1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bão tàn phá dữ dội các tỉnh miền Trung

(Dân trí) - Sáng nay, tâm bão Xangsane xoáy vào Đà Nẵng, cả TP bị nhấn chìm trong tiếng gầm rít của sức gió giật cấp 12. Gió bão càng lúc càng mạnh, lẫn trong mưa, bụi, đất, cát là hàng trăm tấm tôn lợp, prô-ximăng... bị bão giật tung, bay lả tả. Giao thông nối liền 2 bờ sông Hàn đã bị tê liệt hoàn toàn.

* Thông tin về bão số 6 sẽ được Dân trí liên tục cập nhật…

 

Tâm bão càn quét Đà Nẵng

 

12h00: Lúc này mưa gió đã bắt đầu dịu xuống. Đà Nẵng sau một cơn cuồng phong ngổn ngang cây cối, vật liệu xây dựng. Hiện chưa có con số chính thức về mức thiệt hại nhưng sơ bộ cho thấy đã có khoảng 10 người bị tai nạn, hàng trăm tàu thuyền bị sóng đánh vỡ do va chạm vào nhau.

11h00: Hiện Đà Nẵng đang có 64 khu dân cư bị ảnh hưởng nặng do ngập úng. Mực nước sông Hàn sáng nay đã dâng lên rất nhanh, nhấn chìm đường Bạch Đằng, đường Trần Hưng Đạo vào biển nước.

Bão tàn phá dữ dội các tỉnh miền Trung - 1
 Tâm bão đổ thẳng vào Đà Nẵng. (Ảnh chụp qua vệ tinh lúc 8 giờ sáng 1/10).

Theo quan sát của phóng viên từ tầng 11 của tòa nhà Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (DVTV), toàn thành phố đang ngập chìm trong gió bão và nước dâng. Sức gió giật cập 12 kết hợp với triều cường đã tạo ra những cột sóng cao hơn 3 mét ven bờ biển Đà Nẵng.

Đường Nguyễn Tất Thành chạy từ đèo Hải Vân đến trung tâm thành phố đã bị sóng biển tràn qua, nhiều nhà dân nằm sâu bên trong bị sóng biển tràn vào nhà. 

Thông tin cập nhật vào lúc 11h35 trưa nay cho biết, một nhân viên của Tổng Công ty Viễn thông Quân Đội (Viettel) ở Quảng Nam đã bị chết trong ca trực, chưa rõ nguyên nhân.

Tại tòa nhà 11 tầng của DVTV, toàn bộ hệ thống kính ốp và cửa kính các khu làm việc đã bị gió bão đập nát gần như toàn bộ. Các tổ phóng viên thời sự và bộ phận phát sóng đã bị chia cắt nên việc truyền tin giữa các phòng ban trong cùng tòa nhà này cũng rất khó khăn.

 

7h23: Từ 8 giờ tối 30/9, trên các đường phố Đà Nẵng đã vắng hẳn bóng người. Chợ Cồn, Chợ Hàn và các trung tâm thương mại đã đóng cửa trước 17 giờ chiều qua. Công an TP Đà Nẵng đã bố trí 100% lực lượng bám sát địa bàn để bảo vệ tài sản của nhân dân. BCH Quân sự QK5 cũng đã điều động xe lội nước cùng tham gia tuần tra, kiểm soát trên các đường phố. Hiện tại, các lực lượng này vẫn đang túc trực và sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố.

 

Theo ghi nhận ban đầu, thiệt hại tính đến 7 giờ sáng nay đang tập trung tại các khu vực ven biển thuộc các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu... với hàng trăm ngôi nhà tốc mái, nhiều cây cối gãy đổ.

 

6h06: Theo thông tin nhanh từ BCĐ tác chiến tiền phương, đến nay các khu vực bão đổ bộ vẫn chưa xảy ra sự cố nghiêm trọng nào. Hiện chưa có báo cáo thiệt hại nào về người. Ghi nhận trực tiếp của phóng viên cho thấy rất nhiều nhà dân bị tốc mái, một số người đã bị thương do bão.

 

Tại đoạn đường Nguyễn Công Trứ, nơi phóng viên đang có mặt, một mái nhà đã bị bão bốc lên và tấp xuống mặt đường, nhiều cột điện, đèn đường bị gãy, đổ. Tại khu nghỉ mát Furama, hầu hết các lều cọ dựng ven biển đã bị gió bão cuốn sạch.

