1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Bão lớn hoành hành trên biển Đông

(Dân trí) - Trưa 1/8, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 3. Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) có gió xoáy mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động rất mạnh.

Ngoài ra, do tác động của hoàn lưu bão, gió mùa tây nam trên khu vực giữa và nam biển Đông (bao gồm vùng biển ngoài khơi nam Trung Bộ, Nam Bộ) mạnh cấp 6, cấp 7. Biển động mạnh. Trong cơn giông cần đề phòng tố lốc.

 

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn TƯ, trong 24 đến 48 giờ tới, bão số 3 có khả năng di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và tiếp tục mạnh thêm.

 

Bão lớn hoành hành trên biển Đông - 1

Hướng di chuyển và vùng ảnh hưởng của bão số 3 theo dự báo của Hải quân Hoa Kỳ (Thanh Niên).

 

Hồi 13 giờ chiều 1/8, vị trí trung tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ vĩ bắc; 117,8 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật trên cấp 8.

 

Công điện khẩn

 

Văn phòng thường trực ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn vừa có Công điện số 35 về việc triển khai phòng chống cơn bão số 3.

 

Công điện gửi Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các bộ: Quốc phòng, Thủy sản, Giao thông, Tổng cục Du lịch, Tổng công ty dầu khí Việt Nam .

 

Công điện đề nghị các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành nói trên kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi đánh bắt hải sản, thông báo cho chủ các phương tiện, tàu thuyền hoạt động nghề cá, các phương tiện vận tải trên biển, chủ các công trình thăm dò, khai thác dầu khí và các công trình khác đang hoạt động trên biển, ven biển nhất là đê biển đang được phục hồi nâng cấp sau bão số 7 năm 2005 và các khu du lịch biết vị trí, hướng di chuyển của bão để có biện pháp chủ động phòng tránh.

 

Các nơi cần trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và thường xuyên báo cáo tình hình về văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

 

Hiền Linh