1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bánh chưng và cuộc đại phá quân Thanh

(Dân trí) - Nhân ngày xuân Nhâm Thìn, độc giả hãy cùng <i>Dân trí</i> theo dòng lịch sử, trở lại thời điểm cách đây 223 năm, ôn lại chiến công hiển hách của dân tộc ta vào cuối năm Thân (1788), đầu năm Dậu (1789), cùng câu chuyện về chiếc bánh chưng ngày Tết.

Nguyên Vua Tây Sơn khi ở Nghệ An cất quân ra Bắc đã vấn kế Xử sĩ Nguyễn Thiếp mà xưa nay nhà vua vẫn quý trọng như bậc quân sư. Ông Thiếp vốn dạy học ở nhà vị quan Đề lĩnh họ Đinh, vừa ở Thăng Long về Nghệ An và đã hiểu tình trạng quân Thanh. Ông bèn hiến kế Vua Quang Trung sai sứ giả làm một phong thư đưa cho Tôn Sĩ Nghị, giả ý sợ oai thiên triều, sẽ tự trói mình đến Thăng Long tạ tội, đâu dám chống cự quân Thanh, cốt để làm cho Tôn thêm lòng khinh địch, không nghĩ đến việc đề phòng; đồng thời, cho đại quân tiến gấp ra Bắc khiến Tôn lúng túng trở tay không kịp.

 

Gần Tết, tình thế quân Thanh rất nguy khốn. Không còn kiêu căng, huênh hoang như mọi ngày. Tôn Sĩ Nghị đâm ra lo sợ cuống cuồng, bèn hạ lệnh đóng chặt các cửa thành, quân dân ta ra vào đều bị quân nhà Thanh khám xét tra hỏi rất nghiêm ngặt.

 

Sáng mùng một tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), tình hình càng thêm nghiêm trọng, quân dân ta không còn ai nghĩ đến chuyện ăn Tết thưởng Xuân nữa. Vị Đề lĩnh họ Đinh, một võ quan triều Lê, do không đồng ý trong việc mượn sức quân Thanh nên không được trọng dụng vào việc hành quân. Ông chỉ còn giữ một chức nhỏ là chức Giám ti, cai quản một toán lính già yếu để canh giữ các kho lương thực và khí giới của quân Thanh ở liền ngay cạnh sói phủ Tôn Sĩ Nghị.
 
Bánh chưng và cuộc đại phá quân Thanh - 1

Bánh chưng góp công lớn trong cuộc đại phá quân Thanh

 

Sáng mùng ba Tết, ông đang ngồi trong gian phòng lo nghĩ gần xa, chợt một tên lính hầu vào trình có một người xứ Nghệ đem biếu một cặp bánh chưng. Giật mình, ông cho gọi ngay vào xem ai. Ông vui vẻ nhân ra ngay là Xử sĩ Nguyễn Thiếp trước dạy học ở nhà ông. Ông vồn vã hỏi:

 

- Năm mới sao thầy không ở nhà ăn Tết cho vui lại ra đây làm gì cho vất vả?

 

Nguyễn Thiếp thong thả đáp:

 

- Tại kinh đô năm nay e mất Tết nên tôi vôi thân hành ra mừng Tết ngài - Ông vừa nói vừa dâng cặp bánh chưng, đồng thời liếc mắt nhìn ông Đinh và nhìn cả tứ phía. Ông Đinh hiểu ý ngay, bèn đuổi mấy tên lính hầu ra ngoài. Nguyễn Thiếp bóc ngay một chiếc bánh, cắt làm đôi, chỉ vào nhân bánh mà nói:

 

- Anh hùng nên phải thức thời và phải tùy thời mà lập công. Vận mệnh nhà Lê đã đến ngày tuyệt vọng, chúng ta nên sớm biết đường giúp nước. Vua Quang Trung anh dũng khác thường, nay đem quân ra quét sạch quân Thanh giày xéo đất nước. Để chóng thành công, nhà vua muốn cậy ông giúp sức. Vì thế ngài tự viết một tờ mật dụ ủy thác cho tôi đưa tới ông. Khi tới nơi thấy quân Thanh khám xét rất nghiêm, tôi phải để tờ dụ vào chiếc bánh chưng này để che mắt chúng và may đã lọt vào tới đây. Xin ông cứ thi hành đúng theo lời dụ, ắt nên công lớn. Một cơ hội rất tốt để giúp nước trừ giặc, ta chớ nên bỏ lỡ…

 

Dứt lời, ông rút tờ dụ để lẫn trong nhân bánh chưng đưa ông Đề lĩnh họ Đinh xem. Vui mừng như người được của, ông Đinh hẹn sẽ theo đúng kế hoạch thi hành.

 

Đến mùng bốn rạng ngày mùng năm tháng Giêng năm kỷ Dậu, giữa lúc quân Thanh đang liều chết chống cự với quân Tây Sơn, Tôn Sĩ Nghị đang cố gượng đứng trên kỳ đài đốc chiến. Chợt có tin cấp báo như sét đánh ngang trời: Soái phủ và các kho khí giới lương thực ở trong thành tự nhiên phát hỏa dữ dội, lửa bốc cao rực đỏ trời. Tôn sợ hãi rụng rời vì cho rằng quân Tây Sơn đã lọt được vào trong thành, liền bỏ cả việc đốc chiến ra lệnh rút quân, rồi nhảy lên ngựa cùng mấy tên tì tướng thân cận chạy trốn như bay. Còn quân lính thình lình thấy lệnh rút lui, lại thấy chủ soái cũng biến đâu mất, quân Thanh như rắn mất đầu, hoảng sợ tìm đường chạy trốn. Đám tàn quân chạy theo Tôn ra tới bờ sông Nhị Hà (sông Hồng) cũng tranh nhau xô đẩy xuống phù kiều để sang bên Bồ Đề (Bắc Ninh) mong tìm đường trốn thoát về Tàu. Người đông, cầu nhỏ yếu, quân sĩ chen chúc đè lên nhau ngã xuống sông, chết đuối không biết bao nhiêu mà kể. Cuối cùng riêng có Tôn Sĩ ghị, mấy viên tì tướng và một toán vệ binh nhỏ qua sông từ trước, may đã sống sót chạy về Tàu.

 

Còn Lê Chiêu Thống thấy tướng sĩ nhà Thanh đại bại, hết chỗ nương tựa, đành phải uất hận đem cung quyến và mấy chục viên quan trung thành, từ bỏ thành Thăng Long chạy theo Tôn Sĩ Nghị.

 

Ngày hôm sau, Vua Quang Trung kéo quân vào thành trước sự hoan hô của dân chúng. Xử sĩ Nguyễn Thiếp tâu bày mọi việc. Vua Quang Trung rất đẹp lòng và cho triệu ngay ông Đề lĩnh họ Đinh tới hỏi chuyện. Ngài tỏ lời ban khen và trọng thưởng ông Đinh vì đã sớm tỉnh ngộ và tuân theo đúng tờ dụ trong chiếc bánh chưng ngày Tết.

 

Chiến công thần võ của người anh hùng áo vải Quang Trung đã ghi trong sổ vàng cùng Bạch Đằng, Chi Lăng vĩ đại tỏa sáng ngàn thu.

 

(sưu tầm)