 

Hội An: Nhà cổ run bần bật 

 

Bão tàn phá dữ dội các tỉnh miền Trung - 2

Gió giật trên cấp 10, cấp 11, biển động dữ dội. Từ đêm qua đến sáng nay, sức gió ở Thị xã Hội An - tỉnh Quảng Nam mạnh lên từng phút. Hội An đang bị quăng quật trong những cơn mưa lớn với tiếng gió rít đến rợn người. Nếu bão cấp 12 tràn qua, phố cổ khó chống đỡ!

 

Thông tin cập nhật đến 11 giờ trưa nay cho biết, một số ngôi nhà cổ đã bị hư hại nặng khi bão đổ bộ.

 

5h20: Theo thông tin mới nhất từ BCH PCLB tỉnh Quảng Nam, tại thị trấn Prao huyện Đông Giang gió đã giật sập 3 ngôi nhà, làm tốc mái 7 căn nhà khác và mưa lũ khiến 5 nhà phải di dời do ngập lụt. Ở các huyện Đông Giang, Núi Thành, người dân hầu như đã bị cô lập do đường sá bị sạt lở, không thể liên lạc với bên ngoài.

 

Thiệt hại lớn nhất ở tỉnh này đang thuộc về Hội An. Các vùng ven biển Cẩm Châu, Cửa Đại hàng chục tàu thuyền do song đánh đã va đập vào nhau gây vỡ chìm. Tổng thiệt hại chưa thể thống kê được. Tại khu phố cổ này, đã có một số nhà dân bị sập, một số ngôi nhà nằm trong chương trình bảo vệ nhà cổ đã bị tốc mái. Hiện đã có 1 người dân Hội An bị thương.

 

2h43: Từ đêm qua đến rạng sáng nay, mưa to và rất to kéo dài bao phủ toàn tỉnh Quảng Nam. Gió mạnh trên cấp 9, giật trên cấp 10, 11 đã khiến nhiều cây to bật gốc. Gần như tất cả các vùng trong tỉnh đều bị cúp điện để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.

 

Tại Hội An từ 1 giờ sáng ngày 1/10 đã có gió lớn và sóng rất to. Lượng mưa từ đêm hôm qua đến sáng nay rất lớn, cộng với thủy triều dâng cao trên 10m, theo dự báo chắc chắn sau bão sẽ có lũ lớn trên sông.

 

2h10: Từ thị xã Tam Kỳ, PV Dân trí đã nối được thông tin với ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND thị xã Hội An. Ông Giảng cho biết một số tình hình cụ thể tại Hội An như sau:

 

Khu vực Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp) nước biển dâng trên 10m. Hiện tại thì Hội An chưa thống kê thiệt hại tại Cù Lao Chàm, nhưng theo chính quyền Hội An chắc chắn là có thiệt hại. Tùy theo diễn biến của bão, Hội An đang chỉ đạo các lực lượng ở ngoài đảo có kế hoạch ứng cứu khi xảy ra sự cố. Để giúp xã phòng chống bão, Thị xã Hội An đã chuyển ra đảo 1 tấn dầu và 10 tấn gạo để có thể cầm cự được trong vòng 7 ngày.

 

Khu phố cổ là điều Hội An quan tâm thứ hai, đến bây giờ chưa có ngôi nhà nào bị sụp đổ hoặc bị hư hại. Tuy nhiên, trong đêm, rất nhiều cây cối ở xã Cẩm An, phường Cửa Đại đã bị ngã đổ. Tại Cửa Đại ít nhất đã có 3 ngôi nhà và 1 Xí nghiệp chế biến thủy sản bị tốc mái. 

 

Gần 500 du khách nước ngoài được sơ tán vào khu vực nội thị từ trưa hôm qua được quan tâm chăm sóc chu đáo nên nên họ vẫn chưa có ý định rời khỏi Hội An. 

 

1h50: Mực nước sông chưa vượt các mức báo động 1 như dự kiến khiến chính quyền Hội An rất quan tâm và lo lắng, bởi điều này dễ gây tâm lý chủ quan, người dân rất dễ bỏ nơi sơ tán quay trở về nhà nếu không có sự quản lý. Chính vì thế, hiện nay Hội An đã có chỉ đạo các đơn vị khuyến cáo nhân dân không đựơc rời khỏi nơi trú ẩn nếu không có lệnh.

