1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bao giờ người lao động được lĩnh lương mới?

(Dân trí) - <a href=" http://www5.dantri.com.vn/Sukien/2006/9/140557.vip"> Nghị định 94</a> của Chính phủ vừa ban hành đã chính thức giải đáp mọi thắc mắc của người lao động về mức lương mới sẽ được hưởng từ 1/10 tới. Tuy nhiên theo thông lệ, Nghị định quy định đã có, thời hạn tăng lương mới cũng đã đến nhưng người lao động vẫn phải chờ Thông tư hướng dẫn…

Để giải đáp những thắc mắc này, Dân trí đã có cuộc gặp gỡ với TS. Nguyễn Quang Huề - Trưởng phòng Nghiên cứu quan hệ lao động, Viện Khoa học Lao động và xã hội - một trong những thành viên tham gia tư vấn cho Bộ LĐ-TB&XH xây dựng mức lương tối thiểu.

Đợt điều chỉnh lương tối thiểu này sẽ tác động đến đối tượng nào là chính, thưa ông?

Đối tượng tác động trực tiếp của lương tối thiểu chính là những người làm việc trong khối hành chính sự nghiệp. Bởi khi điều chỉnh lương tối thiểu thì khối hành chính sự nghiệp này phải “gánh” theo một số lượng quá lớn như: lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc và tính trợ cấp thôi việc…

Tăng lương tối thiểu cũng sẽ kéo theo một vấn đề lớn cần giải quyết là nguồn ngân sách phải cân đối như thế nào cho phù hợp và bảo đảm sự phát triển bền vững. Vậy nên, chúng ta điều chỉnh mức lương tối thiểu phải có quá trình và mang tính hệ thống.

Khối doanh nghiệp thì cũng chỉ bị tác động chút ít bởi sự điều chỉnh này, vì chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu thì họ cũng đã hưởng mức lương cao hơn rồi. Tuy nhiên, nếu đẩy nhanh tốc độ tăng lương tối thiểu thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ không thể điều chỉnh kịp. Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì không hề bị ảnh hưởng, bởi việc hưởng lương và trả lương như thế nào là sự thỏa thuận giữa người lao động và người chủ doanh nghiệp.

Với mức lương tối thiểu là 450.000đ/tháng, nhiều người cho rằng, mức điều chỉnh này quá ít, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển của thị trường. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Về vấn đề này, chúng ta phải nhìn nhận đúng bản chất của lương tối thiểu. Đối tượng áp dụng của nó là 1 người lao động giản đơn, trong điều kiện lao động bình thường, không phải qua đào tạo. Và đó là mức lương tối thiểu để duy trì cuộc sống cho một người bình thường. Tuy nhiên, tôi cũng phải nói rõ thế này, mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh từ 1/10 tới không phải là mức lương thấp nhất. Bởi vì tuỳ đối tượng mà mức lương tối thiểu áp dụng theo bậc lương khác nhau. Xin lấy ra một ví dụ đơn giản như thế này, nếu như anh tốt nghiệp đại học hệ chính quy ra thì nghiễm nhiên anh đã được hưởng mức lương tối thiểu là 2,34, tính ra lương cũng đã được hơn 1 triệu đồng/tháng.

Tính trong mối quan hệ giữa lương tối thiểu và sự phát triển của nền kinh tế, mức lương tối thiểu của Việt Nam đứng ở vị trí nào so với các nước trong khối ASEAN và các nước phát triển, thưa ông? 

Rất khó đánh giá chuẩn xác về điều này vì không thể có một tiểu chuẩn, một hệ qui chiếu chung để so sánh. Bởi cơ chế tiền lương, sự phát triển của nền kinh tế mỗi nước có sự khác nhau nhất định. Vậy nên, chúng ta không thể lấy mức lương tối thiểu của nước này áp cho nước kia.

Tuy nhiên, theo tôi nhận thấy đứng về một khía cạnh nào đó, mức lương tối thiểu của Việt Nam đang thấp cũng thu hút được sự đầu tư của nước ngoài. Bởi thực tế cũng cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài luôn cố gắng tìm nguồn lao động giá rẻ tại nước hoặc địa phương mà họ hướng tới. Và với mức lương tối thiểu như hiện nay, Việt Nam sẽ lọt vào “tầm ngắm” của nhiều nhà đầu tư quốc tế.

Là thành viên tham gia vào việc tư vấn cho Bộ LĐ -TB&XH xây dựng nên mức lương tối thiểu mới, ông có đưa ra một phương án nào để tăng lương tối thiểu tiến đến mức cân đối với nền kinh tế hay không?

Muốn lương tối thiểu tăng kịp và cân đối với sự phát triển kinh tế, chúng ta phải tách hẳn lương tối thiểu ra khỏi khối hành chính sự nghiệp. Bởi hiện tại, ngoài lương, thì ngân sách Nhà nước đang phải chi cho quá nhiều thứ. Bên cạnh đó, quan hệ chính sách và tiền lương vẫn còn chưa thật rõ ràng, nhiều khi đan xen lẫn nhau.

Do đó, chủ trương của Bộ LĐ-TB&XH là sẽ tách hẳn lương của khối hành chính sự nghiệp ra, dự định là từ nay đến năm 2008, muộn nhất là năm 2009. Đây cũng là bước đi để tiến tới thống nhất mức lương tối thiểu chung giữa các doanh nghiệp quốc doanh và các doanh nghiệp FDI.

Điều mà người lao động mong chờ nhất hiện nay là bao giờ được cầm trong tay số tiền truy lĩnh, bởi chắc chắn là ngày 1/10 tới sẽ chưa thể áp dụng trả lương cho các đối tượng được điều chỉnh?

Hiện tại, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã có chủ trương là sẽ ban hành luôn Thông tư hướng dẫn, tránh trường hợp Nghị định có rồi nhưng không áp dụng được vì không có Thông tư hướng dẫn hoặc Thông tư ra đời quá chậm. Và chỉ trong năm nay thôi người lao động sẽ được truy lĩnh lương mới.

Xin cảm ơn ông!

An Hạ (thực hiện)