1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bác sĩ vùng cao - buồn vui chuyện nghề

(Dân trí) - “Mày chữa bệnh kiểu chi thì chữa. Con tao mà chết thì tao chém chết mày!”. Đó không phải là lần đầu tiên bác sĩ Hà Thúy phải chữa bệnh trong cảnh “toát mồ hôi hột” như thế. Nhưng bằng tình yêu nghề, yêu người, anh vẫn tự nguyện đến với bà con T’rin.

Bác sĩ Hà Thúy chia sẻ: “Nghề thấy thuốc ở vùng cao vẫn phải đối mặt với những tình huống oái oăm như thế đấy, nhưng mỗi khi có người bệnh, dù khó khăn thế nào mình cũng phải đến bằng được với đồng bào. Cũng may, chưa ai bắt mình phải… đền mạng. Sau mỗi lần chữa khỏi bệnh, đồng bào lại càng tin tưởng và yêu quý mình hơn”.

 

Và cứ thế, gần 20 năm nay, nơi đâu có đồng bào T’rin bị bệnh, bác sĩ Hà Thúy lại bất kể đêm hôm, mưa gió, suối sâu, dốc cao… đến bằng được với bệnh nhân.

 
Bác sĩ vùng cao - buồn vui chuyện nghề - 1

Bác sĩ Hà Thúy khám bệnh cho một bệnh nhân ở Giang Ly (Khánh Vĩnh)
 

Người bác sĩ T’rin đầu tiên

 

Bác sĩ Hà Thúy sinh ra và lớn lên ở xã Cầu Bà (Khánh Vĩnh, Khánh Hòa). Anh là một trong số ít người dân tộc thiểu số được học hết lớp 12. Năm ấy, anh học ở trường PTTH dân tộc nội trú tỉnh Khánh Hòa. Sau ngày tốt nghiệp, Chủ tịch huyện Khánh Vĩnh là Cao Nguyên Tự gọi Hà Thúy lên văn phòng và nói: “Huyện sẽ cử mày đi học đại học Lâm nghiệp ở Tây Nguyên để về làm lâm trường!”.

 

Nghe nói thế, trong lòng Hà Thúy không ưng. Hình ảnh bà con bị bệnh tật mà đã bao nhiêu người không kịp chữa trị đã ám ảnh Hà Thúy từ thời niên thiếu, anh chỉ đau đáu ước mơ trở thành một người bác sĩ để chữa bệnh cho đồng bào mình.

 

Thấy Hà Thúy không chịu, vị Chủ tịch huyện lại đưa Hà Thúy về phòng giáo dục huyện nuôi ăn, ở một tuần để suy nghĩ về việc đi học đại học Lâm nghiệp, nhưng vẫn không lay động được ý nghĩ của chàng trai người T’rin. Khi chủ tịch hỏi chuyện, Hà Thúy nói: “Mình chỉ đi học nghề y thôi. Học nghề y về chữa bệnh được cho bà con mình. Nếu không cho mình đi học nghề y thì thôi. Mình về bản trồng mì, không đi học Lâm nghiệp đâu!”.

 

Chủ tịch huyện không muốn để một nhân tài của đồng bào mình, học cao hiểu rộng lại đi về trồng mì. Như thế thì uổng lắm! Cuối cùng, chủ tịch cũng phải đành chấp nhận cho Hà Thúy được học trường Trung học y tế Khánh Hòa, nhưng không được ưu tiên cử tuyển mà bắt buộc phải thi tuyển.

 

Khi theo học ở Nha Trang, vì điều kiện gia đình khó khăn, bố dượng đi lấy vợ khác để lại mẹ một nách 2 đứa con, nên Hà Thúy phải tự bươn chải. Mỗi kỳ nghỉ về nhà anh lại phải đi làm thêm như: rút mây rừng, lấy măng, đi làm công… để dành tiền xuống Nha Trang ăn học.

 

Sau 30 tháng theo học, Hà Thúy tốt nghiệp trường Trung học y tế Khánh Hòa (nay là Cao đẳng y tế Khánh Hòa) năm 1994. Về huyện, y sĩ Hà Thúy được cử làm phó Phòng khám đa khoa Khánh Lê, kiêm trạm trưởng trạm y tế xã Liên Sang. Nói là trạm trưởng nhưng trạm chỉ có một mình Hà Thúy. Anh vừa khám chữa bệnh, vừa phát thuốc, phòng dịch và kiêm luôn cả  việc chuyên chở bệnh nhân xuống huyện. Văn phòng làm việc cũng chưa có nên Hà Thúy và túi thuốc trở thành “trạm y tế di động”.

