1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Báo cáo thực hiện lời hứa là căn cứ bỏ phiếu tín nhiệm Bộ trưởng

(Dân trí) - “Báo cáo thực hiện lời hứa bao hàm cả ý đánh giá, nhận định của Chính phủ về Bộ trưởng. Việc thực hiện lời hứa này cũng là căn cứ để lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm Bộ trưởng” - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo về chương trình kỳ họp thứ 4.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo về chương trình kỳ họp thứ 4.
 
Chủ trì phiên họp báo thông tin về chương trình kỳ họp thứ 4 chiều nay, 19/10, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh nhiều nội dung đổi mới quan trọng trong kỳ họp này.

Cụ thể, ông Phúc cho biết, điểm mới trong hoạt động chất vấn là là nghe thêm một bản báo cáo – báo cáo thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn trong kỳ họp thứ 2, 3 trước đó. Báo cáo này do một Phó Thủ tướng thay mặt Chính phủ trình bày.

Trước đây, báo cáo của mỗi Bộ trưởng chỉ được gửi đến đại biểu Quốc hội xem xét. Để từng Bộ trưởng đọc trước Quốc hội cũng quá nhiều thời gian. Vậy nên, báo cáo được tổng hợp chung, do một Phó Thủ tướng trình bày.

“Báo cáo tổng hợp này, vì thế, cũng bao hàm ý đánh giá, nhận định của Chính phủ về Bộ trưởng. Việc thực hiện lời hứa này cũng là căn cứ để lấy phiếu tín nhiệm. 2 năm liên tiếp lấy phiếu không đạt tỷ lệ 50% sẽ phải chuyển sang bỏ phiếu tín nhiệm Bộ trưởng” – ông Phúc giải thích.

Về đề án bỏ phiếu tín nhiệm, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, tại kỳ họp này, Quốc hội mới thông qua đề án, lấy ý kiến đại biểu xung quanh dự thảo Nghị quyết về vấn đề này. Khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua, Nghị quyết mới có hiệu lực và được áp dụng thực hiện từ năm 2013. Như vậy, lần này, Quốc hội chỉ dừng ở việc bàn, quyết định về cách thức, quy trình, thủ tục tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ, chưa trực tiếp thực hiện bỏ phiếu với 1 chức danh cụ thể nào.

Một nội dung quan trọng khác được nhấn mạnh trong kỳ họp thứ 4 là hoạt động lập hiến. Ông Phúc thông tin, hoạt động này sẽ được dành thời lượng 2 ngày thảo luận luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

Dự kiến, thời điểm lấy ý kiến người dân diễn ra trong 3 tháng, bắt đầu từ tháng 1 và kết thúc cuối tháng 3/2013. Sau đó, bản dự thảo sẽ được hoàn chỉnh để chuẩn bị trình Quốc hội vào kỳ họp cuối tháng 5. Ban chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp đã đặt mục tiêu để trong 2 kỳ họp của năm 2013 Quốc hội đều dành thời gian thảo luận về việc sửa Hiến pháp, hoàn chỉnh dự thảo để có thể thông qua và kỳ họp đầu năm 2014.

Hiến pháp năm 1992 cần được sửa đổi nhằm bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ mới.

Được khai mạc ngày 22/10 và dự kiến bế mạc ngày 22/11, kỳ họp Quốc hội thứ tư sẽ dành 16 ngày cho hoạt động lập pháp. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và 2 nghị quyết, cho ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 6 dự án luật khác.

Phiên họp cuối năm, theo thông lệ, để xem xét các vấn đề kinh tế xã hội, tình hình thu chi ngân sách… Quốc hội sẽ dành 10 ngày để nghiên cứu, thảo luận về các báo cáo kinh tế, xã hội, ngân sách, giám sát… Những vấn đề “nóng” như chính sách tiền tệ, ngân hàng, lãi suất, tội phạm kinh tế… cũng là những nội dung có thể xem xét đề xuất chọn Bộ trưởng trả lời chất vấn.

P.Thảo