1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM vào mùa mưa
  4. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Ảnh tuần qua: CSGT - những câu chuyện vui buồn

(Dân trí) - Vui với hình ảnh người CSGT khẩn trương dùng xe đặc chủng chở người bị nạn đi cấp cứu. Buồn với sự việc CSGT nổ súng bắn đạn cao su khiến 2 người vi phạm bị thương...

CSGT dùng xe đặc chủng đưa người bị nạn đi cấp cứu.
Chiều 17/7 xảy ra một vụ tai nạn giao thông giữa 2 chiếc xe máy trên đường Hoàng Hoa Thám (Tây Hồ, Hà Nội) làm một người đàn ông ngã ra đường, bất tỉnh. Lái xe còn lại bỏ mặc nạn nhân, rời khỏi hiện trường. Người đi đường đã gọi xe cấp cứu đưa nạn nhân vào bệnh viện nhưng 20 phút sau vẫn chưa có xe nào đến. Đúng lúc này, Thượng sĩ Nguyễn Minh Quyết (Đội CSGT số 2 - CATP Hà Nội) đi làm nhiệm vụ qua tuyến đường này, đã lập tức cùng với sự giúp đỡ của người dân đưa người bị nạn lên xe đặc chủng đi cấp cứu. Đây là một hình ảnh đẹp về người chiến sĩ CSGT trong mắt người dân (Ảnh: Tiến Nguyên)
 
Hình ảnh CSGT Thanh Hóa rượt đuổi trước khi bắn 2 người bị thương
Một sự việc khác cũng liên quan đến CSGT gây xôn xao tuần qua là việc một CSGT đuổi theo hai người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm trên đường phố TP Thanh Hóa, có thái độ khiêu khích lực lượng chức năng. Người CSGT trong quá trình truy đuổi đã rút súng bắn đạn cao su bắn 2 người đi xe máy bị thương. Cán bộ nổ súng là Đại úy Trần Ngọc Hoàng, Đội CSGT Công an thành phố Thanh Hóa, đã bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra. Nhiều người trong ngành khẳng định hành vi nổ súng của cán bộ CSGT là không thể chấp nhận. Tuy nhiên cũng có luồng dư luận bênh vực Đại úy Hoàng sau khi chứng kiến hành vi khiêu khích và thái độ thiếu tôn trọng của 2 người đi xe máy. (Ảnh do người dân cung cấp)
 
Hàng chục CSGT truy đuổi chiếc xe điên, tránh gây nguy hiểm cho người đi đường.
Sáng 8/7, chiếc xe ô tô Matiz BKS 29X-3096 vi phạm luật giao thông đã bị lực lượng CSGT ra hiệu lệnh dừng xe. Tài xế tăng ga cho xe bỏ chạy. Khi bị CSGT truy đuổi, tài xế đã điều khiển xe lạng lách để thoát thân, đâm phải nhiều người đi đường. Thậm chí, khi bị các chiến sỹ CSGT chặn đầu, anh này còn húc đổ xe cảnh sát để chạy tiếp. Sau khoảng 5km truy đuổi qua nhiều tuyến đường, cuối cùng, các chiến sỹ CSGT cũng dừng được chiếc xe trên tại đường Giải Phóng, đoạn gần ga Giáp Bát (Hà Nội). Những hình ảnh về cuộc truy đuổi như phim hành động này đã được người đi đường ghi lại (Ảnh cắt từ clip do độc giả cung cấp).
 
Những biển hiệu chữ Trung Quốc lấn át chữ Việt tại Bãi Cháy.
Tại khu du lịch Bãi Cháy - TP Hạ Long (Quảng Ninh), tuyến đường du lịch chạy dọc bãi biển từ bao giờ tưởng như đã trở thành "phố Trung Quốc" bởi hàng chục cửa hàng, cửa hiệu trưng biển bằng chữ Trung Quốc khiến du khách ngỡ ngàng. Chữ Việt ở đây hình như đã “lép vế”. Ông Nguyễn Duy Hùng - Phó phòng Văn hóa thông tin thành phố Hạ Long - thừa nhận tình trạng chữ Trung Quốc đang lấn át tại các dãy phố kinh doanh ở Hạ Long, song ông này cho rằng điều này xuất phát từ nhu cầu thực tế, khi lượng du khách là người Trung Quốc tới đây rất đông. Về việc xử lý, ông Hùng phân trần cần có thời gian vì còn phải phụ thuộc vào... thời tiết. (Ảnh: Quốc Cường)
 
Cuộc gặp gỡ giữa nhà báo Đức và em bé nghèo Việt Nam- Phạm Thị Thảo Huyền ngày 9/7/2013.
Một nhà báo Đức đã đi xe máy từ Đức sang Việt Nam, vượt hành trình dài 15.000km, kéo dài 55 ngày đêm - để thăm một bé gái nghèo được ông bảo trợ là bé Phạm Thị Thảo Huyền ở Quảng Trị. Hành trình đầy cảm xúc của lòng nhân ái ấy được nhà báo Đức - ông Lothar A. Baltrusch - đặt tên là "Way to Huyen" (Đường đến với Huyền) và được ông coi là một hành trình huyền diệu. Chuyến đi này ông Lothar A. Baltrusch không chỉ quyên góp, ủng hộ cho bé Huyền nói riêng mà cho cả những em bé nghèo khác đang sống trên suốt dọc đường từ Đức đến Việt Nam như những em bé Mông Cổ, những em bé Lào và những em bé Quảng Trị...
 