 

Tình hình giao thông ở Hội An hiện ở cấp độ rất nguy hiểm. Việc đi trên đường nếu chủ quan rất dễ gây ra tai nạn. Bắt đầu từ 2 giờ sáng nay, Hội An đã phải cắt điện toàn bộ để đảm bảo an toàn, thị xã chỉ dùng máy phát diện ở những nơi cần thiết.

 

Quảng Nam: Mưa lớn, gió to gây mất điện và đổ cây hàng loạt

 

Bão tàn phá dữ dội các tỉnh miền Trung - 3

Hàng loạt cây to trên đường phố Đà Nẵng bị gió đánh bật gốc. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

11h15 trưa 1/10: Tuy tâm bão đang đổ bộ vào Đà Nẵng nhưng gió bão tại Quảng Nam vẫn đang gầm rít dữ dội. Lượng mưa phổ biến tính đến 9 giờ sáng nay từ 150-250mm, tại thị xã Hội An là 270mm, Tam Kỳ 288mm. Do mưa lớn trên diện rộng nên nước các sông ở Quảng Nam dâng lên rất nhanh, hiện đang trên mức báo động 2.

 

Tại Tam Kỳ, nhiều tuyến đường bị tắc nghẽn do nước dâng cao, chưa kịp tiêu úng. Tại xã đảo Tân Hiệp (Hội An), 500 mét đê bao thuộc 2 thôn Bãi Làng và Bãi Hương bị nước dâng cao, có nguy cơ sạt lở.

 

Dọc theo tuyến quốc lộ 1A thuộc các huyện như Điện Bàn, Duy Xuyên... hàng trăm cây cây cối ngã đổ làm tắc nghẽn giao thông. Nhiều đoạn đường nước đã bắt đầu tràn qua, nhiều ha lúa chưa kịp thu hoạch đã bị ngập chìm trong nước.

 

Ngay trong sáng nay, lực lượng CSGT công an tỉnh Quảng Nam đã huy động toàn bộ lực lượng triển khai phương án giải tỏa ách tắc, đảm bảo việc đi lại thông suốt cho xe khách và ô tô nhỡ chuyến từ TPHCM về Đà Nẵng và ngược lại.

 

Tại các xã Bình Trung, Bình An, Bình Tú thuộc huyện Thăng Bình nhiều nhà cửa bị tốc mái, người dân đang tập trung chống đỡ đến cùng, tính đến 9 giờ sáng nay, chưa có ngôi nhà nào bị sập.

 

4h00 sáng 1/10: Tại các vùng ven biển, biển động dữ dội, gió bão khốc liệt, nhiều cơn sóng tràn bờ, tràn lên cả đường vào các khu dân cư.

 

Ở đất liền, sức gió mạnh trên cấp 9. Riêng Tam Kỳ giật cấp 9, cấp 10; Cửa Đại (Hội An) giật trên cấp 10, cấp 11; Thăng Bình giật trên cấp 10…

 

Qua quan sát của PV Dân trí, nhiều cây cối ở đây đã bật gốc, đổ rạp vì gió bão. Hiện tại chỉ một số khu vực như huyện Tam Kỳ, Thị xã Hội An và một số khu vực nội thị là còn có điện chạy bằng máy nổ để đảm báo trực chiến. Còn lại tất cả các vùng khác đều bị cắt điện hoàn toàn.

 

Do mưa to nên mực nước sông lên nhanh và vẫn tiếp tục lên nhanh nữa. Trên sông Vô Gia tại trạm đo Ái Nghĩa đo được 5,9m (dưới báo động 1 là 1m). Sông Thu Bồn tại trạm đo Nông Sơn là 5,3m; tại trạm đo Giao Thủy là 2,35m (dưới báo động 1 là 3,45m); ở trạm đo Câu Lâu là 1,43m (dưới báo động 1 là 0,67m)…

 

Mặc dù mưa bão bắt đầu hoành hành nhưng mạng thông tin liên lạc ở Quảng Nam vãn được đảm bảo thông suốt. Hiện toàn tỉnh đang bị bao phủ bởi những cơn mưa rất lớn và dự báo tình trạng này sẽ vẫn tiếp tục kéo dài.

