1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

60% nước thải công nghiệp xả thẳng ra sông

(Dân trí) - Đây là đánh giá khái quát Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an đưa ra tại Hội thảo khoa học về chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường do UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 7/8.

Báo cáo của Phó Cục trưởng - đại tá Nguyễn Sỹ - cho biết, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực an toàn thực phẩm có chiều hướng gia tăng về số vụ và nghiêm trọng về mức độ, hậu quả, tác hại đối với đời sống xã hội.

Trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và môi trường đô thị, từ năm 2010 đến nay, lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường phát hiện hơn 6.000 vụ vi phạm, trong đó khởi tố gần 40 vụ với hơn 60 đối tượng, xử lý hành chính hơn 5.000 vụ việc với tổng số tiền hơn 90 tỷ đồng.

Theo ông Sỹ, ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp đang diễn ra nghiêm trọng, trên diện rộng, trong hầu hết các loại hình sản xuất. Khoảng 60% lượng nước thải hằng ngày từ các khu, cụm công nghiệp được xả thẳng ra nguồn tiếp nhận không qua xử lý đã gây ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt tại các lưu vực sông Đồng Nai, sông Cầu và sông Nhuệ - Đáy…
Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường Phan Xuân Dũng (đứng) chủ trì hội thảo.
Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường Phan Xuân Dũng (đứng) chủ trì hội thảo.

Mặt khác, số liệu thống kê cho thấy, khoảng 70% các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp không có hệ thống bảo vệ môi trường, xử lý nước thải hoàn hảo. 30% có hệ thống hoàn hảo nhưng có thực hiện hay không thì cũng... chưa biết thế nào. 100% làng nghề vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

Đại tá Nguyễn Sỹ cũng cho biết, trong 5 năm qua, có khoảng 100 dự án không được Hội đồng Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua trong lần đầu thẩm định, do địa điểm thực hiện không phù hợp về phương diện môi trường hoặc không có biện pháp thích đáng để phòng ngừa, giảm thiểu các tác động xấu của dự án đối với môi trường, như dự án mở rộng mỏ than Na Dương (Lạng Sơn); dự án lấn biển (Hải Phòng)…

Ô nhiễm không khí ở các thành phố ngày càng gia tăng, chủ yếu do các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng và chất thải sinh hoạt. Rác thải không được xử lý triệt để, thậm chí lén lút đổ xả ra môi trường. Hầu hết các bãi xử lý rác thải đều không đạt yêu cầu, đặc biệt trong việc xử lý nước rỉ rác.

Đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, cũng từ năm 2010, lực lượng chức năng phát hiện hơn 3.000 vụ vi phạm, xử lý hành chính gần 1.000 vụ, hơn 1.000 tổ chức cá nhân, với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng. Tội phạm phá kẹp chì container hàng thực phẩm tạm nhập tái xuất đem tiêu thụ trong nội địa, sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn, sử dụng hóa chất cấm trong sản xuất thực phẩm…

Ngoài ra, cảnh sát môi trường cũng phát hiện hơn 1.300 vụ vi phạm, khởi tố 2 vụ và 2 đối tượng, xử lý hành chính 800 vụ vi phạm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và quản lý chất thải nguy hại như máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu; rác thải chứa chất thải nguy hại...

Về thực trạng công tác xây dựng chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến khẳng định, về cơ bản đến nay, hệ thống chính sách tương đối đầy đủ và đồng bộ, có những quy định cụ thể và chi tiết đối với từng ngành, từng lĩnh vực; tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thúc đẩy hội nhập kinh tế và quốc tế.

Tuy nhiên, qua 8 năm triển khai trong thực tế, một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường năm 2005 đã bộc lộ một số bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đòi hỏi phải sớm có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Ông Tuyến cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất 9 giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện chính sách như cần thiết phải lập quy hoạch môi trường làm căn cứ để lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quản lý chất thải; tăng cường bảo vệ môi trường làng nghề; xác định quyền hạn và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp…

Riêng vấn đề đánh giá tác động môi trường, dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vẫn giữ quy định 2 bước lập đối với các dự án phức tạp, cần lập báo cáo đầu tư và xin chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị bỏ quy định hậu thẩm định đánh giá tác động môi trường vì trong thời gian qua, chỉ có chưa đến 10% dự án có đánh giá tác động môi trường được hậu thẩm định, và dù không có công tác này các dự án vẫn hoạt động.

P.Thảo