1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TT-Huế:

4 thợ lặn tử vong đều không mặc đồ bảo hộ

(Dân trí) - Thượng tá Lê Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh TT-Huế - cho biết, 4 nạn nhân tử vong khi đang trục vớt tàu Malaysia đều không mặc đồ bảo hộ lao động mà chỉ mặc quần áo công nhân bình thường.

Sáng 19/6, trao đổi với Thượng tá Lê Văn Phương tại Trạm kiểm soát biên phòng Vinh Thanh, cách chiếc tàu đắm được trục vớt khoảng 3km, Thượng tá Phương cho biết khi đưa xác 3 trong số 4 thợ lặn tử vong lên bờ thấy các nạn nhân đều không mặc đồ bảo hộ.

Vì tàu bị nạn tải trọng rất lớn, trên 3.000 tấn nên các khoang chứa có độ sâu hàng chục mét, rộng và khá sâu. Khoang ballast là khoang đầu của phần đầu tàu - nơi 4 nạn nhân đã thiệt mạng - có độ sâu khoảng 10m.

Một điều ngạc nhiên là trước hôm xảy ra tai nạn một ngày (17/6), 1 trong 4 nạn nhân có vào hầm này để đưa vòi rồng vào hút nước ra. Lúc đó mực nước còn lại khoảng 3 mét, nhưng công nhân này không gặp bất trắc gì.

Đến trưa 18/6, sau khi đã hút nước ra gần hết, mực nước còn lại trong khoang này còn khoảng 1 mét thì vòi rồng gặp sự cố; công nhân vào kiểm tra thì ngạt thở, tử vong. Hiện vẫn còn 1 thi thể mắc lại ở khoang ballast. Ông Phan Ngọc Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế cho biết, hiện chưa xác định được các lao động chết do ngạt khí gì.
 

Liên quan đến sự cố ngạt khí, sau khi 4 thợ lặn gặp sự cố trong khoang tàu, 4 công nhân khác là các anh Phan Thanh Sự (39 tuổi), Cao Văn Liêm (36 tuổi), Nguyễn Hữu Tâm (27 tuổi) và Nguyễn Tấn Dân (35 tuổi, đều trú Đồng Tháp) cũng nhảy xuống và bị ngạt khí. May mắn các anh này được đưa đi cấp cứu kịp thời nên hiện đã qua cơn nguy kịch. Anh Phan Thanh Sự kể: “Lúc đó, tôi và 3 lao động đang làm việc ở phía sau đáy tàu thì nghe mùi gì rất khó chịu bốc lên. Nhìn về phía bơm nước không thấy các đồng nghiệp nên định vào trong khoang xem thì bị ngạt khí. Lúc tỉnh dậy, tôi mới biết mình vừa được cấp cứu ở BVTƯ Huế”.

Cơ quan chức năng tập trung tại trạm kiểm soát biên phòng Vinh Thanh sáng nay
Cơ quan chức năng tập trung tại trạm kiểm soát biên phòng Vinh Thanh sáng nay

Dự kiến, trong chiều 19/6, 2 lực lượng chủ chốt sẽ về tại hiện trường để giải quyết nghi vấn có khí độc trong khoang tàu; gồm Phân viện Bảo hộ Lao động (thuộc Bộ LĐ-TB&XH tại Đà Nẵng) và Sở TN&MT tỉnh TT-Huế. Công binh của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh TT-Huế sẽ đem khí tài phòng hóa để đưa tử thi còn lại ra ngoài. Các cơ quan điều tra Công an tỉnh TT-Huế, Sở LĐ-TB&XH tỉnh, Bộ đội Biên phòng… đã có mặt từ ngày 18/6 đến nay, khẩn trương tìm hiểu các nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn.

Theo Thượng tá Lê Văn Phương, cơ quan sẽ phối hợp với các ban ngành khác phong tỏa, bảo vệ hiện trường, vận động nhân dân không đến gần tàu “hôi của” nhằm tránh tai nạn đáng tiếc. Đồng thời sẽ lắp đặt thiết bị cảnh báo xung quanh tàu để ngăn ngừa các tai nạn có thể xảy ra.

Cận cảnh chiếc tàu (phần đầu) ở Vinh Thanh

Cận cảnh chiếc tàu (phần đầu) ở Vinh Thanh
Tàu cứu hộ của Long An nằm sát ngay tàu đắm làm việc gần 1 tháng qua

Tàu cứu hộ của Long An nằm sát ngay tàu đắm làm việc gần 1 tháng qua

Đại Dương