 

Từ đó, hình ảnh người thầy thuốc Hà Thúy đã trở nên quen thuộc trong con mắt bà con ở bốn xã cánh Tây huyện Khánh Vĩnh (Khánh Thượng, Giang Ly, Sơn Thái, Liên Sang). Nơi nào có người bệnh, nơi đó có Hà Thúy xuất hiện.

 

Hà Thúy nói: “Quê hương mình còn nhiều khó khăn và lạc hậu lắm. Mình chứng kiến cảnh các em nhỏ bị bệnh tật, thầy mo thầy cúng đến chữa, nói đuổi con ma, “bắt” con bệnh, nhưng các em vẫn gầy gò, nằm bẹp một xó chờ chết, các chị trong bản khi sinh nở thì được các bà mụ vườn đỡ đẻ rồi cắt rốn trẻ sơ sinh bằng cật tre… Mình thấy cắn rứt lắm”.

 

Hà Thúy muốn chữa được nhiều bệnh khác nhau cho bà con, vì thế anh đã không quản ngại khó khăn, tiếp tục khăn gói ra Huế để học đại học tại chức y khoa từ năm 2002-2004. Và anh đã trở thành bác sĩ người dân tộc T’rin đầu tiên của Khánh Hòa.
 
Bác sĩ vùng cao - buồn vui chuyện nghề - 2
Bác sĩ Hà Thúy – người con ưu tú của đồng bào T’rin

 

Chữ “Tâm” vang vọng giữa núi rừng

 

Về xã Cầu Bà, hỏi nhà bác sĩ Hà Thúy, ai cũng biết. Một người đàn ông tự nguyện dẫn chúng tôi đến tận nhà của anh. Vừa đi ông này vừa nói như khoe: “Hà Thúy tốt cái bụng lắm. Chữa được bệnh cho bà con nhanh khỏe lại. Bây giờ bà con cứ có bệnh là Hà Thúy lại đến chữa. Nó là người đồng bào mình, lại có học nên biết “bắt” con bệnh, giỏi lắm!”.

 

Khi chúng tôi đến nhà, con anh chạy ra hỏi chuyện rồi nói: “Bố không có ở nhà đâu, bố đi khám bệnh rồi”. Anh đang thăm bệnh ở nhà ông Cao Đi Đống  (thôn Chà Liên, xã Liên Sang). Đống say rượu bị té bầm tím mặt nhưng không dám đi khám vì sợ mọi người trêu trọc. Biết chuyện nên Hà Thúy đã đến thăm khám.

 

Anh cũng có thói quen, sau khi khám bệnh cho bệnh nhân ở trạm y tế xã, cuối tuần lại ghé thăm những người bệnh nặng xem bệnh đã bớt chưa. Tại đây, sau khi xem xét bệnh tình cho ông Đống, bác sĩ Thúy tranh thủ tuyên truyền thêm cho bà con về việc giữ gìn vệ sinh, phòng chống sốt rét…

 

Sự cần mẫn tích cực của anh cũng như đội ngũ ở trạm y tế xã đã tạo được niềm tin cho người dân.

 

Vừa khám bệnh, bác sĩ Hà Thúy vừa làm kiêm luôn công tác phòng chống dịch. Lúc bấy giờ việc đi lại ở nhiều xã thuộc huyện miền núi Khánh Vĩnh rất khó khăn, nhưng Hà Thuý vẫn không quản mưa nắng, sên vắt, ngược lên núi vận động và tiêm phòng cho trẻ nhỏ. Do nhận thức của bà con còn thấp nên công tác phòng dịch bệnh cũng không ít khó khăn, nhất là tiêm chủng cho trẻ em.

 

Anh tâm sự: “Bà con nghèo, thiếu cái ăn, cái mặc nên không quan tâm đến việc phòng bệnh đâu, mình phải đến tận từng nhà, có khi vào rẫy để vận đông… Mà nói với bà con phải nói rất mộc mạc, nói cho thật “ngọt” mới hiệu quả được”.

 

Những năm tháng làm việc, bác sĩ Hà Thúy có rất nhiều kỷ niệm khó quên. Anh kể lại: “Có lần, một sản phụ ở xã Giang Ly sinh khó sắp sửa vỡ tử cung, gọi xe cứu thương của Trung tâm y tế huyện thì đang bận đi công tác. Thế là tôi đành bảo người nhà buộc võng lên xe đạp để cáng đi, còn mình cũng phải mang đồ nghề đi theo để nếu sản phụ có sinh giữa đường thì cũng có thể vớt vát… may mà mọi việc đều an toàn”.

