1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. Cháy nhà trọ 14 người chết

Bàn lại cách thức lấy phiếu tín nhiệm vào cuối năm

(Dân trí) - Chiều 14/8, UB Thường vụ Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận về mẫu báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm với các tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống để áp dụng cho lần lấy phiếu cuối năm nay.

Ngày 11/8, UB Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên họp thứ 30, dự kiến sẽ kéo dài trọn tuần này.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào 13 Dự án luật, trong đó có 9 Dự án luật dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 như: Luật đầu tư (sửa đổi), Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Luật nhà ở (sửa đổi), Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân (sửa đổi)…

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các dự luật này phải được xem xét, thảo luận kĩ lưỡng, thể hiện đầy đủ tinh thần Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là những nội dung liên quan đến Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khai mạc phiên họp thứ 30 của UB Thường vụ Quốc hội (ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khai mạc phiên họp thứ 30 của UB Thường vụ Quốc hội (ảnh: TTXVN)

Theo chương trình dự kiến, chiều 14/8, UB Thường vụ dành khoảng 30 phút cho ý kiến về về mẫu báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm về việc thực hiện các nội dung quy định tại điều 5 của Nghị quyết 35/2012/QH13.

Điều 5 của Nghị quyết 35 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn quy định căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn gồm: kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

Báo cáo đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của các chức danh thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm là một vấn đề nổi lên sau cuộc lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên tại Quốc hội vào tháng 6 năm ngoái. Nhiều ý kiến phân tích sau đó đã chỉ ra, UB Thường vụ Quốc hội chưa đưa ra tiêu chí cụ thể cho bản báo cáo. Vậy nên, có Bộ trưởng báo cáo rất ngắn gọn, kiệm chữ, có bản báo cáo của Bộ trưởng lại liệt kê, diễn giải như thành tích, kết quả hoạt động của ngành…

Lần lấy phiếu thứ 2 sẽ được tổ chức tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 cuối năm nay (tháng 10, 11/2014), Quốc hội tiếp tục thực hiện theo cách thức cũ vì chưa kịp sửa Nghị quyết 35. Hiện tại, các ý kiến đề xuất sửa toàn diện, cả về tần suất lấy phiếu, mẫu phiếu đánh giá tín nhiệm chỉ với 2 mức… là một vấn đề đang được xem xét, đánh giá.
 

Trong buổi sáng ngày 11/8, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi quy định về hoạt động đầu tư nhằm mục đích kinh doanh tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài; điều kiện và thủ tục đầu tư; quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư; chính sách ưu đãi và bảo đảm đầu tư; quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư.

Nội dung các đại biểu quan tâm thảo luận chính là cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, cơ chế bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân quy định trong luật. Các ý kiến cho rằng, dự thảo cần quy định rõ danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện. Những nội dung này phải quy định cụ thể, minh bạch ngay trong Luật, tránh việc để Chính phủ quy định sau.

Các thành viên UB Thường vụ Quốc hội cho rằng cơ quan soạn thảo (Bộ KH-ĐT) cần rà lại các điều cấm và quy định rõ hơn. Ngoài ra, Luật phải tạo ra sự thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kinh doanh, tránh để dân bị phiền hà, sách nhiễu. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo vẫn chưa đưa ra được danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện.

 

P.Thảo