1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

34% phụ nữ nông thôn phải lao động ngay sau khi sinh

(Dân trí) - Con số đáng buồn này vừa được Uỷ ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đưa ra trong buổi toạ đàm về công tác tuyên truyền bình đẳng giới. Một con số khác: hơn 25% phụ nữ thành thị cũng không được nghỉ làm ngày nào sau khi sinh con.

Cũng theo thống kê của Uỷ ban này, chỉ có 1,6% phụ nữ nông thôn được nghỉ ngơi từ 120 ngày trở lên sau khi sinh; với phụ nữ thành thị, tỷ lệ này là 1,8%.

 

Điều này cho thấy, sức khỏe sinh sản của phụ nữ sau sinh hiện nay chưa được bảo đảm; đồng nghĩa với việc sức khoẻ trẻ sơ sinh cũng bị ảnh hưởng không tốt trong chế độ ăn uống và chăm sóc, kéo theo tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em còn cao.

 

Bên cạnh đó, bạo lực gia đình cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ và đời sống tinh thần người phụ nữ. Hơn 21% phụ nữ cho biết từng bị chồng chửi và gần 6% cho biết đã bị chồng đánh. Phụ nữ Việt Nam còn mang tâm lý e ngại, giấu giếm khi bị chồng ngược đãi, vì thế, con số trên thực tế có thể cao hơn rất nhiều.

 

Buổi toạ đàm cũng tập trung trao đổi về bình đẳng giới trong lĩnh vực lãnh đạo quản lý, trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII.

 

Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, bà Trần Thị Mai Hương, nhấn mạnh: Trong tổng số những người có trình độ đại học và cao học, phụ nữ chiếm 37%; nữ tiến sĩ chiếm gần 20% và phó giáo sư là 6,7%. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo quản lý vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của các cấp, các ngành, quần chúng nhân dân và bản thân phụ nữ về bình đẳng giới  và vai trò của phụ nữ trong xã hội chưa tốt.

 

Hiện nay, Việt Nam dẫn đầu châu Á về sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội khóa XI với tỉ lệ hơn 27% nhưng con số này vẫn chưa tương xứng với năng lực đóng góp thực tế của phụ nữ. Trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII lần này, sẽ cố gắng nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội lên ít nhất 30%.

 

Đức Minh