1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Ai quản lý người bệnh tâm thần?

Sự kiện một em bé 8 tuổi ở quận Thủ Đức, TPHCM <a href="http://www11.dantri.com.vn/Sukien/2007/8/192232.vip">bị bệnh nhân tâm thần đâm chết</a> tại một nhà sách ngày 12/8 vừa qua khiến nhiều người lo lắng trước tình trạng có rất nhiều bệnh nhân tâm thần đi lang thang ngoài đường.

Ai quản lý bệnh nhân tâm thần? Bác sĩ Phạm Văn Trụ - phó giám đốc Bệnh viện (BV) Sức khỏe tâm thần TPHCM - cho biết:

BV Sức khỏe tâm thần TPHCM có hai cơ sở tiếp nhận điều trị bệnh nhân tâm thần. Hiện tại cả hai cơ sở của BV đang tiếp nhận điều trị khoảng 480 bệnh nhân.

Ngoài ra, mỗi quận huyện của TPHCM còn có một phòng khám tâm thần thuộc trung tâm y tế hoặc BV quận huyện tiếp nhận khám, điều trị, theo dõi sức khỏe bệnh nhân tâm thần. Các phòng khám này nằm trong hệ thống chỉ đạo tuyến của BV Sức khỏe tâm thần TPHCM.

Ngay tại các trạm y tế phường xã cũng có bác sĩ hoặc y sĩ phụ trách khám, theo dõi, quản lý, điều trị cho bệnh nhân tâm thần sau khi họ được điều trị ổn định qua giai đoạn cấp tính xuất viện về nhà.

Vậy số bệnh nhân tâm thần mà các quận huyện và phường xã đang theo dõi, quản lý điều trị tại nhà là bao nhiêu, thưa bác sĩ?

Tính đến tháng 6/2007, 24 quận huyện đang theo dõi, quản lý điều trị ngoại trú tại nhà cho 7.096 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 5.588 bệnh nhân động kinh, 86 bệnh nhân chậm phát triển tâm thần, 167 bệnh nhân trầm cảm và 546 bệnh nhân bị các loại bệnh tâm thần khác.

Bác sĩ khuyến cáo gì về việc vẫn có những bệnh nhân tâm thần đi lang thang ngoài đường, gây nguy hiểm cho người khác?

Như tôi đã nói, đây là những bệnh nhân được điều trị ngoại trú tại nhà sau khi đã được điều trị ổn định qua giai đoạn cấp tính. Những bệnh nhân đi lang thang là những bệnh nhân bị bệnh thời gian lâu, trạng thái tâm thần sa sút do không được dùng thuốc đều đặn và không được gia đình quan tâm, giúp đỡ.

Tuy nhiên, không phải bệnh nhân tâm thần nào cũng có thể gây nguy hiểm cho người khác. Cho dù bệnh nhân không kiểm soát được hành vi do rối loạn tri giác nhưng nếu được điều trị đúng, đều vẫn hiệu quả và họ không gây nguy hại cho người khác.

Vì vậy, gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc điều trị, quản lý bệnh nhân. Bệnh nhân tâm thần cần được cha mẹ, anh em… chấp nhận và hiểu tình trạng bệnh của bệnh nhân, quan tâm, thông cảm và hỗ trợ.

Với những bệnh nhân tâm thần không có thân nhân, vô gia cư, đi lang thang... ai tiếp nhận điều trị, quản lý họ, thưa bác sĩ?

Những bệnh nhân này sẽ được Sở Lao động - thương binh & xã hội TPHCM tiếp nhận đưa về chăm sóc, điều trị tại một trung tâm nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần thuộc sở ở quận Thủ Đức.

Theo Lê Thanh Hà
Báo Tuổi trẻ