1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Bảo vệ bền vững rừng Hoàng Liên sau vụ cháy kinh hoàng

(Dân trí) - Trong một cuộc họp gần đây nhằm mổ xẻ vụ cháy rừng Quốc gia Hoàng Liên, nhiều đại biểu nhấn mạnh: Để rừng Hoàng Liên không “tái ngộ” hỏa hoạn, cần khoanh nuôi các khu vực rừng và di dân ra khỏi vùng lõi của rừng.

Bảo vệ bền vững rừng Hoàng Liên sau vụ cháy kinh hoàng - 1
Một điểm cháy rừng tại thôn Séo Mỹ Tỷ - nơi được coi là bắt nguồn của vụ cháy rừng Hoàng Liên đợt 1 từ ngày 8 - 11/2.

Lật lại “hồ sơ” vụ cháy rừng

Khoảng 13h ngày 8/2/2010 (tức ngày 25 Tết Nguyên đán), Vườn Quốc gia Hoàng Liên nhận được thông tin xảy ra cháy rừng tại khu vực giáp ranh giữa thôn Dền Thàng (xã Tả Van) và thôn Tả Trung Hồ (xã Bản Hồ, huyện Sa Pa).
 
Theo xác định của các cán bộ Vườn Quốc gia, vụ cháy rừng được xuất phát từ khu vực tiểu khu 286 thuộc thôn Dền Thàng, sau đó gặp gió to ngọn lửa bùng phát dữ dội và cháy lan sang tiểu khu 291 thuộc thông Tả Trung Hồ.
 
Do địa hình hiểm trở, gặp gió to lửa lan nhanh nên lực lượng chữa cháy không thể khống chế được ngọn lửa. Vụ cháy tiếp tục cháy lan sang tiểu khu 287 thôn Ma Quái Hồ, thôn Séo Trung Hồ và cháy rại nhiều điểm rừng khác tại 2 xã Tả Van và Bản Hồ.
 
Vụ cháy rừng tiếp tục lan rộng và cháy liên tục trong nhiều hôm bất chấp nỗ lực dập lửa của người dân và chính quyền địa phương. Đến chiều 11/2 (tức 28 Tết) ngọn lửa được khống chế hoàn toàn.
 
Theo ông Phạm Văn  Cường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai - ngày 12/2, sau khi khống chế được ngọn lửa, lực lượng chữa cháy đang chuẩn bị rút quân thì bất ngờ nhận được thông tin về cháy rừng ở khu vực giáp ranh với tỉnh Lai Châu. Đây là khu vực rừng già chủ yếu là thảm thực vật, trúc lùn, lau lách nên ngọn lửa lan rất nhanh và cháy dữ dội ở khu vực điểm cao 2.300m có hướng lan về chân đỉnh Phan Xi Păng.
 

Sáng nay 2/3, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai đã tổ chức Hội đồng khám nghiệm hiện trường để làm rõ nguyên nhân vụ cháy rừng Quốc gia Hoàng Liên. Tham gia cùng lực lượng công an còn có các Sở, ban, ngành liên quan trong tỉnh.

 

Theo Thượng tá Giàng Ly Pao - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai - vụ cháy rừng này khá phức tạp, địa hình hiểm trở, cháy trên diện rộng nên việc khám nghiệm hiện trường rất vất vả, có thể kéo dài trong nhiều ngày.

Cho đến ngày 15/2 (tức ngày mùng 2 Tết Nguyên đán) trước những nỗ lực cứu rừng của quân, dân Lào Cai và các đơn vị bộ đội tỉnh bạn, các khu vực cháy rừng Hoàng Liên đã được dập tắt hoàn toàn. Tuy nhiên đến nay, số diện tích rừng bị thiệt hại vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, nguyên nhân của vụ cháy vẫn đang là ẩn số mà cơ quan CSĐT tỉnh này đang tìm lời giải.
 
Tại cuộc họp ngày 26/2 của các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương do UBND tỉnh Lào Cai chủ trì nhằm mổ xẻ vụ cháy rừng Quốc gia Hoàng Liên và tìm ra biện pháp khắc phục, người đứng đầu ngành nông nghiệp tỉnh này - ông Phan Duy Hạnh - Giám đốc Sở NN&PTNT, nói nếu không tìm ra nguyên nhân của vụ cháy thì rất khó đưa ra biện pháp ngăn chặn và xác định trách nhiệm của những cá nhân, tập thể.
 
