1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thừa Thiên - Huế:

3.000 nhân viên y tế “dài cổ” chờ nhận lương mới

(Dân trí) - Dù quy định của Chính phủ về việc trả lương mới đã có hiệu lực từ ngày 1/5/2012 với mức lương tối thiểu tăng từ 830.000đ lên 1.050.000đ/tháng; nhưng cho đến nay, gần 3.000 nhân viên ngành y tế tỉnh TT-Huế vẫn chưa nhận được mức lương mới.

Cán bộ y tế khắp nơi chờ lương mới

Ngày 6/11, có mặt tại Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc, chúng tôi gặp ông Phạm Xuân Kiễn, Trưởng phòng Tổ chức hành chính. Ông Kiễn tiếp các phóng viên vì bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đình Lập, Giám đốc trung tâm, đang đi họp ở thành phố Huế.

Ông Kiễn cho biết hiện có 302 nhân viên y tế tại huyện Phú Lộc, trong đó nhân viên ở các trạm y tế là 114 người. Ông Kiễn thừa nhận chờ lương mới đã lâu, nhân viên tuyến dưới nhiều lần kiến nghị và hỏi cấp trên nhưng Sở Y tế chưa thấy có thông tin gì.

Chúng tôi điện thoại xin gặp Giám đốc trung tâm Nguyễn Đình Lập, ông Lập nói sẽ cử PGĐ là ông Nguyễn Văn Uynh tiếp. Chiều cùng ngày, sau khi trao đổi với ông Lập, ông Uynh lại cho biết vấn đề này PV phải lên gặp Giám đốc Sở Y tế, vì theo chỉ đạo chung, tất cả mọi phát ngôn đều do Giám đốc Sở nói.

Trung tâm y tế huyện Phú Lộc
Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc

Tại Trung tâm Y tế huyện Phú Vang, chúng tôi được xếp lịch làm việc tại văn phòng với ông Nguyễn Xuân Sang, Phó phòng Tài vụ và ông Phan Thanh Vâng, Trưởng phòng Tổ chức hành chính.

Ông Sang cho biết hiện có 304 cán bộ y tế tại Phú Vang, trong đó tuyến cơ sở có 130 cán bộ. Trung tâm y tế huyện đã làm tất cả thủ tục chuyển lên Sở Y tế tỉnh TT-Huế từ mấy tháng nay nhưng vẫn chưa được chi lương mới. Ước tính, với số lượng cán bộ như trên, phần tăng thêm từ tháng 5 đến tháng 12 vào khoảng hơn 3,6 tỷ đồng (gồm lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phụ cấp…).

“Hiện chúng tôi đã làm tờ trình gửi Sở Y tế xin giải quyết. Anh em cán bộ ở tuyến huyện đời sống khá khó khăn. Chúng tôi cũng chờ đợi nửa năm nay rồi, hy vọng sẽ có lương mới sớm”, ông Vâng chia sẻ.

Cho đến nay, ngoài Phú Vang, Phú Lộc là hai huyện có nhiều cán bộ y tế, thành phố Huế cũng là nơi có nhiều cán bộ y tế nhất tại 9 huyện, thị, thành phố của Huế. Và không chỉ những nơi này, nhân viên y tế toàn tỉnh đều mỏi mòn chờ được trả mức lương mới từ nửa năm nay.

Hàng trăm cán bộ y tế tuyến xã vẫn đang chật vật với đồng lương cũ
Hàng trăm cán bộ y tế tuyến xã vẫn đang chật vật với đồng lương cũ

Qua tìm hiểu được biết, ngành giáo dục Huế có lực lượng cán bộ rất đông nhưng đã được chi trả lương mới từ lâu. Riêng ngành y tế là “cá biệt”. Theo thống kê sơ bộ, số cán bộ y tế tỉnh TT-Huế khoảng 3.000 người. Vẫn biết “cơm chưa nấu, gạo còn đó” song với mức giá cả leo thang như hiện nay, cuộc sống của nhiều hộ gia đình đang rơi vào khốn khó.

Chậm trả lương mới vì cách tính lương quá phức tạp!

Trao đổi về nội dung trên với ông Bùi Minh Bảo, Chánh văn phòng Sở Y tế tỉnh TT-Huế, ông Bảo giải thích, lý do chậm trả lương mới là do đặc thù của ngành y tế; phải phụ thuộc vào 4 nghị định, gồm: Nghị định 31/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012, Nghị định 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012, Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 và Nghị định 116/2010/NĐ-CP.

Trong đó, nghị định 56 là phức tạp nhất khi quy định “Chế độ phụ cấp ưu đãi theo theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập”. Nghị định ra đời cuối năm 2011 nhưng phải đến ngày 19/1/2012 mới có thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện, và thông tư này có hiệu lực từ ngày 5/3/2012. Nghị định này chỉ ra chế độ phụ cấp đặc thù như 70%, 50%, 30%... đối với từng chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng người.

Khi đưa xuống các cơ sở cũng gặp khá nhiều rắc rối vì theo quy định có đến 6 nhóm đối tượng với cả trăm chức năng nhiệm vụ. Chỗ này nếu làm không kỹ Sở sẽ bị kiện. Đã có nhiều trường hợp cơ sở tuyến huyện gửi lên Sở Y tế, vì làm sót nhiều nên Sở phải gửi trả về huyện để kiểm tra lại.

“Nhân viên của Sở Y tế và Chi cục Dân số tỉnh có khoảng 70 người, rất dễ tính lương vì không có các phụ cấp theo nghị định trên. Nếu có thì chúng tôi đáng lẽ phải có trước rồi, nhưng vì “dính chùm” với mấy ngàn anh em nên đến giờ cũng chưa có lương mới” - ông Bảo cho biết.

“Tổng số tiền phải chi trả cho việc tăng lương (gồm lương cơ bản và phụ cấp) là 62,65 tỷ đồng. Trong đó trừ đi các khoản thì còn hơn 44 tỷ đồng. Con số này hiện chúng tôi đã gửi danh sách lên Sở Tài chính, và Sở Tài chính đã gửi lên tỉnh cuối tháng 10 vừa qua để chờ được duyệt. Khi nào có tiền, chúng tôi sẽ chuyển ngay cho anh chị em” - ông Bảo khẳng định.

Đại Dương