1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ba đời làm nghề bảo quản xác

Ở TP Hồ Chí Minh có một gia đình, thậm chí có thể coi là… dòng họ có đến 3 đời chuyên làm nghề tiếp nhận, bảo quản… xác hiến.

Ba đời làm nghề bảo quản xác

Anh Đỗ Thành Tài với chiếc hộp sọ của người hiến trên tay.

 

Nghề… gia truyền

 

“Đừng sợ!” - chúng tôi đã dặn nhau như vậy khi tham quan khu đặt tiêu bản sống của bộ môn Giải phẫu bệnh Trường Đại học Y - Dược TP.Hồ Chí Minh. Thế nhưng khi cánh cửa phòng thực hành giải phẫu của sinh viên mở ra, mọi “căn dặn” đều trở nên vô nghĩa. Lần đầu tiên trong đời tận mắt nhìn thấy mấy chục xác người nằm xếp hàng trên những bàn mổ, chúng tôi ai nấy mặt mày xây xẩm, toàn thân bỗng nhiên lạnh toát. Ấy vậy mà anh Đỗ Thành Tài - người dẫn đường cho chúng tôi - vẫn cười tươi: “Bình tĩnh đi hai chú em. Có gì đâu mà sợ dữ vậy?”.

 

Sốc nhất là khi anh Tài mở cửa cho chúng tôi tham quan phòng tiếp nhận xác mới. Một tay kéo tấm ga phủ thi hài xuống, một tay anh Tài đưa lên bụm miệng và nước mắt giàn giụa. Vì sợ nên chúng tôi đã đứng ở rất xa và lập tức liên tưởng đến mùi hôi... Nhưng không phải. Anh Tài vừa khóa cửa phòng vừa giải thích: “Dù đã ở đây rất nhiều năm, nhưng tui vẫn không thể nào chịu được mùi cay xộc của hóa chất bảo quản, lần nào tiếp xúc cũng nước mắt giàn giụa như thế này”.

 

Anh Đỗ Thành Tài là Tổ phó Tổ tiếp nhận và bảo quản xác hiến của khoa Giải phẫu bệnh Trường Đại học Y - Dược TP.Hồ Chí Minh gồm 7 thành viên. Năm nay anh 38 tuổi và đã có thâm niên 14 năm làm nghề này. “Đây là nghề gia truyền của gia đình tui” - anh nửa đùa nửa thật. “Gia truyền?” - chúng tôi ngạc nhiên. Anh cười giải thích: “Nói gia truyền là bởi gia đình tui có ba thế hệ gồm cha tui, tui và cháu tui cùng làm nghề này”. Tài kể, cha anh - vừa qua đời cách đây 3 năm - là một trong những người làm nghề tiếp nhận và bảo quản xác hiến thuộc thế hệ đầu của Trường Đại học Y - Dược TP.Hồ Chí Minh, sau đó được điều chuyển tăng cường cho đội tiếp nhận xác hiến của Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP.Hồ Chí Minh - nay là Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và làm luôn ở đó cho đến ngày mất.

 

“Còn tui vào nghề này lúc 22 tuổi” - anh Tài kể. Ngày đó anh Tài đang thất nghiệp sau khi “chia tay” nghề phụ thợ hồ với lý do: “Làm cực mấy tui cũng chịu được, nhưng tui không thể nào chịu nổi cảnh suốt ngày bị người ta ỷ có tiền thuê tui làm rồi ưa chửi mắng sao cũng được”. Trong thời gian anh Tài thất nghiệp, một hôm cha anh gọi anh hỏi: “Tài, mày có muốn đi làm nghề nhận xác như tao không?”. “Tui nghĩ một lát rồi nói muốn, thế là ông già xin cho tui vào làm ở đây”. Tài kể ngày đầu tiên anh đi làm cũng là lúc tổ của anh nhận điện thoại lên đường đi tiếp nhận một xác mới và anh bắt tay vào làm luôn, thành thạo như một người chuyên nghiệp. “Ai cũng ngạc nhiên hỏi tui, mày học nghề này từ bao giờ mà làm giỏi dữ vậy? Tui nói học từ trong bụng mẹ” - anh kể đầy tự hào.

 

Tài khoe, hiện tại trong tổ tiếp nhận và bảo quản xác của Trường Đại học Y - Dược TP.Hồ Chí Minh có 7 người thì gia đình, “dòng họ” anh đã chiếm hết... 6 người, gồm: Anh Tài, anh ruột Tài, cháu gọi Tài bằng chú ruột, anh rể thứ sáu trong nhà và hai người khác là bà con trong nhà.

