Bão số 3 đổ bộ Đà Nẵng - Quảng Nam

(Dân trí) - Thời điểm bão đổ bộ đất liền cũng như khoảng thời gian sau đó, nhiều nơi thuộc các tỉnh này không có mưa lớn. Tại một số khu vực ven biển có mưa to, gió lớn trong nhiều giờ trước bão.

21h50, Đà Nẵng tiếp tục có mưa to, gió lớn. Tuy nhiên, không lâu sau mưa lại giảm cường độ... Trong khi đó, trao đổi với PV Dân trí, Chủ tịch phường Cửa Đại (TP Hội An) - ông Nguyễn Sinh - cho hay, bão đã đi qua địa phương này. Gió đã giảm bớt và mưa cũng ngớt. "Nói chung là gió nhẹ, mưa không lớn và thiệt hại không đáng kể", ông Sinh cho biết.

 


Đường phố Đà Nẵng sau bão

Đường phố Đà Nẵng sau bão

21h15, theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tối nay (14/9) bão số 3 đã đi vào địa phận các tỉnh Quảng Nam-Quảng Ngãi và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Bão đã gây gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 tại đảo Lý Sơn. Vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình-Đà Nẵng có gió giật cấp 6-7. Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa tính đến 19 giờ ngày 14/9 phổ biến 150-250mm, có nơi trên 250mm như: Kỳ Anh (Hà Tĩnh): 266mm; Nam Đông (Huế) 354mm; Tiên Sa (Quảng Nam) 312mm;...

21h10, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Tin - Chủ tịch xã Tam Quang (huyện Núi Thành) cho biết, tại đây gió không lớn, mưa đã dứt.

21h tại TP Huế có mưa và gió tuy nhiên cường độ không quá lớn. Các tuyến phố thường ngày rất đông người qua lại như phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, khu chợ đêm, số người đi lại rất hạn chế vì mưa bão.

Cũng cùng thời điểm thì một số nơi tại Phường Phú Hòa (TP Huế) đã xảy ra tình trạng mất điện cục bộ. Chị Nguyễn Thị Thảo, lao công tại tuyến đường Trần Hưng Đạo qua phường này cho biết: "Từ chiều khi bão đang đổ bộ vào thì gió dật rất mạnh, lá cây và cành cây khô rụng đầy đường khiến tôi phải quét đi quét lại nhất nhiều lần trong khoảng thời gian ngắn".

 

Bảng hiệu trước khách sạn 5 sao Indochine Palace đường Hùng Vương, TP Huế bị gió quật đổ vào đầu giờ tối
Bảng hiệu trước khách sạn 5 sao Indochine Palace đường Hùng Vương, TP Huế bị gió quật đổ vào đầu giờ tối

 

1 cây xanh lớn trong công viên sát sông Hương bị bật gốc.
1 cây xanh lớn trong công viên sát sông Hương bị bật gốc.

Theo tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tại địa bàn tỉnh còn hơn 1.000 ha lúa hè thu trà muộn chưa kịp thu hoạch trước khi đợt bão lũ đầu mùa xảy ra. Nếu có lũ lớn, diện tích lúa này có thể sẽ đứng trước nguy cơ mất trắng.

Trao đổi với PV Dân trí lúc 20h40 tối nay (14/9), ông Lê Thanh Hải - Phó TGĐ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, theo quan sát trên radar lúc 20h, vùng trung tâm bão số 3 đang cách đất liền các tỉnh Đà Nẵng - Quảng Nam khoảng 10km. Lúc 20h30, bão số 3 đổ bộ vào đất liền các tỉnh nói trên.

Ông Hải cho biết thêm, cơn bão số 3 có bán kính không lớn, chỉ khoảng 100km2 và vùng trung tâm của bão hay còn gọi là "mắt bão" có bán kính khoảng 10km.

20h30, chị Vân Anh (trú tổ 70A, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, do khu vực này sát biển, nên từ chiều đến giờ ở đây mưa to, gió lớn. Chị không thể ra ngoài để đi ăn tối được. 

Khu vực đường Nguyễn Hữu Thọ, trời tạnh nhưng có gió to nên cúp điện từ chiều. 


Tranh thủ lúc tạnh mưa để gia cố nhà cửa

Tranh thủ lúc tạnh mưa để gia cố nhà cửa

20h, tại Đà Nẵng, mưa gió đã tạm ngớt. Một số hộ dân tranh thủ gia cố nhà cửa trước khi bão vào... Cùng thời điểm tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), trời tạnh ráo và không có gió. Tuy nhiên, đường phố rất thưa thớt người đi.

Bão số 3 đổ bộ Đà Nẵng - Quảng Nam - 5

20h tối nay, đường phố Tam Kỳ chưa có dấu hiệu của bão

20h tối nay, đường phố Tam Kỳ chưa có dấu hiệu của bão

19h40, trao đổi với PV Dân trí, Chủ tịch phường Cửa Đại (TP Hội An) cho biết, lúc này gió đã giảm bớt nhưng mưa to và ngắt quãng. Cứ khoảng 5 phút, trời lại mưa to chừng gần 10 phút rồi ngưng và sau đó mưa tiếp.