Ảnh tuần qua: CSGT

Một cậu bé 4 tuổi ở Bắc Ninh với trí thông minh vượt trội, khả năng tính toán nhanh phi thường, đang gây xôn xao dư luận. Cậu bé có thể nhớ rất nhanh những dãy số dài, đọc vanh vách can chi của từng năm ở bất kỳ thế kỷ nào, đổi từ ngày dương sang ngày âm hoặc ngược lại một cách chính xác chỉ trong tích tắc, thuộc lòng quốc kỳ các quốc gia trên thế giới, tính toán các phép tính cơ bản và đọc chữ một cách trơn tru... Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người - đánh giá cậu bé Phạm Tuấn Minh này vào dạng người có bộ óc máy tính. Những chuyên gia làm và am hiểu về giáo dục cho rằng với một trí thông minh xuất chúng như thế, Tuấn Minh cần được hưởng một chương trình giáo dục đặc biệt, giúp em được bảo vệ và có cơ hội phát triển tốt nhất. (Ảnh: Phúc Hưng)
 
Thạch rau câu được bán tại nhiều tiệm tạp hóa

Ngày 17/7, bé Nguyễn Cao Khang (4 tuổi), ở thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, đang ăn thạch rau câu thì đột nhiên ngã lăn ra nền nhà, không thở được, người tím tái và tử vong trên đường đến bệnh viện. Cháu bé được xác định tử vong do ngạt đường thở trong lúc ăn thạch rau câu. Đây không phải vụ tai nạn chết người đầu tiên liên quan đến món ăn ngọt ngào và hấp dẫn với trẻ nhỏ này. Trước đây ở nhiều địa phương trên cả nước đã từng xảy ra nhiều vụ trẻ nghẹn thạch rau câu và phần lớn nạn nhân khó qua khỏi, nếu sống sót cũng để lại di chứng nặng nề. Tuy nguy hiểm là vậy song các sản phẩm rau câu bán ra thị trường thường không hề có khuyến cáo, hoặc nếu có cũng rất nhỏ, như trong bức ảnh trên, khuyến cáo được in siêu nhỏ (phần khoanh đen) với nội dung: "Cắt nhỏ trước khi ăn, trẻ em ăn theo sự hướng dẫn của người lớn". (Ảnh: Trung Kiên)
 
Theo Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội, các cháu đã ổn định sức khỏe
Ngày 14/7, điều dưỡng Trần Thị Vân Anh (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho 5 trẻ sơ sinh vào xe đẩy, đưa đi tắm, trên đường đi đã làm đổ xe đẩy, khiến cả 5 trẻ rơi xuống đất. Theo lời người nhà các bé, ngay khi nghe tiếng trẻ khóc ré lên và thấy các cháu nằm lăn lóc dưới nền gạch, mọi người vội chạy ào tới bế các cháu lên và lúc này đã không thấy điều dưỡng Vân Anh đâu. Sau khi sự việc đáng tiếc xảy ra, phía bệnh viện đã cho các bé đi xét nghiệm tổng thể, bước đầu chưa xác định điều gì bất thường. Tuy nhiên điều này không làm bố mẹ các cháu bớt lo lắng bởi họ rất sợ trẻ sẽ phải gánh chịu những di chứng về sau. Hiện điều dưỡng Vân Anh đã bị đình chỉ công tác. Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội cho biết, các cháu đã ổn định sức khỏe và có thể xuất viện. (Ảnh: V. Nhung)
 
Thân nhân các thuyền viên gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng.
Sáng 17/7, hàng chục thân nhân của 18 thuyền viên đang mắc kẹt trên tàu Hoa Sen và Sea Eagle tại Trung Quốc đã có mặt tại trụ sở Công ty TNHH MTV vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) để bày tỏ sự bức xúc và yêu cầu phía công ty tìm giải pháp nhanh chóng đưa các thủy thủ về nước. Thân nhân các thủy thủ cho biết, các thuyền viên gọi điện về đều chia sẻ điều kiện sống hết sức cực khổ; điện, nước trên tàu bị cắt, tàu bị trôi; thẻ visa và các giấy tờ của thủy thủ đã bị giữ... Liên quan đến vụ việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công mong các thủy thủ tiếp tục chia sẻ với doanh nghiệp bởi hiện giờ Vinashinlines chưa thể có tiền để đưa các thủy thủ về nước. (Ảnh: Anh Thế) 
 
Hoàng Yến (tổng hợp)