 

Thừa Thiên Huế: 70% địa bàn toàn tỉnh mất điện

Bão tàn phá dữ dội các tỉnh miền Trung - 4

Bão số 6 đang hoành hành từng giờ ở Huế. (Ảnh: Việt Hưng)

10 giờ sáng nay cơn bão Xangsane ảnh hưởng trực tiếp đến cố đô Huế với sức gió mạnh cấp 9, cấp 10. Sau hơn 2 giờ đồng hồ càn quét, đã có một vài người dân bị thương, 950 ngôi nhà bị sập và tốc mái. Trong đó bị ảnh hưởng nặng nhất là huyện Phúc Lộc với 580 nhà, Nam Đông 150 nhà, Hương Thủy 56 nhà, Phong Điền 60 nhà, Phú An 87 nhà…

 

Ngoài ra, một cột ăngten vi ba bị gió quật đổ đã đánh sập ngôi nhà số 18 phố Bảo Quốc, TP Huế. Rất may không có thiệt hại nào về người.

 

Các công trình trọng điểm rất được lo lắng khi bão tràn vào như hồ chứa nước, đập Hòa Duân, đội tàu xã Phú Thuận… vẫn nằm trong vùng an toàn. Tuy nhiên, trưởng đội tàu Phú Thuận lại lo lắng cơn gió tây nam kéo đến sau bão sẽ đánh vỡ các thân tàu.

 

Tình hình giao thông ở Huế cũng bị ảnh hưởng do ngập nước và sạt lở. Quốc lộ 49 từ Phong Hòa đi Phong Bình đã bị tắc nghẽn do ngập nước. Tuyến tỉnh lộ 49B cũng bị tăc đường nhiều nơi do bị sạt lở và ngập nặng.

 

Hiện đoàn tàu SE5 với 261 hành khách và 33 nhân viên đang phải nằm lại ở Huế để tránh bão. Tất cả đều an toàn và được chăm sóc chu đáo.

 

Riêng các sự cố về điện đang được các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế khẩn trương khắc phục để đưa đời sống nhân dân trở lại bình thường.   

 

Theo dự báo, sau khi bão đổ bộ đất liền, rất nhiều khả năng Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục chịu nhiều trận mưa lớn liên tiếp. Nguy cơ lớn nhất đang đe dọa tỉnh nài là lũ lụt vì lượng mưa vẫn tiếp tục tăng.

 

 

Văn Hiếu - Văn Dũng - Công Nghĩa - Việt Hưng
(Điện thoại từ miền Trung)

 

Những cơn bão mạnh trong lịch sử

 

* 19/9/1962: bão số 5 mạnh cấp 13 (sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão đạt 133km/g).

 

* 3/10/1964: bão số 10 mạnh cấp 13 và 15/8/1965 bão số 5 mạnh cấp 13 đổ bộ vào vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Bình.

 

* 9/8/1968: bão số 3 mạnh cấp 13 và 12/7/1971 bão số 8 mạnh cấp 13 đổ bộ vào Quảng Ninh - Thanh Hóa.

 

* 10/7/1971: bão số 9 mạnh cấp 12 đổ bộ vào Nghệ An - Quảng Bình.

 

* 19/10/1971: bão số 14 mạnh cấp 12 đổ bộ vào Quảng Trị - Quảng Ngãi.

 

* 5/7/1973: bão số 2 mạnh cấp 12 đổ bộ vào Nghệ An - Quảng Bình.

 

* 22/8/1973: bão số 6 mạnh cấp 12 và 28/9/1983, bão số 7 mạnh cấp 12 đổ bộ vào Quảng Ninh - Thanh Hóa.

 

* 21/10/1983: bão số 11 mạnh cấp 12 đổ bộ vào Nghệ An - Quảng Bình.

 

* 2/11/1984: bão số 10 mạnh cấp 12 và 12/10/1985, bão số 8 mạnh cấp 12 đổ bộ vào Quảng Trị - Quảng Ngãi.

 

* 16/8/1986: bão số 5 mạnh cấp 12 đổ bộ vào Quảng Ninh Thanh Hóa.

 

* 8/10/1989: bão số 9 mạnh cấp 13 và 25/8/1990, bão số 5 mạnh cấp 12 đổ bộ vào Nghệ An - Quảng Bình.

 

* 19/11/1993: bão số 10 mạnh cấp 13 đổ bộ vào Bình Định - Ninh Thuận.

 

* 26/10/1995: bão số 11 mạnh cấp 12 đổ bộ vào Quảng Trị - Quảng Ngãi.

 

* 19/9/2005: bão số 7 mạnh cấp 12 đổ bộ vào Quảng Ninh -  Thanh Hóa.

 

Theo Tuổi Trẻ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Dòng sự kiện: bão số 6 - 2006