Còn ông Nguyễn Tin - Chủ tịch xã Tam Quang (huyện Núi Thành) cho biết, lúc này ở địa phương gió đã giảm, mưa cũng ít. Tuy nhiên, trước đó, buổi chiều trời có gió to tưởng như bão đã đổ bộ vào đất liền.

Ông Tin cho rằng, với thời tiết hiện tại, người dân không có cảm giác bão đổ bộ vào nhưng xã không chủ quan mà theo dõi chặt chẽ để triển khai các biện pháp ứng phó.

19h20, Đà Nẵng có mưa to, gió lớn trở lại.

Bão số 3 đổ bộ Đà Nẵng - Quảng Nam - 7

Hình ảnh đường phố Đà Nẵng trước giờ bão đổ bộ

Hình ảnh đường phố Đà Nẵng trước giờ bão đổ bộ

19h15, tại thành phố Quảng Ngãi, mưa nhỏ, không có gió. Mọi hoạt động của đời sống về cơ bản vẫn diễn ra bình thường... Tương tự như vậy, tại Bình Định, trời không mưa. Trước đó, buổi sáng tại tỉnh này có mưa, nhưng đến chiều, trời đã tạnh và đến tối, ngoài trời không có biểu hiện bất thường. Một số tàu cá tạm ghé bến, chờ đợi...

19h5, tại Đà Nẵng mọi hoạt động của người dân vẫn diễn ra bình thường. Các quán xá ven đường vẫn mở bán bình thường. Các quán cà phê vẫn có khách vào ra. Đường phố vẫn đông người qua lại.

Từ chiều đến tối 14/9, trên địa bàn TP Đà Nẵng, thời tiết lúc mưa lúc tạnh, gió vừa phải.

 

Bão số 3 đổ bộ Đà Nẵng - Quảng Nam - 9

 


Từ chiều 14/9, mưa đã gây ngập một số khu vực tại Đà Nẵng

Từ chiều 14/9, mưa đã gây ngập một số khu vực tại Đà Nẵng

18h55, theo phóng viên Dân trí tại Quảng Nam, một số huyện, thành phố phía Bắc tỉnh này có gió và mưa to, còn các huyện phía Nam có gió và mưa nhỏ.

Theo báo cáo của Ban chủ huy PCLB&TKCN tỉnh, đến cuối giờ chiều nay, chỉ có huyện Duy Xuyên tổ chức di dời được 189 hộ dân với 643 nhân khẩu.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện nay hoàn lưu bão số 3 đã gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 tại đảo Lý Sơn và đảo Cồn Cỏ. Vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình - Đà Nẵng có gió giật cấp 6-7. Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa tính đến 13 giờ ngày 14/9 phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm như: Kỳ Anh (Hà Tĩnh): 258mm; Tiên Sa (Quảng Nam): 257mm; Trà Khúc (Quảng Ngãi): 215mm;...

1-1442228802644

Vị trí và đường đi của bão số 3 (Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương)

 

Hồi 17h chiều nay (14/9), vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,5 độ vĩ Bắc; 109,2 độ kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Đà Nẵng-Bình Định. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 60 đến 75km một giờ), giật cấp 9-10.

 

Sóng biển đánh dữ dội tại vùng biển Đà Nẵng, ảnh chụp chiều nay, 14/9, (Ảnh: Khánh Hồng)
Sóng biển đánh dữ dội tại vùng biển Đà Nẵng, ảnh chụp chiều nay, 14/9, (Ảnh: Khánh Hồng)

Trong khoảng 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, sau đó là Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15km. Như vậy tối nay vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh Quảng Nam-Quảng Ngãi, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 15/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 107,7 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 40km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, đêm nay vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn) còn có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9-10, Sóng biển cao từ 3-4m. Biển động rất mạnh. Khu vực ven biển các tỉnh Quảng Trị-Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, vùng gần tâm bão đi qua cấp 7-8, giật cấp 9-10. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Từ ngày 14-16/9, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, Kon Tum-Gia Lai có mưa to đến rất to (200-300mm). Từ ngày 15-18/9, có mưa vừa, mưa to ở các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh (100-300mm) và đồng bằng Bắc Bộ (50-100mm).

Trên các sông từ Thanh Hóa đến Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Mực nước trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định có khả năng lên mức báo động 1 đến báo động 2, các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2.

Ngoài ra, khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động. Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh Bình Thuận đến Cà Mau có gió tây nam mạnh cấp cấp 6, giật cấp 7-8 và có mưa giông mạnh, biển động. Trong cơn giông có khả năng xảy ra lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

C.Bính - K. Hồng - H. Long - Đ. Dương- P.Công- N.Dương