1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

40 cán bộ ngành thi hành án dân sự sẽ bị tinh giản biên chế

Thế Kha

(Dân trí) - Hệ thống thi hành án dân sự dự kiến tinh giản biên chế với 40 trường hợp trong năm 2024. Bộ Tư pháp yêu cầu đưa ra khỏi cơ quan, tổ chức những người không đủ năng lực.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa ký quyết định phê duyệt kế hoạch tinh giản biên chế của hệ thống thi hành án dân sự.

Kế hoạch nêu rõ, tinh giản biên chế nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ và thu hút những người có đức, có tài, năng lực vào làm việc trong hệ thống thi hành án dân sự.

Trên cơ sở mục tiêu giai đoạn 2024-2026 đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt trước đó, năm 2024 hệ thống thi hành án dân sự dự kiến tinh giản biên chế đối với 40 trường hợp.

40 cán bộ ngành thi hành án dân sự sẽ bị tinh giản biên chế - 1

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (Ảnh: Phạm Thắng).

Bộ Tư pháp yêu cầu các cơ quan liên quan xác định chính xác mức độ phù hợp về năng lực của công chức, viên chức, người lao động với yêu cầu của vị trí việc làm để có căn cứ đưa ra khỏi cơ quan, tổ chức những người không đủ năng lực.

"Tinh giản biên chế phải được tiến hành trên cơ sở rà soát, sắp xếp lại tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị; thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức, hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo quy định trong từng đơn vị", Bộ Tư pháp nêu quan điểm.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện tinh giản biên chế trong đơn vị được giao quản lý theo thẩm quyền.

Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ thẩm định và tổng hợp danh sách đối tượng tinh giản biên chế của hệ thống theo định kỳ 2 lần/năm (6 tháng/lần); lấy ý kiến Vụ Tổ chức cán bộ và Cục Kế hoạch - Tài chính, sau đó trình Bộ trưởng Tư pháp phê duyệt.

Bộ Tư pháp giao thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án địa phương tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chính sách tinh giản biên chế đến công chức, viên chức, người lao động. Danh sách cần được gửi tới Tổng cục Thi hành án dân sự để tổng hợp và thực hiện việc chi trả chế độ, chính sách cho từng đối tượng bị tinh giản.

Như Dân trí thông tin trước đó, kết quả thi hành án năm 2023 đạt cao nhất từ trước đến nay, với hơn 575.000 việc, thu trên 89.000 tỷ đồng, trong đó có trên 20.000 tỷ đồng từ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế - tăng gần 4.500 tỷ so với năm 2022.

Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự dự báo, năm 2024 khối lượng công việc thi hành án sẽ tăng đột biến khi một loạt các đại án tiếp tục được đưa ra xét xử và tổ chức thi hành án.

40 cán bộ ngành thi hành án dân sự sẽ bị tinh giản biên chế - 2

Bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng 85 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang hầu tòa (Ảnh: Hải Long).

Trong đó, vụ Vạn Thịnh Phát, cơ quan điều tra kê biên một lượng bất động sản lớn, ước tính lên đến hàng ngàn tỷ và nhiều triệu cổ phần, cổ phiếu và các tài sản bị thu giữ khác; vụ Tân Hoàng Minh, vụ án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, vụ Tập đoàn FLC,... đều đã kê biên rất nhiều tài sản, quyền sử dụng đất của các cá nhân liên quan.

Nguồn lực, công chức hiện tại của các cơ quan thi hành án dân sự đang phải cáng đáng khối lượng công việc rất lớn đặt ra của án kinh tế, tham nhũng.

"Chỉ tính riêng những vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo mà các cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành, đã có đến hơn 3.000 tài sản phải xử lý, trong đó hơn 1.000 tài sản là quyền sử dụng đất", lãnh đạo cơ quan này từng dẫn chứng.