 

 

Ba đời làm nghề bảo quản xác
Ban thờ để bác sĩ, sinh viên, người nhà... thắp nhang trong phòng xử lý xác. Ảnh: H.V.M

 

Không dám kể làm nghề gì

 

Anh Nguyễn Thành Nhân - Trưởng nhóm tiếp nhận thi hài Trường Đại học Y - Dược - kể về quy trình của một lần nhận và xử lý xác hiến: Khi nhận được điện thoại của gia đình người hiến xác cho biết người hiến đã qua đời, lập tức tổ nhận xác lên xe, chở theo một chiếc quan tài bằng inox. Làm thủ tục tiếp nhận và cảm ơn người nhà xong, sau đó bơm thuốc bảo quản vào xác rồi bỏ vào quan tài chở về trường. Thời gian quy định cho quy trình này tối đa là 12 giờ. Sau khi về tới trường, xác sẽ được ướp, ngâm vào bồn chứa dung dịch hóa chất bảo quản để làm tiêu bản phục vụ sinh viên học giải phẫu. Sau khoảng 1 - 2 năm phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy, nếu gia đình có yêu cầu, xác sẽ được nhà trường cho hỏa thiêu có sự chứng kiến của gia đình. Nếu gia đình không nhận lại tro cốt, nhà trường sẽ giữ lại toàn bộ xương để phục vụ việc giảng dạy, nghiên cứu của sinh viên.

 

“Công việc chúng tôi đang làm đòi hỏi phải chạy đua với thời gian, nhiều lúc gia đình người hiến xác ở xa thành phố, chúng tôi gặp không ít khó khăn bởi nạn kẹt xe, tắc đường... - anh Tài kể - Nhiều lần, chúng tôi bị gia chủ chửi mắng, thậm chí suýt đánh vì trước đó, thầy bói nói đến giờ này là xác phải được đưa ra khỏi nhà, họ báo cho chúng tôi và chúng tôi đã đồng ý. Tuy nhiên do tắc đường, kẹt xe nên chúng tôi đã đến muộn so với thời gian quy định. Rồi cũng không ít lần, khi chúng tôi chạy đến gần nơi nhận xác thì nhận được điện báo là con cháu trong nhà đổi ý, không chịu hiến xác cho y học nữa, thế là chúng tôi đành ngậm ngùi quay về”.

 

Chúng tôi rùng mình khi nghe anh kể thêm những chuyện thường ngày khác: “Nhiều khi một - hai giờ sáng, nếu có điện thoại gọi nhận xác thì một số lên xe đi, một số phải ở lại  trực... nhà xác để chuẩn bị mọi thứ cho việc đón xác. Rồi những ngày lễ tri ân (Machaée) hằng năm, chúng tôi phải đảm nhận việc hóa trang cho những thi hài sao cho nhìn họ không khác gì với lúc còn sống”. Anh thú nhận: “Ban đầu cũng sợ lắm, nhưng làm riết thành quen, thấy bình thường không à”.

 

Công việc đặc thù, lại khó nhọc, vất vả trăm bề như vậy, nhưng lương và cả phụ cấp độc hại mà anh Tài và các thành viên khác nhận được khá thấp (như anh Tài là 3,7 triệu đồng/tháng). Vợ anh làm tạp vụ tại Trường Y - Dược Phạm Ngọc Thạch còn thấp hơn: Hơn 2 triệu đồng/tháng. Đó là một mức thu nhập quá thấp so với mức sống đắt đỏ ở TP.Hồ Chí Minh. Nhưng hình như anh Tài không lấy đó làm buồn. “Tằn tiện, chắt bóp rồi cũng qua ngày thôi. Tui biết nhiều người ở Sài Gòn này còn sống khổ hơn tui nhiều, nhưng họ vẫn sống được. Mà thu nhập như vậy không chỉ có nuôi hai vợ chồng không đâu, tui còn lo cho đứa con trai hiện đang học lớp 10 nữa đó” - anh cười tươi rói.

 

Với Tài, điều muộn phiền nhất mà công việc này mang lại cho anh là “trong khi tụi tui làm một công việc rất có ý nghĩa cho xã hội là góp phần thúc đẩy y học phát triển để cứu sống nhiều người bệnh hơn,  thì phần lớn xã hội lại có cái nhìn kỳ thị đối với việc làm của tụi tui. Bởi vậy với người lạ, tui không bao giờ kể là mình làm nghề này, vì đã không ít lần tôi đọc được suy nghĩ của họ qua ánh mắt khi tui lỡ lời: Thằng này nhìn vậy mà chuyên làm nghề nhận, ướp xác, ghê quá!”.

 

Cũng vì công việc khó khăn và đặc thù, nhưng lương lại thấp, phụ cấp độc hại không cao nên tổ tiếp nhận và bảo quản xác ở hai trường đại học y - dược TP.Hồ Chí Minh và Phạm Ngọc Thạch thời gian qua rất khó tuyển nhân viên. “Có rất nhiều người đến xin việc, nhưng hầu hết mới nhìn thấy xác trong phòng bảo quản là... xin về luôn chứ không cần phải thử việc” - anh Nguyễn Thành Nhân kể. Anh Tài bổ sung: “Nếu không có tấm lòng thì sẽ không thể nào trụ lại được lâu với nghề này. Đã có nhiều người hỏi tui là vất vả vậy tại sao không tìm một việc khác nhẹ nhàng hơn, lương cao hơn? Tui hỏi lại: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai? Là tui nói thiệt đó...”.

 

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai...”. Trong đời làm báo của mình, chúng tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần lời bài hát này từ miệng của các “nhân vật”. Và tất nhiên là chúng tôi luôn nghi ngờ trong phần lớn trường hợp. Nhưng, lần này thì khác.

 

Theo Hoàng Văn Minh - Hà Anh Chiến

 Lao động