẫu của người dân. Điểm trưng bày sẽ mở cửa tất cả các ngày trong tuần để đón người dân quan tâm tới tham quan tàu mẫu.

“Trong thời gian trưng bày, khách tham quan được phát phiếu thăm dò ý kiến để Chủ đầu tư/Ban QLDA Dường sắt, Tổng thầu EPC và Nhà sản xuất đoàn tàu tiếp thu xem xét chỉnh sửa phù hợp hơn trong quá trình sản xuất chế tạo đoàn tàu khai thác...” - ông Thành cho hay.

Mẫu tàu đường sắt Cát Linh- Hà Đông sẽ được trưng bày
Mẫu tàu đường sắt Cát Linh- Hà Đông sẽ được trưng bày

Được biết, toa tàu mẫu được trưng bày dài 20m, mô phỏng tỷ lệ 1/1 cả về hình dáng, nội ngoại thất như tàu thật. Mô hình tàu mẫu có phần thiết kế ngoại thất đầu tàu theo có hình dáng vát, gần với hình dạng khí động học; riêng phần dưới cản trước tạm chấp nhận ở mô hình tàu mẫu sử dụng khuôn sẵn có. Đầu tàu khai thác sẽ được sản xuất theo đúng phương án đã lựa chọn. Đèn pha sử dụng loại đèn kép 3 dạng đứng; tạm chấp nhận dán Decal trên tàu. Cụ thể:

Về ngoại thất, đầu tàu được lựa chọn hình dạng đầu tàu vát, gần với hình dạng khí động học, thường thấy ở các đoàn tàu tốc độ cao; kính chắn gió, cửa sổ trong hài hòa cùng dải tàu xuyên suốt đoàn tàu...

Đây là tuyến ĐSĐT đầu tiên tại Hà Nội nên lựa chọn biểu tượng Khuê Văn Các ở giữa đầu tàu, tại vị trí nổi bật, phía dưới là dòng chữ Cát Linh - Hà Đông thể hiện điểm đầu - điểm cuối của tuyến ĐSĐT trình bày trên nền sơn phủ kín đầu trước; không đánh số tuyến để tránh phức tạp trong việc quy hoạch các tuyến khác của Hà Nội (tương lai có thể không sử dụng cách thức đánh số cho các tuyến).

Màu sắc chủ đạo là màu xanh lá cây tươi sáng...

Nội thất tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông 
Nội thất tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông 

Nội thất tàu lựa chọn phương án bố trí hai hàng cột cong về phía giữa toa tàu, người đi tàu thuận tiện hơn khi ngồi nắm tay vào cột; hàng cột giữa dọc theo lối đi giữa toa và cột ngang tại hai phía của ghế cho phép hành khách đứng bám ổn định khi đông khách trên toa, đảm bảo làm không gian toa tàu rộng rãi...

Ghế ngồi bên trong tàu sử dụng vật liệu composite có độ bền chắc cao... Bố trí dãy ghế dài dọc vách toa, dưới cửa sổ, giữa toa là lối đi hoặc chỗ đứng cho hành khách. Tại hai đầu của mỗi toa có bố trí hai dãy ghế dành riêng cho phụ nữ mang thai, người tàn tật; Tại hai đầu của toa xe có động lực sẽ bố trí khu vực dành cho xe lăn;

Màu sắc chủ đạo nội thất là màu ghi sáng, các tấm ốp đầu ghế, các tay vịn cho khách đứng trên toa sử dụng màu xanh lá cây; tổng thể nội thất chung trong toa (tàu ghế, trần, vách đứng, cửa) lựa chọn màu ghi sáng.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông mua sắm, trang bị 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu 4 toa phục vụ vận chuyển hành khách đô thị trục Cát Linh - Hà Đông với tổng số 12 nhà ga trên cao, xuất phát từ Cát Linh (Điểm giao cắt giữa đường Cát Linh và Giảng Võ) đến điểm cuối phía trước Bến xe Yên Nghĩa, Hà Đông.

Châu Như Quỳnh