1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ 2 thủy thủ nhảy xuống biển Chilê bỏ trốn:

7 tháng “địa ngục” trên tàu cá Đài Loan

(Dân trí) - “Những ngày tháng đầu tất cả lao động trên tàu đều bị ông chủ, cai đánh đập, chửi bới, nhẹ thì sưng tay, chảy máu, nặng thì gãy tay...” - Trần Anh Sơn, người may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần trên biển Chilê vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại.

“Bây giờ thoát được rồi nhưng em vẫn còn nguyên cảm giác đáng sợ ấy” - khuôn mặt đượm buồn và lấm rấm nước mắt, Trần Anh Sơn mở đầu câu chuyện về 7 tháng nhớ đến trọn đời trên tàu Thụy Ích Hưng...

 

Làm việc quá sức và bị đối xử thậm tệ!

 

Mang trong mình rất nhiều hy vọng về chuyến đi xa đầu tiên trong đời, trong đó ước vọng lớn nhất là cố dành dụm ít tiền gửi về đỡ đần thêm gia đình, chuyến bay đưa Sơn và nhiều người bạn đến Singapore.

 

Theo lịch trình, ngày 21/10/2005, em cùng 8 lao động người Việt Nam và 12 lao động khác người Trung Quốc bước xuống tàu Thụy Ích Hưng (Đài Loan) bắt đầu hành trình dài chinh phục biển khơi. Con tàu mà em đi là một trong số 8 tàu của phía công ty bạn được trang bị rất hiện đại.

 

Sau khi rời Singapore, hướng đi của tàu là sang Nam Phi, rồi Ác-hen-ti-na. Khoảng 1 tháng đầu anh em trên tàu vừa làm vừa học việc. Còn sau đó là những ngày thật sự vất vả giữa biển khơi. Công việc của nhóm em là xốc, lựa và chuyển mực vào hầm lạnh. Đây là công việc đòi hỏi phải có sức khỏe, nhanh nhẹn và phải hiểu việc nếu không muốn vừa làm vừa trúng đòn của chủ và ông cai.

 

Lựa mực phải vừa nhanh phải vừa chính xác chủng loại. Mực chia làm nhiều loại khác nhau. Loại dưới 2 ký bỏ riêng, loại 2 ký trở lên đóng vào thùng giấy theo trọng lượng của mực. Đầy thùng bọn em phải mang ngay vào phòng lạnh.

 

Công việc nặng nhọc như thế nhưng tất cả anh em đều phải làm việc mỗi ngày 18 tiếng đồng hồ, thậm chí còn phải làm thêm những lúc gặp trận mực nhiều. 3 giờ chiều tất cả bọn em lao vào làm việc. Công việc diễn ra suốt đêm khuya, kéo dài mãi tới tận 8 giờ sáng hôm sau.

 

Làm việc quần quật cả ngày nên thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi còn lại bọn em đều tranh thủ chợp mắt để lấy sức. Những trò giải trí trên tàu hầu như không có. Được cái đầu đĩa thì chủ tàu cai quản cấm anh em bén mảng vào.

 

Em là một thanh niên có sức khoẻ và đã gắn bó với nghề đi biển từ hồi còn nhỏ nhưng bao nhiêu đó vẫn không giúp em tránh được sự khắc nghiệt trong công việc trên tàu Thụy Ích Hưng. Đã nhiều lần trong khi làm việc em bị chảy máu cam mà không biết. Lắm lúc em tưởng như không thể làm được việc nữa.

 

Tuy nhiên, sự đối xử thậm tệ của chủ tàu và ông cai mới là nỗi khiếp sợ lớn nhất của bọn em. Tên chủ tàu em không nhớ, nhưng độ tuổi thì trạc 35. Thoáng nhìn trông ông ta cũng hiền lành, nhưng mỗi lần ông nổi giận hay cởi áo để lộ ra những con rồng rắn được xâm kín khắp người thì trông thật đáng sợ. Bất cứ việc gì, nếu ông không vừa lòng thì anh em trên tàu đều có thể chịu đòn bất cứ lúc nào.

 

Còn ông cai, tên là Lê Ki Ma, 45 tuổi. ông Ma cũng hung dữ không kém. Mặt ông ta lúc nào cũng chằm chằm hướng về anh em, sẵn sàng bổ roi, gậy vào bất cứ ai nếu cảm thấy không ưng. Ở trên tàu tiếng nói của hai ông này là lệnh. Không một ai dám trái ý hay cãi lại. Để quản lý lao động, chủ tàu và cai còn được trang bị cả súng, roi điện và dùi cui bằng gỗ. Chủ tàu đã thực hiện tất cả những quyền hành mà chỉ có những người trên tàu và biển khơi mới biết được.

 

Do khả năng ngôn ngữ còn rất hạn chế nên gần như những ngày tháng đầu tất cả thuyền viên, lao động trên tàu đều bị ông chủ, cai đánh đập, chửi bới. Nhẹ thì sưng tay, chảy máu, nặng thì gãy tay chờ lúc có tàu nhỏ ra ăn hàng để trả “phạm nhân” về nước. Có người bị đánh ở lưng không nằm ngủ được phải ngồi; người khác lại bị đánh, chân, đùi không ngồi được phải nằm. Đó là những chuyện xảy ra thường ngày trên tàu.

