1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Áp thấp nhiệt đới tan trên biển, lũ miền Trung lên cao

(Dân trí) - Cơ quan khí tượng dự báo vùng áp nhiệt đới suy yếu từ cơn bão Banyan sẽ tan dần trên biển. Tuy nhiên, hoàn lưu của áp thấp sẽ gây mưa, làm lũ ở sông miền Trung lên cao. Cùng đó, ngập lụt sâu còn tiếp tục diễn ra tại khu vực ĐBSCL.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, tối ngày 15/10, vùng tâm áp thấp nhiệt đới còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 570km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng giữa Tây Bắc và có khả năng suy yếu thành một vùng áp thấp rồi tan dần trên biển

Áp thấp nhiệt đới tan trên biển, lũ miền Trung lên cao - 1

Dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ tiếp tục suy yếu và tan trên biển. (Ảnh: NCHMF)

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Cùng đó, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với rãnh áp thấp qua Trung Trung Bộ ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông; Gió đông bắc trên vịnh Bắc Bộ lại mạnh lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động.

Cũng do ảnh hưởng mưa của rãnh áp thấp qua Trung Trung Bộ kết hợp với rìa nam lưỡi áp cao lục địa tăng cường, từ sáng nay 15/1, mực nước trên các sông ở Hà Tĩnh, sông Gianh (Quảng Bình) đang lên, đến trưa và chiều nay 15/10, mực nước sông Kiến Giang (Quảng Bình) và các sông ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế sẽ lên; có khả năng lên mức báo động 1 đến báo động 2, có nơi trên báo động 2.

Chuyên gia khí tượng cảnh báo, cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại các vùng trũng của các tỉnh trên.

Cũng theo thông báo từ cơ quan khí tượng, trong 1-2 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên ít biến đổi sau xuống chậm nhưng vẫn còn ở mức cao. Vì thế, tình trạng ngập lụt sâu còn tiếp tục kéo dài.

P. Thanh