1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Bão” giá mới từ “cú hích” xăng dầu

(Dân trí) - Thông tin <a href="http://www1.dantri.com.vn/Sukien/2007/11/206517.vip">tăng lương</a> vừa “len” nhẹ vào tâm tư người tiêu dùng thì việc <a href="http://www1.dantri.com.vn/Sukien/2007/11/206780.vip">giá xăng dầu đột ngột tăng</a> (cao nhất từ trước đến nay) đã khiến không ít người đi từ bất ngờ đến lo lắng. Một cơn “bão” giá mới đang hình thành với cấp độ mạnh nhất là vào thời điểm cuối năm.

Các mặt hàng rục rịch tăng giá

Quyết định tăng giá xăng dầu của liên Bộ Tài chính - Công thương không chỉ làm người dân, mà ngay cả giới báo chí cũng bất ngờ, thậm chí một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu cũng không kịp niêm yết giá mới khi thời điểm quyết định tăng giá của liên Bộ đưa ra lúc 11h trưa 22/11.

Chị Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Giá xăng tăng cao, gia đình tôi có thể giảm bớt việc đi lại, nhưng không thể nhịn ăn nhịn uống được. Nếu ngày trước cầm 100.000 đồng đi chợ có thể mua thức ăn cả ngày thì mấy ngày nay cũng với số tiền này tôi chỉ mua đủ thức ăn cho 1 bữa.

“Vừa mới có thông tin tăng lương, giờ lại thêm giá xăng tăng, đúng là “đại hoạ” đối với các bà nội trợ” - chị Thanh nói tếu táo.

Chị Mơ, người bán hàng tại chợ Thành Công (Hà Nội) cho biết: “Giá cả đã tăng trong một thời gian khá dài, với việc tăng giá xăng dầu hiện nay sẽ khiến giá tiếp tục tăng cao. Chúng tôi không muốn tăng giá vì khó buôn bán nhưng không tăng không được, bản thân các đơn vị cung cấp hàng cũng tăng giá, chưa kể  phí vận chuyển, xăng xe đi lại mà chúng tôi phải chịu”.

Khảo sát các chợ tại Hà Nội chiều 22/11 cho thấy, giá các loại thịt bò dao động từ 80.000đ - 100.000đ/kg (loại 1); thịt lợn thăn 65.000đ/kg, ba chỉ từ 40.000đ - 45.000đ/kg; cá rô 50.000đ/kg, cá chép trên 45.000đ/kg; tôm sú to 150.000đ/kg; thịt gà ta từ 85.000đ - 100.000đ/kg; gạo tăng từ 500đ -1.000đ/kg tùy loại…

Đặc biệt các loại rau, củ quả (như cải ngọt, cải thảo, dưa chuột, cà chua, quả su su) đã “thức thời” tăng giá khá mạnh từ 500đ - 2.000đ/kg do nguồn hàng bị ảnh hưởng bởi mưa bão và dịch bệnh tiêu chảy khiến nhiều người chuyển sang ăn các loại củ, quả cho an toàn.

Không chỉ lương thực, thực phẩm tăng cao, mà ngay cả các hãng vận tải và taxi cũng rậm rịch tăng giá. Nhưng do thời gian tính toán cũng như điều chỉnh đồng hồ tính cước, nên mức giá tăng cụ thể sẽ được các hãng taxi công bố vào đầu tuần tới.

“Giá xăng dầu tăng trong thời điểm này khiến chúng tôi đau đầu, bởi không phải cứ giá xăng dầu tăng là cước vận chuyển điều chỉnh tăng ngay được. Chúng tôi phải tính toán cho khéo để cân bằng giữa lợi ích của doanh nghiệp mà lại không mất đi tính cạnh tranh trên thị trường”- ông chủ một hãng taxi ở Hà Nội than thở.

CPI sẽ vượt 2 con số?

Cùng với thông tin tăng lương, theo nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Nam (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thương mại) giá xăng dầu tăng trong giai đoạn này sẽ nhanh chóng “thổi bùng” giá các mặt hàng tiêu dùng vốn đã có chiều hướng tăng trong một thời gian khá dài vừa qua. Đây được xem là “cú hích kép” đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2007 vượt 2 con số: trên 10%.

Mặc dù vậy, theo ông Nam, việc điều chỉnh giá xăng dầu tăng là hợp lý trong giai đoạn hiện nay. Bởi nguồn cung xăng dầu trong nước chủ yếu là nhập khẩu, mua vào với giá đắt thì giá bán lẻ cho người tiêu dùng cũng phải tăng theo. 

Còn theo PGS.TS Ngô Trí Long (Viện nghiên cứu giá cả Bộ Tài chính), giá cả trong nước tăng cao là do giá thế giới diễn biến phức tạp với chiều hướng tăng và dịch bệnh đang diễn ra trên diện rộng làm giảm lượng cung đáng kể.

“Thời gian qua, Chính phủ đưa ra rất nhiều các giải pháp nhằm bình ổn giá cả các mặt hàng trong nước. Đối mặt với việc tăng giá, Nhà nước thường sử dụng biện pháp giảm thuế để giữ bình ổn giá, tuy nhiên việc giảm thuế không đi kèm với việc kiểm tra, kiểm soát sát sao dẫn đến việc giảm thuế nhập khẩu được các doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi, chứ không giảm giá” - ông Long nói. 

Với một nền kinh tế phụ thuộc vào các loại nguyên liệu nhập khẩu như nước ta thì việc giá cả thế giới tăng mạnh và đứng ở mức cao như hiện nay sẽ tạo ra áp lực tăng giá đối với hầu như tất cả các ngành sản xuất trong nước thời gian tới.

Việc giảm mạnh thuế nhập khẩu đối với hàng loạt mặt hàng trong điều kiện giá nguyên liệu thế giới vẫn rất cao không tạo được ra nguồn hàng lớn với giá rẻ, do đó giá tiêu dùng trong nước vẫn tiếp tục tăng.

Với quy luật của nhiều năm nay, thời điểm cuối năm giá cả bao giờ cũng tăng, chưa kể tới tác động của tăng lương, tăng giá xăng dầu. Theo đề xuất của PGS.TS Ngô Trí Long, thì: “Để bảo đảm hạn chế việc tăng giá cần đẩy mạnh nguồn cung cho thị trường bằng cách cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi để mua hàng phục vụ Tết; tiếp tục thực hiện miễn giảm thuế.

Bên đó cần đẩy mạnh công tác kiểm tra kiểm soát, tránh trường hợp doanh nghiệp đầu cơ, tự ý nâng giá, thực hiện tốt Pháp lệnh về giá và xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm”.

An Hạ