 

7 tháng có mặt trên tàu em không thể nhớ nổi chủ tàu và ông cai đã đánh anh em làm thuê đến bao nhiêu lần. Thế nhưng, cũng có những vụ có lẽ cả cuộc đời em sẽ không thể nào quên.

 

Lần khiếp sợ đầu tiên là ông chủ tàu đánh anh Sửu (quê ở Nghệ An). Hôm  ấy, không hiểu lý do gì ông chủ gọi anh Sửu lên phía trên tàu rồi bắt anh nằm xuống. Chủ tàu dùng thước dài độ 1m cứ nhằm thẳng người anh Sửu mà phang. Sau trận đòn ấy khắp người anh Sửu bầm tím. Nhìn thấy thế bọn em thương lắm nhưng không biết làm thế nào, bởi nếu hé miệng là y như lãnh đòn của chủ và ông cai.

 

Một lần khác, chủ tàu đã đánh gãy tay một thuyền viên Trung Quốc. Trong suốt mấy chục ngày, mặc dù thuyền viên này đã bị gãy tay nhưng chủ tàu đối xử với người này rất thậm tệ. Họ nhốt anh ta ra phía sau phòng tắm và nhà vệ sinh. Thương người ấy, mỗi lần có dịp gặp mặt, anh em người cho điếu thuốc, người lời động viên. Không chịu đựng nổi, anh ta như phát điên, cả ngày chỉ biết hát và hát, phải sau đó rất lâu mới được đưa lên bờ.

 

Còn bản thân em, cũng nhiều lần bị chủ tàu và cai đánh một cách rất vô lý. Có một lần, tên cai cho là em xóc mực không sạch, thế là ông ta dùng roi điện quất em tới tấp. Cứ mỗi lần ông ta quất em chỉ biết lấy tay ra đỡ mà không nói được lời nào. Sau trận đòn ấy, cánh tay phải của em sưng phù từ cổ tay cho tới vai. Phải mất nhiều thời gian cánh tay mới lành…

 

8 tiếng đồng hồ cầu may giữa biển

 

Không chịu nổi cách đối xử và công việc nặng nhọc trên tàu, hầu như ai cũng ngóng đợi tàu nhỏ ra ăn hàng để xin lên bờ. Trong 7 tháng đã có 5 lượt tàu nhỏ ra ăn hàng. Cứ mỗi lần như thế, không ít anh em xin chủ cho lên bờ nhưng không được chấp thuận. Bản thân em đã 2 lần xin chủ tàu như thế nhưng cuối cùng vẫn phải ở lại để tiếp tục một cuộc sống khắc nghiệt trên tàu…

 

Sau 7 tháng đánh bắt ở Nam Phi, Ác-hen-ti-na… ông chủ tàu Thụy Ích Hưng cho tàu di chuyển qua Peru đế kiếm mực lớn. 2 giờ sáng ngày 15/5, tàu đi qua hải phận Chilê. Lúc ấy hầu hết mọi người trên tàu đã chìm trong giấc ngủ. Nghĩ đến cuộc sống trên tàu, em đặt quyết tâm phải cố vượt được vào bờ, sau đó tìm cách liên hệ về với gia đình. Cũng nhiều lần bị đánh như em nên Lâm cũng nhất quyết lên bờ.

 

Trước khi nhảy, em và Lâm đã chuẩn bị được mấy cái phao cột lại với nhau và mang theo mấy gói mì tôm và chai nước uống. Thật không may đợt đầu tiên, khi ném phao và đồ uống xuống biển, sóng đã cuốn chúng mất tích. Không còn cách nào khác bọn em đã lấy hai cái thùng phuy cột dây nối với thân người. Sau cú nhảy xuống biển, không ngờ nước biển lại lạnh đến 10 độ C nên bọn em chỉ cầm cự được 2 tiếng đồng hồ. Bọn em chỉ biết bám thật chặt vào thùng phuy và mặc cho số phận.

 

Thời gian trôi, em và Lâm bị kiệt sức vì đói, vì lạnh, chân tay cứng đờ dần. Người Lâm thâm tím và nằm miệt trên thùng phuy. Lâm gần như không còn cử động được chân tay. Lúc đó bọn em đã nghĩ đến cái chết, nghĩ đến chuyện không còn cơ hội để được về với gia đình.

 

Nhưng thật may mắn, độ 10h trưa, một tàu hải quân của Chilê đã phát hiện được hai đứa bọn em. Họ đã cứu mạng sống của bọn em ngay trước miệng lưỡi tử thần. Bây giờ nghĩ lại những giây phút ấy em vẫn không thể tin nổi. Nhiều đêm nằm ngủ mà thân mình lâng lâng như đang trườn trên chiếc thùng phuy tìm sự sống…

 

Văn Dũng ghi