 

Đã không ít lần, đối với những trường hợp nguy cấp, đích thân bác sĩ Hà Thúy phải làm ông xe ôm “bất đắc dĩ” chở bệnh nhân xuống bệnh viện huyện. Những lần chuyển bệnh nhân vào ban đêm, anh phải ở lại luôn tại Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh, đợi đến tờ mờ sáng mới dám trở về nhà vì “đi đêm thú rừng rất nguy hiểm”.

 

Đáng nhớ nhất là lần anh chữa bệnh cho con trai của một gia đình người Êđê ở thôn Trang (xã Giang Ly, Khánh Vĩnh). Bệnh nhân trong tình trạng nguy cấp, một mặt anh vừa tận tình cứu chữa mặt khác gọi xe cấp cứu để chuyển viện nhưng vì đường xa nên mãi chưa thấy xe đến. Ông bố bệnh nhân đợi lâu, đâm ra cùng quẫn nói càn: “Mày chữa kiểu chi thì chữa. Con tao mà chết thì tao giết mày đền mạng cho nó”. Anh nhìn qua, thấy người đàn ông nắm trong tay con dao rựa đen bóng lăm lăm mà run bần bật, áo đẫm mồ hôi. May mắn là chỉ ít phút sau, xe cấp cứu đến, bệnh nhân được cứu chữa kịp thời.

 

Đến giờ, mọi người trong vùng đã hiểu và tin tưởng Hà Thúy. Điều làm anh vui nhất là mình nói đồng bào nghe và mình giúp được điều gì đó cho đồng bào.

 

Vì thế, giờ đây người T’rin dành rất nhiều tình cảm cho người bác sĩ của buôn làng.

Ông Cao Diện thôn Bàu Sang (xã Liên Sang, Khánh Vĩnh) cho biết: “Bây giờ có bệnh thì gọi bác sĩ thôi, không cúng nữa đâu. Bây giờ trước khi ngủ mình cũng biết mắc màn rồi, bếnh sốt rét, sôt xuất huyết không còn nhiều như trước nữa đâu…  Nghe lời bác sĩ Hà Thúy và các cán bộ khác, có bệnh là bà con đến trạm ý tế ngay, không cúng nữa đâu”.

 

Trong quá trình đi khám bệnh, bác sĩ Hà Thúy đều phải làm công tác tư tưởng cho bà con. “Bà con có cái tính là hay xin thuốc cho cả nhà, mình phải lựa lời khuyên giải cho bà con hiểu thuốc không phải là củ mì, củ khoai khi nào muốn ăn cũng được. Phải tùy người, tùy bệnh nếu không bệnh sẽ nặng hơn”.

 

Vì thế mà trước đây, mỗi lần đi khám bệnh, bao giờ anh cũng phải thủ thêm ít thuốc bổ dạng như B1, C để nếu khuyên nhủ không được thì phải cho bà con, không cho sợ bà con nói là keo kiệt.

 

Vẫn còn đó không ít khó khăn, nhưng Hà Thúy vẫn luôn hết lòng vì đồng bào T’rin, chữ “Tâm” vẫn cứ vang vọng giữa núi rừng. Anh xứng đáng là một người con ưu tú của đồng bào T’rin. Năm 2008, Hà Thúy là bác sĩ duy nhất của Khánh Hòa được nhận giải thưởng bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

 

Tộc người T’Rin ở Khánh Hoà hiện cư ngụ chủ yếu tại các xã Khánh Thượng, Giang Ly, Sơn Thái, Liên Sang của huyện Khánh Vĩnh. Nhiều nhất là ở hai buôn Gia Lố và Gia Rít (xã Giang Ly), gồm hơn 240 hộ dân. Tộc người T’Rin là một tộc người thiểu số bản địa, có tiếng nói nhưng không có chữ viết, thuộc ngữ hệ Môn - Khơ Me. Tộc người T’Rin có một bản sắc văn hoá độc đáo, không hề pha lẫn với các tộc người khác ở Tây Nguyên như Ê Đê, Ra Glai... Tuy nhiên cuộc sống của bà con nơi đây vẫn còn không ít những khó khăn.

 

Thành Chung - Việt Anh