Đề xuất phương án bảo vệ bền vững rừng Hoàng Liên
 
Cũng tại buổi họp ngày 26/2, Bí thư huyện ủy Sa Pa Ma Quang Trung nhận định, giả thiết người dân bản địa đốt nương làm rẫy gây cháy rừng không mấy thuyết phục vì thời điểm đó là cận Tết, phong tục của người dân tộc nơi đây là ăn Tết sớm, kéo dài, nên khó có khả năng họ lên rừng đốt nương làm rẫy. “Vụ cháy rừng này chắc chắn là do con người, theo tôi chỉ có thể nói là người dân dùng lửa bất cẩn”, ông Trung nhận định.
 
Bảo vệ bền vững rừng Hoàng Liên sau vụ cháy kinh hoàng - 2

Nếu không có biện pháp lâu dài, rừng Hoàng Liên khó tránh khỏi những cơn giận dữ của "bà hỏa". (Ảnh: H.Ngân)
  

Bí thư huyện ủy Sa Pa nói: "Trước đây, phải tới 80% các vụ cháy rừng là do người dân địa phương đốt nương làm rẫy, bất cẩn để lửa lây lan ngoài tầm kiểm soát. Các hộ dân này lại sinh sống xen kẽ và làm nương ngay trong vùng lõi của rừng". "Vậy chúng ta cần tính đến phương án khoanh nuôi các khu vực rừng và di dân ra khỏi vùng lõi của rừng", ông Trung đề xuất.

 

Theo ông Trung, những khu vực rừng nào là rừng nguyên sinh, tái sinh, rừng non cần phải được khoanh vùng, cấm triệt để người dân vào khai thác; tránh để tình trạng người dân vào sâu trong rừng đốt nương trồng thảo quả như hiện nay, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng.
 
Một số đại biểu nhấn mạnh, việc quản lý khách du lịch cũng cần phải được siết chặt vì đôi khi chỉ cần một tàn thuốc sơ ý của du khách, Lào Cai có thể phải trả giá bằng cả cánh rừng.
 
Bảo vệ bền vững rừng Hoàng Liên sau vụ cháy kinh hoàng - 3

Một số ý kiến về vấn đề bảo vệ rừng Hoàng Liên bền vững được đưa ra trong cuộc họp ngày 26/2. (Ảnh: H.Ngân)

 

Đồng tình với đề xuất của ông Trung, ông Phạm Xuân Đăng - Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên - cũng nêu biện pháp làm đường băng trắng, đường băng xanh cản lửa, trồng một số các loại cây khó cháy và xây dựng hệ thống bể chứa nước, tăng cường các trạm bảo vệ rừng trong vùng lõi rừng Quốc gia Hoàng Liên.
 

Mong một lời “cảm thông” cho Lào Cai

 

Nhiều đại biểu cho rằng thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn (như cháy rừng) là những điều khó tránh khỏi và bất khả kháng. Ở một số nước có các biện pháp phòng chống cháy rừng tiên tiến, hiện đại vượt xa chúng ta như Mỹ, Canada, Pháp, Australia… khi xảy ra cháy rừng họ cũng đành bất lực trước ngọn lửa hung dữ. Trong vụ cháy rừng Hoàng Liên, khi mục tiêu bảo vệ bằng được rừng già, không để thương vong về người đã thành công thì ở góc độ nào đó, nên “cảm thông” với Lào Cai.

 

Về việc trồng rừng, khắc phục hậu quả sau vụ cháy rừng, PGĐ Sở TN&MT tỉnh Lào Cai Mai Đình Định cho rằng, rừng Quốc gia Hoàng Liên có giá trị lớn về mặt đa dạng sinh học. Vụ cháy rừng vừa rồi đã khiến cho đất ở những điểm đó bị nóng lên, vi sinh vật bị chết, nguồn nước bị ảnh hưởng, trước mắt vấn đề xói mòn có thể xảy ra. Do đó khi tiến hành khôi phục lại rừng cần chú ý đến vấn đề đa dạng sinh học của rừng.

 
 Hồng Ngân